Quảng Nam xử lý nghiêm hành vi xâm hại rừng

Thứ Sáu, 24/12/2021, 08:41

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều vụ phá rừng, trong đó nổi cộm là vụ phá rừng quy mô lớn tại khoảnh 6, 9, thuộc tiểu khu 738, thôn 5, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My.

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện có 12 cây gỗ bị cưa hạ, với tổng khối lượng gỗ hơn 79,6m3, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường gần 70m3 gỗ tròn. Trong đó, khối lượng gỗ thiệt hại nằm trong quy hoạch chức năng rừng phòng hộ (RPH) là 54,1m3, nằm trong quy hoạch chức năng rừng sản xuất 25,5m3. Vị trí khai thác gỗ trái pháp luật là rừng tự nhiên được quy hoạch chức năng RPH có 7 cây bị cưa hạ, rừng sản xuất có 5 cây bị cưa hạ, nằm trong diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuộc quản lý của Ban Quản lý (BQL) RPH huyện Bắc Trà My.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, ngày 5/10/2021, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng (BVR) và lâm sản; sau đó chuyển hồ sơ cho Công an huyện Bắc Trà My tiếp nhận điều tra, xử lý theo quy định. Liên quan đến vụ án phá rừng này, đến nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Trà My đã khởi tố 4 bị can, bắt tạm giam 2 bị can, 2 bị can còn lại cho tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Minh Ninh, Giám đốc BQL RPH huyện Bắc Trà My cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ gần 25 nghìn hécta rừng tại 11 xã, thị trấn, trong đó riêng tại xã Trà Bui là 9 nghìn hécta. Hiện Ban có 115 nhân sự, gồm 90 cán bộ chuyên trách BVR, 16 cán bộ hợp đồng, 9 viên chức. Lý giải về việc xảy ra phá rừng trong lâm phận quản lý, ông Ninh cho rằng, người dân sống gần rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ và nhận thức còn hạn chế nên quá trình vận động, tuyên truyền, tiếp cận với bà con còn gặp nhiều khó khăn(?!).

Bên cạnh đó, tập quán canh tác của người dân vẫn chủ yếu phá rừng làm rẫy, một số khu vực dân cư đông thiếu đất canh tác nên dẫn đến dễ xảy ra việc phá rừng lấy đất canh tác(?!). Nhu cầu sửa chữa và làm nhà ở của người dân sử dụng gỗ là rất lớn, trong khi đó chưa có vật liệu phù hợp thay thế nên việc người dân lén lút vào rừng khai thác gỗ để làm và sửa nhà vẫn còn xảy ra.

Ông Ninh cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác tuần tra, kiểm tra rừng của một số BVR chuyên trách, tổ BVR cộng đồng thôn chưa thật sự hiệu quả, còn để xảy ra tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trong khu vực rừng được giao khoán. Ngay sau khi phát hiện vụ phá rừng tại xã Trà Bui, BQL RPH huyện Bắc Trà My đã phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý; đồng thời lập chốt bảo vệ hiện trường để phục vụ công tác điều tra.

rung.jpg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 738, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My.

Nói về công tác quản lý, BVR trong thời gian tới, ông Ninh trao đổi, hiện BQL RPH huyện Bắc Trà My có 2 trạm BVR tại xã Trà Bui, Trà Giác. Để tăng cường công tác quản lý BVR, Ban sẽ tham mưu UBND huyện Bắc Trà My thành lập thêm 3 trạm BVR đặt tại xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Nú. Bên cạnh đó, BQL còn thiết lập các chốt cố định để BVR khu vực giáp ranh. Ngoài ra, sẽ tổ chức luân chuyển lực lượng chuyên trách BVR; sử dụng phần mềm đi rừng Locus Map để giám sát hành trình tuần tra, kiểm tra quản lý lâm phận của lực lượng chuyên trách; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về công tác quản lý BVR.

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, quan điểm của huyện là xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về khai thác, BVR và lâm sản; đồng thời làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra phá rừng trong lâm phận quản lý. UBND huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo Kiểm lâm huyện tăng cường công tác truy quét, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng để xử lý nghiêm; yêu cầu chủ rừng phối hợp các cơ quan chức năng chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm BVR.

Để quản lý, BVR bền vững, UBND huyện Bắc Trà My đã xây dựng đề án quế Trà My, thí điểm triển khai phương án phục hồi rừng tự nhiên. Ngoài ra, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư ngay tại rừng để trồng dược liệu, rừng gỗ lớn, mô hình phát triển dưới tán rừng nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, để công tác quản lý, BVR đạt hiệu quả cao, cần tập trung giải quyết đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, nhất là cho người dân làm nghề rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Chi cục Kiểm lâm sẽ chỉ đạo các BQL rừng tiếp tục rà soát, kiện toàn, tăng cường nâng cao nhận thức trách nhiệm và tăng cường hoạt động đối với lực lượng chuyên trách BVR; có quy chế quản lý, giám sát hoạt động đối với lực lượng này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVR trong diện tích được giao quản lý. Lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác giám sát, đôn đốc hoạt động của các chủ rừng về công tác tuần tra, BVR trong các lâm phận của chủ rừng. Xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật để có kế hoạch tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm nghiêm minh, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật.

Ngọc Thi
.
.
.