Sang Malaysia làm việc: Hàng trăm người bị nợ lương và thuế thu nhập

Thứ Năm, 27/06/2024, 07:51

Sau khi Báo CAND số ra ngày 20/6/2024 đăng bài "Vì sao hàng chục người lao động bị nợ lương khi sang Malaysia làm việc vẫn chưa được giải quyết?", chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều thông tin phản ánh của người lao động bị Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí - CTCP (viết tắt là PV Engineering; trụ sở đặt tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) nợ lương, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong thời gian được điều động sang làm việc tại dự án nhà máy lọc dầu Rapid ở Pengerang, Johor, Malaysia từ năm 2016-2019.

Trong đó có khá nhiều người gặp rắc rối khi xuất cảnh ra nước ngoài và phải tự bỏ tiền túi để đóng thuế TNCN cho Chính phủ Malaysia. Phản hồi cho thấy, số người lao động bị nợ lương, thuế TNCN có lẽ lên đến hàng trăm người chứ không dừng lại ở con số vài chục lao động.

Anh H.A.T (quê tỉnh Thái Bình) cho biết, anh sang làm việc tại dự án Rapid trong khoảng thời gian từ 2017-2018 và chỉ bị PV Engineering nợ một ít lương. Năm 2019, khi anh sang Malaysia thì bị từ chối nhập cảnh vì bị nợ thuế TNCN. Do vậy mà đầu năm 2024, khi có nhu cầu anh buộc phải làm thủ tục để tự đóng thuế gần 65 triệu đồng thì mới được nhập cảnh sang Malaysia. Anh cũng đã liên hệ nhiều lần với PV Engineering nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Sang Malaysia làm việc: Hàng trăm người bị nợ lương và thuế thu nhập -0
Người lao động Việt Nam phải làm việc vất vả vào ban đêm tại dự án Rapid.

Tương tự là anh H.M.L (ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), làm việc tại Malaysia trong giai đoạn 2016-2017 với chức danh quản lý. Do không bị nợ lương nên anh cũng không biết mình hiện còn nợ thuế TNCN ở Malaysia. Tháng 2/2024, anh nhập cảnh vào Malaysia thì bình thường nhưng khi xuất cảnh thì bị giữ lại và thông báo còn nợ thuế 18.600 ringgit (tiền Malaysia, tương đương hơn 100 triệu đồng). Anh phải hoàn thành việc đóng số tiền thuế trên thì mới được xuất cảnh.

"Nói thì đơn giản vậy nhưng công việc đóng thuế rất nhiêu khê, phải nhờ vả nhiều nơi, nhiều người và tốn kém khá nhiều chi phí phát sinh. Những ngày bị tạm giữ nơi xứ lạ quê người, bất đồng ngôn ngữ, mình có cảm giác bị xem như tội phạm nên tâm lý khá hoảng loạn, bất an" - anh L. nhớ lại. Cũng giống như anh L., anh N.S.C (ngụ Vũng Tàu) sang Malaysia làm công việc giám sát từ năm 2017-2019. Sau khi về nước, PV Engineering còn nợ anh khoảng 130 triệu đồng. Tháng 3/2024, anh cũng sang Malaysia và bị giữ lại khi xuất cảnh vì nợ thuế tương đương khoảng 55 triệu đồng. Tuy nhiên anh phải bỏ thêm 15 triệu đồng chi phí thì mới đóng được thuế.

Chị L.T.T.T, nhân viên quản lý tài liệu làm việc tại dự án Rapid từ năm 2016 đến năm 2017 thì quay về Việt Nam. Chị ký hợp đồng trực tiếp với PV Engineering, thỏa thuận lương được trả bằng Việt Nam đồng thông qua tài khoản ngân hàng. Tháng 4/2024, chị được tham gia khóa đào tạo tại Malaysia nhưng sau đó phát hiện mình còn nợ thuế 15,849 ringgit, chị đành phải hủy chuyến đi. Còn anh V.V.H, mới đây, anh được nhận vào làm việc tại một tập đoàn lớn được cử sang Malaysia công tác nhưng đã vuột mất cơ hội tốt vì còn nợ thuế TNCN ở Malaysia….

Điểm chung nhất của các lao động bị gặp rắc rối khi xuất nhập cảnh sang Malaysia là họ không được sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía PV Engineering. Nhiều người liên hệ với PV Engineering nhưng những người có trách nhiệm không ai đứng ra giải quyết mà xem như là chuyện của người khác. Trong khi đó, khởi điểm của hợp đồng sang Malaysia làm việc là họ trực tiếp ký với PV Engineering dưới thời ông Đỗ Văn Thanh làm Tổng Giám đốc. Có nhiều trường hợp chính ông Thanh là người ký quyết định điều động biệt phái. Như trường hợp của kỹ sư N.T.V (quê Thái Bình) ký hợp đồng làm việc với Công ty PVE-PMC (công ty thành viên của PV Engineering) từ năm 2014.

Đến tháng 2/2016, ông Đỗ Văn Thanh ký quyết định điều động biệt phái ông V. về gói thầu Civil works, dự án nhà máy lọc dầu Rapid Malaysia làm giám sát thi công xây dựng thời gian từ 1/3/2016 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Theo quyết định, tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác của ông V. được hưởng theo quy định của Tổng Công ty đối với gói thầu Civil works; quy chế trả lương, trả thưởng của Tổng Công ty và các quy định của nhà nước. Sau khi kỹ sư V. về nước, cũng chính Tổng Giám đốc Đỗ Văn Thanh điều động nhân sự trở lại sau thời gian biệt phái. Thế nhưng số tiền lương mà PV Engineering còn nợ ông 85 triệu đồng và thuế TNCN hơn 57 triệu đồng đến nay chưa giải quyết thì lại đẩy hết trách nhiệm cho công ty con là PVE Malaysia thì khó có thể chấp nhận được. Hiện ông Đỗ Văn Thanh là thành viên Hội đồng quản trị của PV Engineering.

Giới thiệu trên trên trang web của mình, PV Engineering cho biết về tầm nhìn, sẽ "phát triển PV Engineering trở thành doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam và là một trong những công ty hàng đầu trong khu vực Đông nam Á với một số lĩnh vực kinh doanh chính (core businesses) đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; đồng thời, chuẩn bị tiền đề và từng bước mở rộng hoạt động ra nước ngoài". Với tầm nhìn này, có lẽ PV Engineering nên xem lại vì hiếm có doanh nghiệp số 1 nào ở Việt Nam và hàng đầu khu vực Đông nam Á mà nợ lương hàng chục, hàng trăm công nhân hơn 5 năm chưa trả!   

Mã Hải
.
.
.