Tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh hiệu quả (Bài cuối)
Công an các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động khai thác cát trái phép, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản (cát sông) không rõ nguồn gốc và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Không để thất thoát tài nguyên
Giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ cần khoảng 63 triệu m3 cát để triển khai thi công 16 dự án trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền cho các dự án là khoảng 70 triệu m3, trong đó, đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3. Đối với đất đắp, nguồn cung chủ yếu tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã xác định được nguồn cung là 2/7 triệu m3. Với nguồn cung cát, đến nay đã xác định được 37/63 triệu m3 (chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL), còn thiếu 26 triệu m3. Riêng khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án trọng điểm quốc gia các tuyến đường bộ cao tốc và đường Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, tại các địa phương có 266 công trình, dự án đang và sẽ triển khai nêu nhu cầu sử dụng cát rất lớn trong khi nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát tăng cao, vì lợi nhuận các đối tượng bất chấp các quy định pháp luật để hoạt động khai thác cát trái phép và dùng mọi thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Việc bắt giữ các phương tiện trên sông còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác cát, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản còn nhiều bất cập. Đối tượng trực tiếp khai thác cát đều là những người làm thuê không có nơi ở cố định, thậm chí không biết chữ, kinh tế khó khăn nên việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Toàn vùng ĐBCSL có hơn 1.500 bến bãi tập kết kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đây cũng là nơi thường tập kết, trung chuyển khoáng sản được khai thác trái phép. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý của cơ quan chức năng để tập kết, thu mua cát trái phép rồi sử dụng hóa đơn quay vòng, hóa đơn thương mại của các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hợp thức hóa nguồn cát được tập kết trên các bến bãi để đưa đi tiêu thụ tại các công trình, dự án.
An Giang có thế mạnh về trữ lượng tại các mỏ nhưng vẫn xảy ra nhiều vấn đề liên quan như tình hình cát tặc, đặc biệt là sạt lở ngày càng nghiêm trọng mà một phần nguyên nhân do việc nạo vét cát ở lòng sông quá mức. Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đề án “Xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản”.
Tất cả doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông đều lắp đặt thiết bị định vị, giám sát hành trình trên phương tiện, để theo dõi, giám sát việc khai thác theo đúng ranh giới, thời gian được phép khai thác trong ngày… UBND tỉnh An Giang đã ký ban hành bản xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 10 khu mỏ khai thác cát sông phục vụ thi công các công trình đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 phân đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) theo cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ.
Tỉnh An Giang yêu cầu các nhà thầu cần tuân thủ đúng hướng dẫn quy định, báo cáo định kỳ cho chủ đầu tư dự án về tình hình, thông tin khối lượng cát đã tiếp nhận và thi công nhằm đảm bảo việc giao mỏ khai thác được chặt chẽ. Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình khai thác, tiêu thụ cát dựa trên thông tin “đầu ra” (lượng cát khai thác tại mỏ) và “đầu vào” (lượng cát đưa về công trình cao tốc).
Tăng cường công tác phòng ngừa
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện Đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh và Kế hoạch của Bộ Công an. “Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành trong việc nắm tình hình, xác định khu vực thường xuyên có hoạt động khai thác cát; bắt giữ và xử lý nghiệm các hành vi phạm nhằm kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở, giải quyết cơ bản các “điểm nóng” về khai thác cát trái phép, không để bức xúc trong nhân dân”, Đại tá Nguyễn Văn Lộc thông tin.
Công an tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt quy chế phối hợp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phối hợp, đấu tranh tại địa bàn giáp ranh.
Còn tại Trà Vinh, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép từng bước được kiềm chế, không còn điểm nóng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Hậu và sông Cổ Chiên nhưng vẫn còn diễn ra ở một số nơi và khu vực ven biển thuộc thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải. Các đối tượng hoạt động lén lút hoạt động khai thác vào ban đêm, địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận (Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long), trang bị tàu vỏ sắt có trọng tải lớn (không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm) gắn máy hút tự chế có công suất lớn để khai thác được nhanh và nhiều cát. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế môi trường Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố 4 vụ, 6 bị can về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên (cát sông và đất cát giồng).
Đại tá Lê Văn Tư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản (cát sông, cát biển) trên địa bàn quản lý, nhất là công tác thẩm định cấp giấy phép khai thác tại các mỏ cát, quản lý chặt khối lượng khai thác.
Tăng cường các biện pháp công tác, từ đó đề ra kế hoạch kiểm tra tập trung, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, kinh doanh, vận chuyển vật liệu xây dựng; thành lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin có liên quan đến hoạt động này và kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm CBCS nếu có hành vi bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép.
Công an tỉnh Trà Vinh chủ động phối hợp với các tỉnh giáp ranh trong công tác phòng, chống hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trọng tâm là phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin các đối tượng có biểu hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép mang tính chất lưu động tại các khu vực giáp ranh, đồng thời triển khai đồng bộ công tác tuần tra, kiểm tra hoạt động mua bán, vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ, hoạt động khai thác cát sông trái phép trên tuyến sông.
Tại buổi hội ý nghiệp vụ chiều 31/5 do Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tổ chức ở Công an TP Cần Thơ đã đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong cấp phép, khai thác, vận chuyển, tập kết bãi kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp tại khu vực ĐBSCL. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, tội phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, mang tính hệ thống. Công tác quy hoạch, cấp phép mỏ cát trên địa bàn khu vực ĐBSCL chưa sát với nhu cầu thị trường gắn với phát triển kinh tế xã hội, chưa giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Vùng ĐBSCL được xác định là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho hầu hết các công trình phía Nam nên luôn trong tình trạng “nóng bỏng”, xuất hiện nhiều điểm nóng về vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản. Tại buổi hội ý nghiệp vụ, các đại biểu đã thảo luận, nhận diện rõ các sai phạm, tội phạm trong hoạt động cấp phép, khai thác, vận chuyển tập kết bến bãi kinh doanh thông thường; các tuyến, địa bàn trọng điểm; phức tạp và phương thức thủ đoạn trong các khâu từ khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, quản lý tiêu thụ, sử dụng nguồng gốc vật liệu có nguồn gốc từ khai thác trái phép.