Những bất cập trong công tác bảo vệ rừng ở Ea Sô

Chủ Nhật, 19/09/2021, 09:11

Đầu tháng 9/2021, chúng tôi trở lại Khu bảo tồn thiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu thêm về tình trạng phá rừng cũng như khó khăn trong công tác bảo vệ rừng ở đây.

Trời xế chiều, khi vừa đặt chân đến chốt bảo vệ rừng 616 (nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk) thì nhận được tin báo, có một nhóm “lâm tặc” đang chở gỗ từ khu bảo tồn đi ra. Ngay lập tức, 5 cán bộ trực chốt cùng chúng tôi nhắm thẳng hướng địa bàn giáp ranh xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đón lõng. Khi gần đến nơi, hàng chục chiếc xe máy độ chế của “lâm tặc” chở theo gỗ lao nhắm thẳng hướng Gia Lai bỏ chạy.

Nhóm cán bộ bảo vệ rừng đuổi theo. Khi đoàn cán bộ vừa bắt kịp thì nhóm “lâm tặc” này cũng đã sang đến địa phận tỉnh Gia Lai. Một cuộc cãi vã nổ ra. “Đây là đất của Gia Lai mà. Bắt ở trong Khu bảo tồn kia thì tụi em không cãi gì luôn, sẵn sàng ra nộp phạt. Còn ở đây, Gia Lai bắt là tụi em sẵn sàng ra làm việc với Gia Lai”, “lâm tặc” lý luận.

Khi cán bộ quả quyết: “Tôi bắt sai anh tôi chịu trách nhiệm”, kẻ vi phạm lại cãi: “Thì anh bắt sai đấy. Đây là đất Gia Lai mà anh bắt cái gì, các anh hợp tác với Gia Lai à?”.

Tranh cãi rất căng thẳng. “Lâm tặc” có lợi thế đông người, gần 20 đối tượng, trong khi lực lượng bảo vệ rừng của Khu bảo tồn chỉ có 5 người. Khi bị lực lượng bảo vệ rừng làm căng, đám “lâm tặc” này cự cãi không được thì đã gọi điện, huy động thêm hàng chục đối tượng mang hung khí đến giải cứu. Lực lượng bảo vệ rừng đành bất lực cho chúng đi.

Những bất cập trong công tác bảo vệ rừng ở Ea Sô -0
Công tác tuần tra, bảo vệ rừng Ea Sô đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Anh Trần Văn Khánh (nhân viên Trạm Kiểm lâm số 2, Khu bảo tồn Ea Sô, được tăng cường vào chốt bảo vệ rừng 616) cho biết, việc bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh này gặp nhiều khó khăn. “Lâm tặc” thường xuyên lợi dụng việc lực lượng bảo tồn mỏng để thâm nhập và khai thác trộm gỗ quý, săn bắn thú rừng. Tại vùng giáp ranh này, việc bắt đối tượng vi phạm khó khăn về tính chính danh, pháp lý.

Trong khi đó, ở phía tỉnh Gia Lai không có lực lượng đóng chốt ở địa bàn, chỉ phối hợp khi anh em bắt giữ được “lâm tặc” và gọi điện cầu viện. Tuy nhiên, để đến được hiện trường, lực lượng tỉnh Gia Lai phải mất hàng giờ đồng hồ. Nhiều lần “lâm tặc” đã kéo đồng bọn đến giải vây, giải tán hết”, anh Khánh nói.

Rừng giáp ranh thuộc địa phận huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cũng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng thuộc quản lý của xã, của công ty lâm nghiệp hay rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ hầu hết đã bị phá trắng, xâm canh đến ngay sát khu bảo tồn Ea Sô.

Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết, ranh giới Khu bảo tồn tiếp giáp với tỉnh Gia Lai lên đến gần 50km. Tình trạng xâm hại rừng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây trở nên “nóng” hơn, “lâm tặc” ồ ạt kéo vào rừng bảo tồn mỗi ngày. Để bảo vệ được rừng Ea Sô, lúc này cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành chức năng tỉnh Gia Lai trong việc tuần tra, kiểm soát, truy quét “lâm tặc” ở vùng giáp ranh.

“Đơn vị cũng đã nhiều lần báo cáo với cấp trên, với Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng như kiến nghị với các ban, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tại vùng giáp ranh thực hiện pháp luật về lâm nghiệp cũng như tuần tra, truy quét các tuyến đường người dân khu vực tỉnh bạn xâm nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Rất mong là các ngành chức năng tỉnh bạn tăng cường việc tuần tra, cũng như chốt chặn để các đối tượng không thể xâm nhập vào. Nếu xâm nhập lén lút thì cũng không thể đưa tang vật ra được”, ông Tiến kiến nghị.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2017, ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên đã ký quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh. Tuy nhiên, qua các vụ việc phá rừng, xâm hại rừng ở Ea Sô thời gian qua cho thấy, việc phối hợp vẫn còn có những bất cập. “Nhiều vụ việc truy bắt “lâm tặc” nhưng lực lượng bảo vệ rừng Đắk Lắk chỉ biết đứng nhìn khi “lâm tặc” đã ra khỏi địa bàn”, ông Hưng thừa nhận.

Những bất cập trong công tác bảo vệ rừng ở Ea Sô -0
Nhóm “lâm tặc” bị rượt đuổi sang đất Gia Lai tìm cách chống đối lại lực lượng bảo vệ rừng Ea Sô.

Cũng theo ông Hưng, có cầu mới có cung, gỗ quý ở rừng Ea Sô bị “lâm tặc” khai thác trộm chắc chắn sẽ được đầu nậu ở vùng giáp ranh thu gom. Chỉ cần các tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là Công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm đầu nậu ở những vùng giáp ranh này thì nhất định tình trạng xâm hại rừng bảo tồn sẽ giảm.

“Khi sự phối hợp này có hiệu quả thì việc bắt và xử lý “lâm tặc”này không khó. Những vụ phá rừng bắt được cứ đưa ra xét xử lưu động ngay địa phương, lấy đó làm răn đe. Mình không làm được thì “lâm tặc” nó xem thường, nhờn với luật”, ông Hưng dẫn chứng.

Có thể nói, việc bảo vệ những cánh rừng ở Khu bảo tồn Ea Sô nói riêng, những vùng giáp ranh tỉnh Gia Lai, Phú Yên nói chung không thể phó mặc cho một đơn vị hay một địa phương nào mà cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và xuyên suốt giữa các ban, ngành các địa phương với nhau. Một khi pháp luật về lâm nghiệp được thực thi nghiêm minh với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương thì “lâm tặc” sẽ không thể lộng hành, không còn đường sống và những cánh rừng nơi đây sẽ được bảo vệ.

Văn Thành
.
.
.