Quảng Bình tìm cách tháo gỡ để giải phóng mặt bằng cho 2 dự án gần 3.000 tỷ đồng

Thứ Sáu, 30/08/2024, 08:01

Báo CAND có đăng tải bài viết “Hai dự án gần 3.000 tỷ đồng ở Quảng Bình chậm tiến độ do thiếu mặt bằng”, phản ánh về tình trạng 2 dự án ở Quảng Bình là Dự án đường ven biển và Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A…

Hai dự án được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, nhưng sau khi triển khai gặp vô số khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, cả 2 dự án trên đang có nguy cơ chậm tiến độ nhiều do hàng loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ, đòi hỏi địa phương các bộ ngành, chủ đầu tư… cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đẩy nhanh tiến độ dự án khi mùa mưa bão đang cận kề.

MB1_2-1724979735018.JPG
Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp QL12A đang gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Ngày 28/8, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết; Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn thông báo kết luận của ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Theo Công văn số 3904/TB-VPUBND của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, sau khi kiểm tra thực tế hiện trường tình hình triển khai tại đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Phong Phú, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án kết luận: Đến nay, dự án đã được các nhà thầu triển khai thực hiện cơ bản đạt tiến độ, chất lượng đề ra; công tác giải ngân vốn cũng được các chủ đầu tư thực hiện đảm bảo. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể của các dự án là việc giải phóng mặt bằng các trang trại nuôi trồng thủy sản, lăng mộ, nhà và tài sản của người dân, xây dựng khu tái định cư để di dời dân.

Để giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nêu trên, kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2024, đặc biệt là giải ngân toàn bộ 100% kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương trước ngày 31/10/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính Quảng Bình thẩm định tính liên hoàn của tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản trong và ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; hội đồng thẩm định về công tác định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị nuôi trồng thủy sản không có trong bảng giá đền bù của UBND tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh…

Yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 khu tái định cư ở xã Ngư Thủy Bắc hoàn thành trước ngày 30/8/2024 và ở xã Ngư Thủy hoàn thành trước ngày 31/10/2024; UBND huyện Bố Trạch khẩn trương phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư xã Đồng Trạch và triển khai các thủ tục tiếp theo, đảm bảo xây dựng trước ngày 31/10/2024; UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành khu tái định cư trước ngày 30/9/2024.

Ngoài ra, ông Phan Phong Phú cũng đã yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy khẩn trương rà soát, tính toán cụ thể chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. UBND huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền vận động, để các hộ dân đồng thuận nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Hoàn thiện thủ tục để tiến hành công tác cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm, không chấp hành quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng (sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định) để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Ban Quản lý dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu, tiếp tục phối hợp với UBND xã Bảo Ninh trong công tác vận động các hộ dân chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quy chủ, xác định nguồn gốc đất để hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2024. UBND TP Đồng Hới chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh thủ tục định giá đất theo quy định mới, hoàn thành trong tháng 8/2024 để đáp ứng được tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2024; UBND xã Bảo Ninh tích cực phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong việc xác định nguồn gốc đất; tổ chức vận động các hộ dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất.

Đối với Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A, hiện dự án mới chỉ giải ngân được 65% vốn, nếu không hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng hạn, sẽ có nguy cơ chậm tiến độ, không hoàn thành theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Bình (chủ đầu tư) cho biết, thời điểm này, ban đang rốt ráo phối hợp với chính quyền địa phương nơi dự án đi qua khẩn trương hoàn thành nốt công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng ở Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, tại nút giao đầu tuyến (giao QL1A) thuộc địa phận xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch có 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng phải giải toả, thu hồi đất ở và bồi thường tài sản trên đất. Hiện, các hộ dân chưa thống nhất phương án với lý do giá bồi thường đất ở thấp, không phù hợp với mặt bằng giá chung. Tại nút giao đường Nguyễn Trãi (Km1+643), phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn có 6 hộ bị ảnh hưởng, phạm vi chiều dài tuyến 0,45km. Vướng mắc chủ yếu do việc bổ sung phạm vi đất khai hoang trước đây cho các hộ dân nên phải điều chỉnh các thủ tục liên quan. Đoạn tuyến qua địa bàn xã Cảnh Hoá (nằm trong dự án thành phần 2) hiện còn 0,42km vướng giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến 13 hộ gia đình kéo dài từ năm 2022 đến nay…

Mới đây lãnh đạo Bộ GTVT cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình tiến hành kiểm tra thực địa, tiến độ thi công và bàn bạc phương án giải quyết vướng mắc. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, thời hạn bố trí nguồn vốn cho dự án này không được kéo dài. Đến hết năm nay, nếu không hoàn thành dự án thì không thể bố trí tiếp nguồn vốn. Các vướng mắc chủ yếu thuộc thẩm quyền cấp huyện, thị xã và cần giải quyết trước ngày 15/9. Sau khi nắm tình hình dự án, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở GTVT báo cáo cụ thể các vấn đề còn tồn đọng, phối hợp đơn vị liên quan dự thảo văn bản tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, quy trách nhiệm các đơn vị, cá nhân nếu tiếp tục chậm giải phóng mặt bằng.

Như Báo CAND đã phản ánh: Dự án đường ven biển Quảng Bình có tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng, đi qua 16 xã phường của 6 huyện, thị xã, thành phố; ảnh hưởng đến 1.083 hộ dân, tổ chức và 21 trang trại nuôi trồng thủy sản. Dự án dự kiến khởi công năm 2021 và hoàn thành trong năm 2026. Dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình sau khi hoàn thành sẽ phát huy khả năng liên kết thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh và liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung bộ; góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút đầu tư; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; góp phần giải quyết ách tắc giao thông.

Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh có tổng chiều dài 10,83km với tổng mức đầu tư 511,154 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào 31/12/2024. Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông khu vực thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. QL12A là tuyến giao thông đường bộ quốc gia chạy trong địa phận tỉnh Quảng Bình. Toàn tuyến dài khoảng 145,5km, chạy qua nhiều huyện, thị.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Quảng Bình với các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Tuyến đường này có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của Quảng Bình và khu vực Bắc miền Trung.

Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.