Sự thật về doanh nghiệp trúng giá 370 tỷ đồng một mỏ cát tại Quảng Nam

Thứ Năm, 24/10/2024, 08:14

Những ngày qua, vụ đấu giá một mỏ cát ĐB2B tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) với mức trúng giá lên tới 1.534,6% R, tức tăng gần 310 lần (hơn 370 tỷ đồng) so với giá khởi điểm gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận. Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, cơ quan Công an cũng đã vào cuộc... PV Báo CAND cũng phát hiện đưa ra mức giá “khủng” này lại là một doanh nghiệp (có trụ sở tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được thành lập mới chỉ gần 2 năm, với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng…

Đấu giá mỏ cát hay đấu giá “kim cương”?

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà được thành lập vào tháng 5/2022, có trụ sở chính tại đường Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Người đại diện pháp luật của công ty là Nguyễn Sỹ Minh Tiến (SN 2000, ngụ tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MT Quảng Đà có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Sự thật về doanh nghiệp trúng giá 370 tỷ đồng một mỏ cát tại Quảng Nam -0
Một bến thủy tập kết cát dọc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.

Công ty này đăng ký 41 mã ngành, nghề kinh doanh; trong đó ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày, chi tiết kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ kinh doanh nhà trọ. Tháng 2/2023, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà thay đổi đăng ký kinh doanh và bổ sung thêm loạt ngành nghề không hoạt động tại trụ sở, trong đó có khai thác đá, cát, sỏi…

Theo luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Luật AMI, đoàn luật sư TP Đà Nẵng, tại điểm c, Khoản 2, Điều 53 Luật Khoáng sản 2010 sửa đổi 2018 quy định tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Điều này cũng có thể hiểu, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà nếu giá trúng thầu là 370 tỷ đồng thì không đủ điều kiện để được cấp phép khai thác mỏ cát này và chưa đáp ứng được quy định trên của Luật Khoáng sản.

Tại Điểm c Khoản 2 Điều 11 Nghị định 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Lúc này, nếu thực sự muốn khai thác mỏ cát đã trúng giá, doanh nghiệp phải thực hiện tăng vốn và cung cấp bổ sung Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản để đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu nêu trên.

Dấu hiệu cố tình thổi giá, thao túng giá…

Tại miền Trung, Quảng Nam là địa phương có nhiều mỏ cát nhất; chất lượng cát cũng rất tốt nhưng giá cát trong tỉnh tăng cao hơn các địa phương lân cận mà vẫn không đủ nguồn cung. Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hiện nhiều nhà thầu dự án ở vùng giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng; các dự án đô thị mới của Đà Nẵng đang rất lo ngại khi loạt công trình đã khởi công nhưng phải thi công cầm chừng. Một trong những nguyên nhân là dù giá cát liên tục tăng trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ cát cho các công trình. “Giá cát theo UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3; giá cát tại bến dao động từ 150.000-180.000 đồng/m3, với mức giá cát như vậy đã là quá cao”, một chủ doanh nghiệp cho biết.

Bên cạnh đó, chịu thiệt hại nặng nề nhất là TP Đà Nẵng vì lệ thuộc vào nguồn cung ứng vật liệu cát xây dựng từ Quảng Nam, Quảng Ngãi… như các dự án công trình lớn mở rộng cao tốc La Sơn – Hòa Liên; Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B; Cảng Liên Chiểu; Dự án hoàn thiện tuyến đường gom dọc hai bên đường tránh Nam hầm Hải Vân…  hoặc phải lùi thời gian khởi công, còn nhà thầu thì chưa dám huy động nhân lực, thiết bị thi công vì sợ trượt giá vật liệu kéo dài sẽ bị thua lỗ nặng.

Anh Nguyễn Trì (chủ một bến bãi tập kết cát tại xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: Nhiều năm trải qua thăng trầm với giá cát vật liệu xây dựng trên địa bàn thị xã Điện Bàn nên tôi không khỏi lo ngại với một mức giá đội nóc kịnh trần như đơn vị đấu giá quyền thai thác mỏ cát vừa qua. Giới kinh doanh vật liệu cùng doanh nghiệp khai khoáng, xây dựng như chúng tôi không thể tin một doanh nghiệp làm ăn tính toán trước sau nghiêm túc lại sẵn sàng bỏ 370 tỉ đồng để mua khai thác mỏ cát mới như Công ty Cổ phần MT Quảng Đà. Khái toán sơ bộ giá chưa khai thác cho mỗi m3 cát tại mỏ lên tới trên 2,3 triệu đồng… Cộng thêm các khoản phí khai thác, vận chuyển, bến bãi, thuế, chênh lệch… thì liệu khi cát đến tay người tiêu dùng, người xây nhà, các dự án công trình xây dựng mỗi 1m3 cát sẽ đội giá lên đến mức nào? Liệu còn công trình xây dựng nào, người xây nhà nào đủ kinh phí mua cát xây dựng? 

Ông Nguyễn Thanh Vỹ, Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn thừa nhận giá trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát ĐB2B là quá cao. Giá cát sau khi đấu hơn 2,3 triệu đồng/m3, nếu tính thuế, phí các loại, giá 1m3 cát lên đến gần 3 triệu đồng. Điều này là phi thực tế so với giá thị trường hiện nay.

Theo nhận định của Sở TN&MT Quảng Nam, kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B có yếu tố bất thường. Mức giá trả cao gấp rất nhiều lần so với giá khởi điểm và giá vật liệu xây dựng được cơ quan chức năng công bố. Mức giá cuối cùng cũng cho thấy có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Ngay sau khi có thông tin kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ cát ĐB2B, ngay trong ngày 19/10, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo, yêu cầu các Sở: TN&MT, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Công an tỉnh và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra dấu hiệu bất thường đối với trường hợp đấu giá mỏ cát này.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các ngành chức năng liên quan và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, quy trình, thủ tục liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B nêu trên.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra các vấn đề về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tham gia đấu giá quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010 và những bất cập trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B nêu trên; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.

Trong thời gian chờ các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, UBND thị xã Điện Bàn tạm thời chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B này.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, ngày 18/10 vừa qua, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, Công ty đấu giá Hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn thuê thực hiện đấu giá) đã tiến hành tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ ĐB2B. Cuộc đấu giá kết thúc vào lúc 4h10 ngày 19/10/2024, trải qua 200 vòng đấu, đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần MT Quảng Đà với giá trúng đấu giá là 1.534,6%R, tương đương với tiền trúng đấu giá tạm tính theo trữ lượng dự tính 159.000m3 là trên 370 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm là trên 369 tỷ đồng.

Hoài Thu
.
.
.