Rầm rộ khai thác cát dưới hình thức nạo vét hồ thủy điện Đa Nhim
Trên bờ, từ rạng sáng hàng chục xe ben đã nối đuôi nhau trực chờ vào bãi tập kết “ăn cát” rồi chở đi khắp nơi tiêu thụ. Dưới lòng hồ thủy điện Đa Nhim (thị trấn Đ’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), những con tàu khủng vẫn dàn thành hàng dài hoạt động rầm rộ.
4h sáng, khi PV Báo CAND có mặt, hàng chục xe ben loại 4 chân chuyên chở vật liệu xây dựng đã xếp hàng kéo dài từ cổng vào đập hồ thủy điện Đa Nhim, thuộc thôn Lâm Tuyền 1, thị trấn Đ’ran, ra tới gần QL27 với chiều dài hơn 100m. Các tài xế người tranh thủ chợp mắt, người bấm điện thoại vật vờ trên ca bin xe chờ tới giờ bảo vệ ra mở cửa để vào “ăn cát”.
Trời vẫn chưa sáng, dòng xe từ khắp nơi, nhiều nhất vẫn là của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng từ TP Đà Lạt tiếp tục đổ về nối thành hàng dài. Khoảng 5h30, thanh barie chắn ngang lối ra vào đập hồ thủy điện Đa Nhim được mở, hàng chục xe ben đồng loạt nổ máy, lừ đừ băng lăn bánh qua con đường đất dưới chân đập để sang bên bãi tập kết cát ngay sát với mặt hồ, cách cổng ra vào khoảng 1,5km.
Mặc dù đã xuất trình Thẻ nhà báo, đề nghị được vào hiện trường tác nghiệp nhưng PV Báo CAND đã bị lực lượng bảo vệ ở đây không cho vào với lý do đưa ra là “để đảm bảo an ninh hồ đập”. Không còn cách nào khác, để tiếp cận những núi cát khổng lồ, PV buộc phải quay trở ra, tiếp cận bãi tập kết cát trên bằng một con đường khác.
Mới hơn 6 giờ sáng, bãi tập kết cát bên hồ thủy điện Đa Nhim đã tấp nập xe cộ ra vào như một đại công trường thuộc dự án trọng điểm. Những chiếc máy múc hối hả làm việc hết công suất nhưng vẫn không kịp chuyển cát lên xe khiến hàng loạt xe ben vẫn phải trực chờ xếp hàng để vào nhận cát.
Theo quan sát của PV, khu vực này có nhiều vị trí tập kết cát trên diện tích rộng hơn 1ha. Cát được các tàu di chuyển dưới lòng hồ Đa Nhim, hút đưa lên đầy khoang rồi di chuyển về khu vực tập kết, bơm đẩy lên bãi chứa tạo thành những đống lớn với hàng trăm mét khối mỗi “núi cát”. Cùng lúc, hàng loạt xe ben 4 chân, loại thùng thường chở từ 16-18m3 BKS 49H-007.51, 49C-137.95, 49C-175.31, 49C-216.95, 49H-013.96, 49H-010.30... được múc đầy cát, ì ạch rời khỏi bãi, di chuyển lên hướng TP Đà Lạt.
Dưới lòng hồ thủy điện Đa Nhim các hoạt động diễn ra cũng sôi động chẳng kém. Không biết những chiếc tàu khổng lồ đã rời bờ từ khi nào nhưng mới hơn 6 giờ sáng, cách bờ hơn gần 2km đã xuất hiện cả dãy tàu xếp hành hàng dài lên đênh trên mặt nước.
Theo người dân địa phương, chẳng biết dự án nạo vét lòng hồ thủy điện Đa Nhim được thực hiện hiệu quả như thế nào, nhưng từ nhiều năm qua, họ chỉ toàn thấy xe ben khắp nơi đổ về, xếp thành hàng dài từ rạng sáng để vào chở cát ra ngoài tiêu thụ với mỗi ngày lên tới cả trăm lượt xe. Lượng xe cộ ra vào đông, chở cát nặng tới mức con đường dẫn vào cổng chính của đập thủy điện trước đây vốn được trải nhựa đã nhanh chóng bị cày tung, nát bươm, buộc đơn vị liên quan phải đổ lại cho người dân con đường mới bằng chất liệu bê tông.
Hằng ngày, lượng xe ben chở vật liệu xây dựng từ hướng hồ thủy điện Đa Nhim lên TP Đà Lạt tấp nập, quá tải tới mức mặt Quốc lộ 20, chiều từ thị trấn Đ’ran lên TP Đà Lạt hư hỏng nham nhở khiến đơn vị quản lý cầu đường phải liên tục trám vá, mặc dù tuyến đường này được đầu tư nâng cấp chưa lâu.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, do giấy phép của Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng trước đây (năm 2016) đã hết thời hạn nên cuối tháng 3/2022, sở này có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc cấp lại giấy phép trong phạm vi bảo vệ hồ đập, hồ chứa thủy điện Đa Nhim cho doanh nghiệp trên. Trên cơ sở đó, ngày 8/4/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho phép Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng được tiến hành các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Đa Nhim.
Theo giấy phép, Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng được nạo vét cục bộ phòng chống bồi lắng kết hợp thu hồi cát, sạn sỏi làm vật liệu xây dựng và bùn đất tại lòng hồ thủy điện Đa Nhim… với diện tích 24ha, được chia làm 6 khu. Tổng khối lượng nạo vét theo giấy phép là 312.841m3 nguyên khối, trong đó khối lượng cát xây dựng là 256.999m2, còn lại là bùn đất và sạn, sỏi xây dựng. Năm thứ nhất đến năm thứ bốn, doanh nghiệp trên được nạo vét 62.600m3 nguyên khối/năm, năm cuối cùng được nạo vét 62.441m3 nguyên khối/năm.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Huy Thành, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng cho biết, doanh nghiệp của ông đã đủ điều kiện để tiến hành nạo vét, thu hồi khoáng sản (cát, sạn, sỏi…) theo giấy phép hoạt động của UBND tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 8/4/2022.
Tuy nhiên, theo Phòng Quản lý khoáng sản và tài nguyên nước, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng, tới thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần đầu tư PITC Lâm Đồng vẫn chưa đủ điều kiện để tiến hành nạo vét, thu hồi cát, sạn, sỏi và bùn theo giấy phép do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp. Cụ thể, doanh nghiệp trên chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường, chưa lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khối lượng cát, sạn sỏi thu hồi trong quá trình nạo vét và các thủ tục liên quan để Sở TNMT trình UBND tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi được PV Báo CAND cung cấp một số hình ảnh về hoạt động khai thác cát tấp nập tại khu vực hồ thủy điện Đa Nhim, đại diện Phòng Quản lý khoáng sản và tài nguyên nước, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo cơ quan, phối hợp với Sở Công thương tiến hành kiểm tra các hoạt động liên quan trên hồ thủy điện Đa Nhim.