Rót 19,4 tỷ để đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Thứ Tư, 31/08/2022, 09:36

Việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) là rất cần thiết, nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây tái diễn, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trưởng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và gây mất ANTT địa phương.

Theo tìm hiểu, trước đó, vào ngày 15/3, Bộ TN&MT có quyết định về việc phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu với kinh phí thực hiện hơn 19,4 tỷ đồng. Đến ngày 22/8 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh).

Việc đầu tư đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu để phục hồi các khu vực đã khai thác, các bãi thải, đập thải và các công trình phụ trợ khai thác, tuyển và luyện quặng vàng về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu -0
Lực lượng Công an tổ chức truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc" tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Diện tích khu vực thực hiện đóng cửa mỏ là 368ha. Các hạng mục của dự án gồm thực hiện bịt kín và xây tường chắn cửa lò chính, đánh sập các cửa lò khai thác trái phép; tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, xử lý môi trường; trồng cây, trồng cỏ cải tạo môi trường; giám sát môi trường sau khi kết thúc việc đóng cửa mỏ. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2022-2024.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu; chịu trách nhiệm theo dõi ý kiến của HĐND tỉnh về bổ sung dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh để chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh các thủ tục liên quan của dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Ngày 29/8, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất bổ sung dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu với tổng mức đầu tư hơn 19,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (trong đó, nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của doanh nghiệp đã thu hồi vào ngân sách tỉnh gần 6,5 tỷ đồng) vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Duy Phúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi có các quyết định của cơ quan chức năng về đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, hiện Ban đang lập các thủ tục để lựa chọn đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu được lập và phê duyệt trên cơ sở bản đồ địa hình và hồ sơ khảo sát được lập từ tháng 5/2018. Đến nay, qua khảo sát sơ bộ thực tế hiện trường, đối chiếu với nội dung có nhiều sai khác. Hiện nay, người dân vẫn tiếp tục khai thác vàng trái phép nên diện tích khai thác lộ thiên cũng như số lượng cửa lò khai thác trái phép là rất lớn.

Ngoài ra, một số diện tích trong đề án đề xuất san gạt trồng cây sao đen, nhưng thực tế người dân đã chiếm đất và trồng keo, gồm khu vực khai trường lộ thiên Hố Gần, người dân đã tiến hành trồng keo lai tại các khu vực bờ tầng, moong khai trường; tại khu vực bãi thải và đầm lầy Núi Kẽm, toàn bộ khu vực này người dân đã trồng cây keo lai cao từ 0,5-1,5m, mật độ khá dày. Các khu vực khác như đập thải, nhà điều hành, nghiền tuyển, tuyến đường vận tải cũng đã được người dân trồng keo.

Do đó, cần có một đợt khảo sát thực tế hiện trạng khu vực mỏ vàng Bồng Miêu; đồng thời Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phú Ninh xử lý các trường hợp người dân tự chiếm đất trồng keo để bàn giao thực hiện đề án.

Trong khi việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đang được gấp rút triển khai thì tình trạng khai thác vàng trái phép nơi đây vẫn tái diễn mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi, song đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Sau các đợt truy quét, các đối tượng lại xâm nhập vào mỏ vàng Bồng Miêu để khai thác vàng trái phép. Do đó, giải pháp căn cơ nhất vẫn là nhanh chóng triển khai đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

Việc khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu không chỉ gây nguy cơ mất ANTT mà còn ô nhiễm môi trường trên dòng sông Quế Phương, sông Tiên, ảnh hưởng đến người dân của huyện Tiên Phước.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu -0
Người dân địa phương cho biết, nước sông Tiên đoạn chảy qua xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước bị đục do tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu gây ra.

Có mặt tại sông Tiên đoạn chảy qua xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, chúng tôi nhận thấy dòng nước đục ngầu. Theo người dân địa phương, nước sông Tiên bị đục do tình trạng khai thác vàng trái phép gây ra.

Ông Nguyễn Văn Học, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lộc cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Tiên xảy ra nhiều từ đầu năm 2022 đến nay. Người dân đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng quan tâm giải quyết tình trạng này và tăng cường các biện pháp truy quét các điểm khai thác vàng, khoáng sản trái phép.

Về vấn đề này, UBND huyện Tiên Phước đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại sông Quế Phương, xã Tiên Lập và sông Tiên do khai thác vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu và báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam để tiếp tục chỉ đạo xử lý.

Ngọc Thi
.
.
.