Quyết mua bằng được lô đất Thủ Thiêm rồi xin trả chậm?

Thứ Bảy, 09/04/2022, 09:32

Sau thời gian tạm lắng, từ ngày 6/4 đến nay thông tin về 2 doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega chưa thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn 90 ngày tiếp tục làm nóng dư luận.

Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh khẳng định, hai DN trên đã có văn bản nêu ra những khó khăn khách quan, chủ quan và đề nghị chia số tiền trúng đấu giá phải nộp làm 6 đợt, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 tới.

Cụ thể, trong tháng 4 các DN sẽ nộp 15%, gồm cả tiền đặt cọc, lệ phí trước bạ và khoản phạt chậm nộp. Các tháng 5, 6, 7 và 8, mỗi tháng các DN sẽ nộp 17% giá trị tiền trúng đấu giá, số tiền còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 9. Tuy nhiên, bà Hạnh khẳng định, những lý do được 2 DN nêu ra không thuộc trường hợp được gia hạn nộp tiền theo quy định hiện hành. Do vậy, cơ quan thuế sẽ bắt đầu tính tiền chậm nộp đối với DN trúng đấu giá. Mỗi ngày số tiền phạt sẽ vào khoảng 1 tỷ đồng và Cục Thuế thành phố sẽ cưỡng chế việc thực hiện nghĩa vụ tài chính này.

Trước ý kiến lo ngại 2 DN này sẽ tiếp tục bỏ cọc nếu thành phố không đáp ứng điều kiện được trả tiền làm nhiều lần, bà Hạnh cho biết, nếu Công ty CP Dream Republic và Sheen Mega có văn bản xin thôi thực hiện dự án, chấp nhận bỏ cọc như các DN trước đó, cơ quan thuế sẽ căn cứ theo chỉ đạo của UBND thành phố, phối hợp với những đơn vị có liên quan để giải quyết.

Quyết mua bằng được lô đất Thủ Thiêm rồi xin trả chậm? -0

Báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 28/2 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh phân tích: Việc đấu giá các lô đất ở KĐTM Thủ Thiêm trước đó đã thu hút được 21 Tập đoàn và doanh nghiệp BĐS tham gia. Trong đó chỉ có1 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia đấu giá lô 3-12. Với lô đất 3-5, khi đó có 13 nhà đầu tư tham gia trả giá, nhưng sau lượt trả giá thứ 35 với mức giá1.750 tỷ đồng, gấp 3,02 lần giá khởi điểm thì đã có 11 nhà đầu tư dừng lại, chỉ còn lại 2 nhà đầu tư tiếp tục đấu giá thêm 94 lượt nữa mới chốt được bên trúng đấu giá. Lô 3-8 cũng có 6 nhà đầu tư tham gia trả giá. Sau lượt trả giá thứ 8 với mức giá 2.270 tỷ đồng, gấp 2,2 lần giá khởi điểm cũng đã có 3nhà đầu tư dừng lại. Tiếp tục bám đuổi đến lượt trả giá thứ 32 với mức giá 3.020 tỷ đồng, gấp 2,9 lần giá khởi điểm đã có thêm 1 nhà đầu tư dừng lại. Khi đó chỉ còn lại 2 nhà đầu tư tiếp tục đấu thêm 35 lượt nữa mới có thể “chốt” được bên trúng đấu giá.

Việc so kè quyết liệt trong vài chục lần đấu giá của số ít nhà đầu tư trên thể hiện sự quyết tâm mua bằng được lô đất của 2 DN trúng đấu giá. Sau khi so sánh giữa các bước trả giá, Hiệp hội BĐS cũng khẳng định, do một số nhà đầu tư đẩy giá lên rất cao, vượt xa mức giá tính toán, kỳ vọng đã dẫn tới nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải bỏ cuộc, không còn cơ hội trả giá trong cuộc đấu giá này. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư ngay tình, không để họ bị lợi dụng, bị thiệt hại khi tham gia đấu giá. Thậm chí, khi các nhà đầu tư trúng đấu giá bỏ cọc thì tất cả các nhà đầu tư ngay tình khác đều có thể bị thiệt hại do bị lỡ mất cơ hội đầu tư hoặc thương hiệu có thể bị ảnh hưởng…

Về quá trình Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích 6.446m2 với giá 3.820 tỷ đồng; Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 diện tích 8.568m2 với giá 4.000 tỷ đồng và số tiền cọc 2 công ty đã nộp lần lượt là 116 tỷ đồng và 204 tỷ đồng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nhận định, giá đất khởi điểm đấu giá nhìn chung khá thấp, lô 3 -5 chỉ có giá 89,6 triệu đồng/m2; lô 3-8 có giá khởi điểm là 118,9 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đơn giá đất trúng đấu giá của lô 3-5 là 467 triệu đồng/m2 cao gấp  6,6 lần so với giá khởi điểm; lô 3-8 là 592 triệu đồng/m2, cao gấp  3,9 lần so với giá khởi điểm là các mức “giá ảo”so với giá đất thực tế hiện nay ngay tại KĐTM Thủ Thiêm. Thậm chí cao hơn cả giá đất của phía sau mặt tiền 3 tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi ở khu vực trung tâm thành phố.

Căn cứ theo dự toán chi phí đầu tư xây dựng theo đơn giá Nhà nước của Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm, cộng với giá đất trúng đấu giá, chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí bán hàng và lợi nhuận kỳ vọng, thì giá bán căn hộ tương lai trong 3-5 năm tới tại lô đất 3-8 đã vào khoảng 510 triệu đồng/m2 và 666 triệu đồng/m2 đối với lô 3-5. Giá bán này rất cao so với giá bán căn hộ hiện nay tại KĐTM Thủ Thiêm chỉ vào khoảng 150-200 triệu đồng/m2. Vì vậy, ông Châu cho rằng việc doanh nghiệp đưa ra giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc đã gây tác động xấu đến môi trường đầu tư của TP Hồ Chí Minh và làm giảm hiệu lực của phương thức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Tình trạng này cũng gây khó khăn cho việc mời gọi các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế để phát triển KĐTM Thủ Thiêm thành Trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế.

Ngoài ra, KĐTM Thủ Thiêm còn hàng chục lô đất khác sẽ được đưa ra đấu giá, nếu không xử lý kiên quyết, dứt điểm việc trúng đấu giá của các DN trên, sẽ gây tác động không nhỏ đến những lần đấu giá đất tới đây.

Bảo Sơn
.
.
.