Phía sau những trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao ở Thanh Hoá

Thứ Hai, 29/07/2024, 08:21

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có khá nhiều trang trại chăn nuôi lợn được “khoác áo” là trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao, song không ít các trang trại này đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết là nhà đầu tư, tiếp đó là chính quyền và cơ quan quản lý các cấp chưa thực sự sát sao, chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có gần 600 trang trại chăn nuôi lợn được cấp phép hoạt động. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho hơn 30 dự án chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao…

Thời gian qua, đa số chủ đầu tư các trang trại chăn nuôi lợn được cấp phép hoạt động ở các địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về môi trường trong quá trình chăn nuôi lợn, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít chủ trang trại lợn chưa thực hiện đúng Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Giấy phép môi trường, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên diện rộng, gây bức xúc dư luận nhân dân.

Phía sau những trang trại  chăn nuôi lợn công nghệ cao ở Thanh Hoá -0
Người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn bức xúc vì dòng suối bị nước thải từ trại lợn làm đổi màu, bốc mùi hôi thối, gây chết cá.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, trước khi đi vào hoạt động, các chủ đầu tư dự án trang trại chăn nuôi lợn đều có “thuyết trình” về biện pháp đảm bảo môi trường, như: Chất thải (phân lợn) được thu dọn kịp thời, tập trung lại để chế biến phân bón; phần nước tiểu, nước tắm của lợn được thu gom về bể xử lý; nước thải sau khi xử lý sẽ được tái sử dụng…

Tuy nhiên, từ thực tế một số trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường bị các cơ quan chức năng xử phạt cho thấy, các chủ trang trại lợn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, phần nhiều là việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải (nước tiểu và nước tắm lợn) sơ sài, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, xử lý nước thải không đạt các chỉ số theo tiêu chuẩn quy định. Do vậy, số nước thải này tích tụ lại hồ lắng nếu không có lớp bạt che phủ sẽ bốc mùi hôi thối hoặc khi bị rò rỉ, tràn ra ngoài môi trường sẽ gây nên tình trạng nước sông, suối đổi màu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Điển hình là vụ việc vừa xảy ra mới đây, vào ngày 4-5/7/2024, người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An tập trung đông người phản ánh trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt (đóng tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Vào cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá xác định, trang trại đang nuôi 12.000 con lợn với 12 chuồng nuôi lợn thịt, 6 chuồng nuôi lợn nái, lợn đực. Đơn vị đã đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 450m3/ngày đêm; hệ thống đang vận hành, hoạt động, gồm 4 hồ thu phân, 2 hầm biogas, 1 trạm xử lý hóa lý kết hợp vi sinh, 1 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố; đã lắp dựng buồng xử lý mùi hôi sau các dãy chuồng nuôi. Tổng lượng nước thải về hệ thống xử lý khoảng 200-250m3/ngày đêm.

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra phát hiện 1 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố, đơn vị không thực hiện việc lót bạt hay xây thành đáy. Đồng thời phát hiện một số vị trí trên tuyến Khe Sào tại xã Nghĩa Yên nước có màu cánh gián, trên bề mặt nước có váng; một số vị trí có cá bị chết. Đoàn kiểm tra đã lấy 2 mẫu nước thải của trang trại, 4 mẫu nước mặt (gồm 2 mẫu nước Khe Sào, 1 mẫu tại suối Tổng Kho, 1 mẫu nước khe từ phía trang trại thải ra suối Tổng Kho). Kết quả quan trắc mẫu nước thải cho thấy, có nhiều mẫu nước vượt quy chuẩn cho phép (QCVN).

Đặc biệt, kết quả phân tích mẫu nước suối Tổng Kho đoạn trước khi đi qua trang trại có chất lượng tốt, nước Khe Sào và khe nước từ trang trại chảy ra suối Tổng Kho có chất lượng xấu, nhiều chỉ tiêu ô nhiễm về hữu cơ và dinh dưỡng ở mức cao, không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu sử dụng nguồn nước này, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước. Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá sau đó đã xử phạt, đồng thời ra Quyết định xử phạt Công ty Cổ phần chăn nuôi Tâm Việt tổng số tiền là 120.363.454 đồng.

Trước đó không lâu, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, xây dựng trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá cũng bị người dân phố Oi, thị trấn Lang Chánh và người dân xã Tân Phúc liên tục phản ánh tình trạng mùi hôi thối nồng nặc phát tán trong không khí. Dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho thuê đất từ tháng 7/2022, với tổng diện tích hơn 37ha. Trong đó, gần 18ha diện tích đất để xây dựng các hạng mục công trình nuôi lợn với quy mô nuôi 60.000 con lợn thịt mỗi năm và hơn 19ha còn lại để trồng rừng sản xuất.

Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina bắt đầu nuôi từ tháng 7/2023 với số lượng 700 con. Ngay thời điểm đó đã có mùi hôi nên huyện đã báo cáo Sở TN&MT vào cuộc, sau đó đã xử phạt 2 lần với số tiền 95 triệu đồng. Đến đầu tháng 4/2024, người dân bắt đầu phản ánh việc trại chăn nuôi lợn có mùi hôi trở lại, huyện đã vào cuộc xử lý 5 đợt, trong đó 3 đợt phối hợp với Sở TN&MT tỉnh. Thế nhưng, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina gần như không có hiệu quả, khiến người dân trên địa bàn hết sức bức xúc.

Trước tình hình trên, chiều 2/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cùng đại diện các sở, ngành đã đến khu vực trang trại nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina kiểm tra thực tế. Sau buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương huyện Lang Chánh, đại diện chủ đầu tư và người dân các xã, thị trấn bị ảnh hưởng.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định đình chỉ hoạt động của trang trại chăn nuôi lợn từ ngày 30/7 để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành làm rõ nguyên nhân gây mùi để xử lý dứt điểm tình trạng trên. "Trước mắt, công ty cần thường xuyên có biện pháp xử lý không để mùi hôi ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Cần xuất bán hết số lợn trên trước ngày 30/7, nếu không phải di chuyển số lợn đi nơi khác để khắc phục những tồn tại”, ông Giang cho biết thêm.

Tại phiên họp HĐND tỉnh Thanh Hoá vừa qua, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu vụ việc dự án chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina và cho rằng đây là vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Ông Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các ngành chức năng và địa phương cần có biện pháp quyết liệt, đồng thời dừng ngay việc chăn nuôi lợn tại trang trại. "Dừng đến khi nào không còn ô nhiễm mới cho nuôi trở lại, còn không sẽ cho chấm dứt vĩnh viễn".

Trần Thắng
.
.
.