“Sổ đỏ” giả trong cơn “sốt đất” thật

Thứ Sáu, 16/09/2022, 08:59

Hiện tượng “sốt đất” thời gian qua trên địa bàn Quảng Bình có nhiều diễn biến khá phức tạp, giá đất thiếu ổn định, xảy ra hiện tượng đầu cơ, mua đi bán lại, tăng giá đột biến… gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của người dân. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng phạm tội đã có nhiều chiêu thức nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, thông qua việc giao dịch, môi giới, mua bán đất đai. Một trong những thủ đoạn phổ biến đó là các đối tượng đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ giả để thực hiện hành vi phạm tội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vào giữa tháng 4/2021, một người đàn ông dáng khắc khổ, đến trụ sở Công an thành phố Đồng Hới để gửi đơn trình báo, tố giác tội phạm. Ông là Đặng Văn Quyết, gần 60 tuổi, trú tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

“Sổ đỏ” giả trong cơn “sốt đất” thật -0
Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn tại cơ quan điều tra.

Theo đơn trình báo của nạn nhân, ông Quyết là người đứng ra thỏa thuận với một đối tượng tên Phạm Thị Thu Phương, trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị về việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 71, tờ bản đồ 58, có diện tích gần 7.000m2, thuộc địa phận thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.

Đây là một mảnh đất thuộc mặt tiền đường Nguyễn Thị Định, thành phố Đồng Hới mà nạn nhân khai hoang, sử dụng bấy lâu nay nhưng chưa có điều kiện để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi gặp đối tượng Phạm Thị Thu Phương, ông Quyết đã thỏa thuận và đồng ý để Phương “chạy” thủ tục cấp sổ đỏ đối với mảnh đất này, với giá 500 triệu đồng (chưa kể tiền thuế) và cam kết trong 7.000m2 đất này sẽ có 500m2 đất ở…

Sau khi nhận một ít tiền để lo thủ tục, khoảng 2 tháng sau, đối tượng Phương gửi cho ông Quyết văn bản thông báo thuế của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, với số tiền cần phải đưa thêm cho Phương là hơn 900 triệu đồng, để Phương đứng ra nộp thuế giúp ông Quyết.

Đặt niềm tin vào đối tượng, ông Quyết đã chuyển cho Phạm Thị Thu Phương nhiều lần, tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, Phương tiếp tục yêu cầu ông Quyết phải chuyển đủ thêm 1 tỷ đồng nữa, mới bàn giao sổ đỏ.

Vào cuộc xác minh, lực lượng Công an thành phố Đồng Hới đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy lời khai đối với Phạm Thị Thu Phương. Tại cơ quan điều tra, Phương khai nhận: Sổ đỏ mang tên ông Đặng Văn Quyết là do Phương làm giả, đặt trên mạng xã hội để đưa cho ông Quyết nhằm mục đích tạo lòng tin để chiếm đoạt hơn 1,19 tỷ đồng.

“Sổ đỏ” giả trong cơn “sốt đất” thật -0
Phạm Thị Thu Phương và tấm sổ đỏ giả dùng để lừa đảo.

Không chỉ đối với ông Quyết, đối tượng Phạm Thị Thu Phương đã liên kết với nhiều đối tượng khác, thực hiện việc làm giả nhiều sổ đỏ, các văn bản thông báo thuế, con dấu của Cục Thuế và Sở Tài nguyên - Môi trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Sau khi xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, củng cố đầy đủ tài liệu, hồ sơ có liên quan, Công an thành phố Đồng Hới đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng Phạm Thị Thu Phương và đồng bọn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức và chuyển giao vụ án lên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Cũng giống như ông Quyết, vào đầu tháng 5 năm 2022, Công an xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng đã nhận đơn trình báo của người dân ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch về việc đối tượng Nguyễn Văn Tuấn, SN 1994 trú tại địa bàn đã có hành vi dùng sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi có trong tay sổ đỏ giả, đối tượng Tuấn đã thống nhất việc mua bán với các nạn nhân là anh Nguyễn Văn Hợp và anh Nguyễn Đăng Hải nên nhận “cọc” của hai anh 150 triệu đồng và giao sổ đỏ giả đó để làm tin. Tuy nhiên, sau một thời gian, nạn nhân nghi ngờ là sổ đỏ giả nên đã báo cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an xã Hưng Trạch đã kịp thời báo cáo sự việc và chuyển toàn bộ tài liệu, hồ sơ lên Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để xử lý theo thẩm quyền.

Được sự phân công của Ban Chỉ huy, Công an huyện Bố Trạch, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện đã khẩn trương bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức thu thập tài liệu, chứng cứ để đấu tranh.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Văn Tuấn khai nhận: Sau khi có thông tin thửa đất, qua mạng xã hội facebook, Tuấn đặt làm sổ đỏ giả đối với thửa đất với giá 5 triệu đồng, mang tên vợ chồng Nguyễn Văn Tuấn, sau đó cầm cố cho hai anh Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Đăng Hải “làm cọc” để lừa đảo chiếm đoạt 150 triệu đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 3 tháng đối với đối tượng Nguyễn Văn Tuấn về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Đại úy Thái Khắc Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, điều đáng nói trong vụ án này, đó là đối tượng đã lấy thông tin thửa đất 1134, tờ bản đồ số 11, số CN 475993 có địa chỉ tại thôn Khương Hà 2, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch được cấp cho một người dân có địa chỉ tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch từ năm 2018 và hiện tại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này chưa được chuyển nhượng, mua bán, cho tặng hoặc thừa kế, thế chấp cho cá nhân, tổ chức nào.

Vì thế, sau khi đã nắm thông tin về thửa đất, chủ sở hữu của thửa đất, đối tượng đặt làm giấy quyền sử dụng đất giả, thay đổi chủ sở hữu, sau đó tiến hành một số hoạt động giao dịch, thậm chí qua mặt được các đơn vị công chứng…

Khi cơn “sốt đất” tăng lên, có thời điểm giá cả “nhảy múa” theo ngày, nguy cơ làm mất an ninh trật tự trên địa bàn hiện hữu. Tỉnh ủy Quảng Bình đã có Công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh nhanh chóng thực hiện các giải pháp để quản lý tình hình bất động sản, không để xảy ra tình trạng "cò" gây sốt giá đất và bong bóng bất động sản.

Tuy nhiên, trong “cơn sốt” ấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân địa phương, sức hút của đồng tiền để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng.

Từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can 5 vụ, liên quan đến 5 đối tượng. Song hệ lụy của loại tội phạm này đó chính là nhiều nạn nhân đã lâm vào cảnh đường cùng, nợ nần chồng chất.

Có thể nói, bất động sản là một lĩnh vực nhạy cảm, bởi số tiền giao dịch thường khá lớn, nên nhiều đối tượng lừa đảo đã và đang tập trung lừa đảo vào lĩnh vực này, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân thiếu hiểu biết hoặc không nắm rõ thông tin, thiếu tìm hiểu kỹ càng trước khi thực hiện các giao dịch.Vì thế, để tránh tình trạng trở thành nạn nhân của các đối tượng, người dân cần phải tỉnh táo khi thực hiện việc trao đổi, mua bán, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, cần phải được xác minh rõ ràng của cơ quan có thẩm quyền, không để “tiền mất, tật mang”…

Ngô Quang Văn
.
.
.