Nhức nhối nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở Lâm Đồng
Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Trong khi đó, cơ quan chức năng nhiều nơi xử lý vụ việc chưa kiên quyết, dứt điểm nên không đủ sức răn đe người vi phạm. Thậm chí, đối tượng vi phạm còn có thái độ coi thường pháp luật, sẵn sàng chống đối, đánh trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, xử lý.
Những ngày cuối tháng 8/2021, có mặt tại rừng thông thuộc địa phận xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, đoạn gần khu công nghiệp Phú Hội, từ xa PV Báo CAND không khó để phát hiện ra các con đường đất mới mở, xuyên qua cánh rừng thông vươn tới những trang trại đang được chủ đất cho máy móc san ủi, đào tung các quả đồi để tạo mặt bằng.
Theo người dân địa phương, tình trạng mở đường xuyên rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực trên đã xảy ra từ nhiều tháng qua. Sự việc diễn ra công khai nhưng lực lượng chức năng không kịp thời can thiệp, xử lý dứt điểm khiến các con đường bất hợp pháp nhanh chóng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng như ngày nay.
Theo ghi nhận của PV, để mở được các con đường xuyên rừng này, người vi phạm đã phải sử dụng các loại xe cơ giới (máy múc, máy ủi), tác động, xẻ ngang các quả đồi để tạo mặt bằng với chiều rộng đường ít nhất 5m. Những con đường này chủ yếu mở vào các trang trại rộng nhiều hecta của các ông chủ đang hoặc đã hình thành từ trước đó. Tại một trang trại đang hình thành giữa rừng, nhiều quả đồi đã bị “tùng xẻo”, chia mặt bằng thành những băng đất hình bậc thang làm biến dạng hoàn toàn địa hình. Để hoàn thành việc san ủi đất với diện tích lên tới cả hecta này, ít nhất phải mất vài tháng với điều kiện trời không có mưa kéo dài.
Thời điểm PV có mặt, tại hiện trường vẫn còn một máy múc đang chỉnh sửa các băng đất được san ủi, nhiều cây tùng đã được trồng làm ranh. Những con đường được mở xuyên rừng khiến cho việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều đối tượng đổ vào rừng cưa phá, đầu độc cây rừng để lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng qua tay kiếm lời.
Cũng tại khu vực này, từ khi có thông tin Nhà nước sẽ mở đường nhựa từ khu công nghiệp Phú Hội đi xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng, nhiều cây thông đã bị các đối tượng cưa hạ với mục đích lấn chiếm đất. Tại một vị trí gần đường, cách trạm quản lý bảo vệ rừng xã Phú Hội vài trăm mét, hơn 10 cây thông vừa bị các đối tượng cưa hạ, đang nằm ngổn ngang trên mặt đất.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất theo kiểu “gặm nhấm” đang xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng khi giá đất tăng mạnh. Nguyên nhân là do “trào lưu” sống “bỏ phố về quê”, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Một căn nhà giữa rừng, tọa lạc ở lưng chừng hoặc đỉnh đồi, địa thế đẹp, xung quanh có đất để trồng cây và chăn nuôi đang trở thành mốt của nhiều người. Do đó, không ít đối tượng đã tìm mọi cách để phá rừng, lấn chiếm đất làm nhà, sản xuất nông nghiệp khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn nếu lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm.
Tại huyện Lạc Dương, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại xã Lát, Đạ Sar, Đa Nhim... Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương xảy ra 28 vụ vi phạm, gây thiệt hại 297m3 gỗ và 1,6ha đất lâm nghiệp.
Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, do giá trị đất cao nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân thường xen lẫn trong rừng sâu nên xảy ra tình trạng ken cây, đầu độc rừng sau đó từ từ lấn chiếm.
Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tại nhiều địa phương của huyện Lạc Dương xuất hiện một số đối tượng lạ mặt chuyên đi “xí phần” đất lâm nghiệp. Hình thức phổ biến nhất là vào rừng đào hố rồi... để đó. Mục đích của các đối tượng là “xác lập chủ quyền” sau đó lấn chiếm, ngay cả khi phần đất này vẫn đang dày đặc cây rừng.
Để ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã huy động 100% quân số đóng chốt, tuần tra giữ rừng. Các trạm đã tổ chức hàng trăm đợt tuần tra, kiểm tra rừng, mỗi đợt từ 3 đến 5 ngày trên lâm phần được giao quản lý.
Tại các điểm xung yếu, đơn vị còn lập chốt trực 24/24h để canh giữ, ngăn chặn lâm tặc xâm hại rừng. Tuy nhiên, theo ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, tình trạng người dân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng vẫn có chiều hướng gia tăng, phổ biến nhất là hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Đặc biệt, không ít đối tượng vi phạm có thái độ rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Điển hình, sáng 12-8 vừa qua, lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm tiến hành giải tỏa vụ lấn chiếm 7 sào đất rừng tại tiểu khu 439, xã Lộc Phú thì bị Nguyễn Đức Dạo và Nguyễn Chung Đức dùng hung khí tấn công. Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri và ông Phạm Hồng Đăng, nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng của ban bị các đối tượng bao vây hành hung.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm chạy tới can ngăn cũng bị Dạo đánh. Trước sự manh động của các đối tượng, lực lượng chức năng buộc phải rút khỏi hiện trường nhưng vẫn bị đuổi theo chửi mắng và hành hung. Sự việc chỉ được vãn hồi khi có mặt của lực lượng Công an xã Lộc Phú.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã liên tục chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đã có thời điểm, 4 trưởng Ban quản lý rừng ở Lâm Đồng bị tạm đình chỉ công tác cùng lúc vì để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp quy mô lớn.
Ngày 26/8, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết, đang điều tra, làm rõ nguồn gốc 12 hộp gỗ dổi thu giữ từ ông Phan Tấn Thịnh (SN 1982, ngụ phường 7, TP Đà Lạt) khi đang vận chuyển qua địa bàn. Khuya 24-8, Công an huyện Lạc Dương và Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp, bắt quả tang Thịnh điều khiển ôtô 16 chỗ chở số gỗ trên lưu thông theo hướng từ hồ Suối Vàng ra TP Đà Lạt. Ông Thịnh không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của số gỗ này.