Những "lá phổi xanh" của Hà Nội dần biến mất: Đổ đất lấp ao như chốn không người (bài 1)

Thứ Sáu, 19/05/2023, 08:13

Ao, hồ vốn được coi như những "lá phổi xanh" của Hà Nội. Thế nhưng từ lâu tình trạng lấn chiếm, thậm chí san lấp ao hồ đã và đang diễn ra khiến nhiều người dân bức xúc. Trước tình trạng này, UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố. Song thực tế quy định này dường như "chưa tới" được một số phường, xã khiến ao hồ vẫn bị… lấp.

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến được biết đến là một đô thị có hệ sinh thái cảnh quan phong phú với hệ thống ao, hồ và cây xanh đa dạng. Trong quá trình chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng quan trọng hơn trong chức năng sinh thái xã hội, môi trường, điều hòa ngập úng, điều hòa không khí và giúp Hà Nội thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều hồ Hà Nội gắn liền với các địa danh văn hóa, lịch sử tâm linh tạo nên những giá trị văn hóa riêng cho Hà Nội. Thế nhưng, ngay trung tâm Thủ đô, nhiều hồ ao vẫn đang mất dần diện tích.

Nhiều hồ có dấu hiệu bị lấn chiếm

Hồ nước lớn nhất trong nội thành Hà Nội là Hồ Tây cũng không thoát được "cơn lốc bê tông hóa". Trước đây, hồ rộng tới hơn 500ha, nhưng sau khi kè bờ để làm đường (năm 2010), nay chỉ còn khoảng 460ha. Chưa dừng lại, theo Quyết định 1614/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND TP Hà Nội ban hành kèm theo danh mục hơn 3.000 hồ, ao, đầm không được san lấp nằm trên địa bàn các quận, huyện của thành phố, thì quận Tây Hồ có tới 18 ao, hồ, đầm nằm trong diện đó. Thế nhưng, gần đây nhất, theo quan sát của phóng viên, trên địa bàn quận Tây Hồ có tình trạng đổ đất lấp hồ.

Những
Một phần mặt hồ Đầm Đông (phường Quảng An, quận Tây Hồ) bị đổ đất.

Cụ thể, tại  Ao Đầu Đồng (hay gọi là Đầm Đông) do Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ - Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý, vốn có chức năng ghi trong danh sách là trồng sen, nhưng nay không thấy sen đâu mà thay vào đó là các góc hồ được lấp đầy đất khiến diện tích mặt nước bị thu hẹp dần. Một số người dân thường xuyên đi tập thể dục qua đây bày tỏ sự tiếc nuối khi thấy đầm sen Bách Diệp, một nét đẹp văn hóa đặc sắc của Hồ Tây không còn như mọi năm mà thay vào đó là một cái chòi mới khang trang được dựng lên chưa biết để làm gì. "Nếu mà chủ thuê lại đầm để kinh doanh các dịch vụ khác thì quá là phí phạm", cô Thu Hà (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ.

Nằm trên khu vực phường Quảng An, hồ Đầm Trị cũng nhiều năm rơi vào cảnh xung quanh bị lấn chiếm bởi các nhà hàng. Sau nhiều lần nhắc nhở không khả thi, mới đây, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) quyết định cưỡng chế giải tỏa trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực  này. Theo Quyết định cưỡng chế, thực hiện các biện pháp buộc khắc phục hậu quả số 38/QĐ-CCXP của UBND quận Tây Hồ ngày 28/3/2023, trường hợp bị cưỡng chế, có địa chỉ tại số 28, ngõ 12, tổ 5, phường Quảng An. Hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục là phá dỡ các khu nhà gạch có diện tích 1.278m2, khung nhôm, vách kính, mái lợp tôn; khu nhà khung sắt, mái lợp tôn, vách quây bằng tre diện tích hơn 182m2; khu nhà lợp tôn diện tích hơn 15m2. Đồng thời, UBND quận Tây Hồ cũng yêu cầu trường hợp vi phạm phải trả lại hơn 1.718m2 đất đã chiếm, giao cho UBND phường Quảng An quản lý.

Diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội ngày càng giảm

Tình trạng san lấp không chỉ diễn ra tại quận Tây Hồ. Năm 2019, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) ra quân rầm rộ cưỡng chế các công trình vi phạm ở Đầm Bông, khi đó khu vực đầm còn mênh mông nước. Để đi được vào "hòn đảo" nằm giữa đầm, người dân phải men qua cây cầu dài hàng chục mét. Thời điểm đó, tình trạng đổ đất san lấp Đầm Bông làm nhà xưởng đã bắt đầu manh nha. Ven Đầm Bông ở phía đường Trần Điền đã xuất hiện lác đác nhà lợp mái tôn màu xanh. Tình trạng đổ đất lấn Đầm Bông rầm rộ hơn cả là khu vực đối diện dãy nhà xưởng cũ ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn.

Nhưng đến thời điểm này, gần 3,5ha đầm đã bị san lấp hết, nhiều nhà xưởng mọc lên. Đầm Bông đã biến mất hoàn toàn. Tình trạng san lấp Đầm Bông nghiêm trọng là vậy, nhưng khi trao đổi với báo chí tại trụ sở UBND TP Hà Nội, lãnh đạo quận Hoàng Mai nhiều lần khẳng định những vi phạm trong thời gian gần đây ở Đầm Bông "chỉ là nhỏ lẻ" và đều được lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Nhắc đến vấn đề Đầm Bông, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vụ san lấp Đầm Bông diễn ra vào bất cứ thời điểm nào thì TP Hà Nội cũng phải xử lý thật nghiêm để làm gương cho những nơi khác. Vị này cũng nhấn mạnh: "Khi thấy phản ánh Đầm Bông rộng 3,5ha nằm giữa lòng Thủ đô bị san lấp làm nhà xưởng, khu dân cư, tôi cảm thấy rất đau lòng. Theo tôi, vụ lấp Đầm Bông là vấn đề rất nghiêm trọng. Đây là vụ việc bê bối của cả Hà Nội chứ không riêng gì quận Hoàng Mai". Cách đây khoảng 10 năm, khu vực các quận như Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam - Bắc Từ Liêm, Tây Hồ là những vùng có nhiều ao, hồ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng dân số đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao. Ao, hồ "bỗng" thành một trong những mục tiêu lấn chiếm, san lấp.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có thêm hồ; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ. Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305m2.

Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540m2. Điều đáng lo ngại, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận trung tâm của nội thành Hà Nội. Ví dụ như quận Đống Đa có nhiều ao, hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã san lấp 4 ao, hồ. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án.

Câu chuyện san lấp ao, hồ làm dự án không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà tình trạng san, lấp hồ, ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Về vấn đề này, từ năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Tài nguyên nước. Theo đó, tại khoản 7 Điều 60 của Luật Tài nguyên nước quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước trong phạm vi địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, tính đến nay, trên cả nước mới có 30/63 tỉnh, thành phố lập, công bố danh mục "hồ ao không được san lấp". Nhiều tỉnh thành lớn, có sự phát triển kinh tế xã hội … vẫn chưa ban hành danh mục.

Đặng Nhật - Chi Linh
.
.
.