Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đang giảm mạnh
Trong vòng 15 năm (2005-2020), diện tích rừng tự nhiên ở các tỉnh Tây Nguyên đã giảm từ 2,83 triệu hecta xuống còn 2,18 triệu hecta trong khi các loại cây nông nghiệp lại tăng mạnh.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khởi động Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Việt Nam”, do Bộ NN&PTNT phối hợp với chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 3/6 tại TP Đà Lạt.
Tại hội thảo, các địa biểu cùng đưa nhận định, khu vực Tây Nguyên đã và đang phải đối mặt với tình trạng mất rừng tự nhiên nghiêm trọng, do chuyển sang rừng trồng và sang canh tác cây công nghiệp. Sự gia tăng dân số cơ học, di dân tự do đã khiến các tỉnh Tây Nguyên đang chịu rất nhiều áp lực về vấn đề dân số, việc làm, đất sản xuất… dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã giảm rất mạnh trong những năm qua.
Theo thống kê, từ năm 2005-2020, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên đã giảm từ 2,83 triệu hecta xuống còn 2,18 triệu hecta. Ngược lại, diện tích trồng cà phê tại khu vực này được mở rộng từ 449.400ha lên 577.119ha. Diện tích trồng cao su tăng từ 86.892ha lên hơn 259.200ha. Diện tích trồng cây lấy gỗ tăng từ 144.420ha lên 368.734ha.
Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái đất nông nghiệp do ô nhiễm hóa học, khô hạn và xói mòn đất cũng được các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá là rất nghiêm trọng. Tây Nguyên chiếm 22% lượng khí thải tự nhiên của cả nước trong lĩnh vực sử dụng đất. Mỗi năm, khoảng 6,8 triệu tấn khí CO2 từ các nông trại cà phê Tây Nguyên thải ra môi trường từ phân bón, các chất dư thừa và sử dụng nhiên liệu.
Trước tình trạng trên, dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Việt Nam” đã lựa chọn 4 địa phương, gồm huyện Lạc Dương và Di Linh (Lâm Đồng), huyện Đắk Glong và Đắk Rlấp (Đắk Nông) để triển khai thí điểm. Mục tiêu của dự án là tăng cường hệ sinh thái rừng, cải thiện sinh kế và sản xuất lương thực bền vững dựa trên sự phù hợp với các chính sách, chiến lược của cả Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Dự án hướng tới mục tiêu đến năm 2026, 25.000ha rừng tự nhiên sẽ được bảo vệ, giảm lượng phát thải tương đương khoảng 3 triệu tấn CO2, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân trong vùng được thụ hưởng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao tính bền vững trong sản xuất với mục tiêu các hàng hóa chính tăng 25% giá trị.