Nhiều trang trại chăn nuôi ở Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, một số trang trại chăn nuôi tập trung tự ý chuyển đổi mục đích, hoặc không chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường dẫn đến gây ô nhiễm, khiến nhân dân hết sức bức xúc. Từ năm 2016 đến nay, Hà Tĩnh đã xử lý, xử phạt 111 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Cuối tháng 11/2020, Công ty TNHH Khánh Giang bị UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt 1,25 tỷ đồng do có nhiều vi phạm liên quan đến dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà tại xã An Dũng, huyện Đức Thọ. Công ty này đã gây ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian dài, gây ra nhiều hệ lụy và bức xúc cho nhân dân.
Năm 2015, Công ty TNHH Khánh Giang có địa chỉ tại thị xã Hồng Lĩnh, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chăn nuôi bò sữa với quy mô 500 con tại huyện Đức Thọ. Tuy nhiên, thay vì nuôi bò như cấp phép, công ty này đã tự ý chuyển đổi mục đích, tự ý cải tạo và xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn thương phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra vào tháng 8/2021, Công ty chỉ có 20 con bò nái và 30 con trâu thịt, trong khi đó có tới 1.646 con lợn đang được chăn nuôi tại 4 khu chuồng trại, với tổng diện tích khoảng 1.600 m2. Đây chính là nguyên do dẫn đến trong suốt thời gian dài, người dân hai xã An Dũng (Đức Thọ) và Thường Nga (Can Lộc) phải gánh chịu hậu quả khi mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ trang trại lợn trái phép này mỗi ngày.
Sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị từ chính quyền và người dân, tháng 11/2021 Thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh vào cuộc, phát hiện doanh nghiệp này có tới 11 sai phạm liên quan đến vấn đề môi trường. Trong đó, có những sai phạm nghiêm trọng như doanh nghiệp không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường toàn bộ dự án, không thực hiện đúng các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả thải ra môi trường vượt ngưỡng cho phép nhiều lần… Ngoài xử phạt 1,25 tỷ đồng, Công ty TNHH Khánh Giang còn bị đình chỉ hoạt động tại dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà trong 6 tháng để khắc phục vi phạm.
Những ngày gần đây, người dân xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục cầu cứu cơ quan chức năng khi trang trại chăn nuôi lợn với quy mô gần 3.000 con của Công ty TNHH Phú Sơn TC đóng trên địa bàn tiếp tục ngang nhiên xả thải ra môi trường dù chưa có giấy phép chăn nuôi cũng như hồ sơ đánh giá tác động môi trường của cơ quan chức năng.
Theo hồ sơ, doanh nghiệp này được đồng ý chủ trương từ năm 2012 nhưng do vướng mắc thủ tục về đất nên chưa được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, hồ sơ đánh giá tác động môi trường cũng chưa hoàn thiện. Đến nay, hồ sơ về doanh nghiệp chỉ có duy nhất tờ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của HTX chăn nuôi & Dịch vụ tổng hợp Phú Sơn do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vũ Quang cấp, với ngành nghề kinh doanh chăn nuôi tổng hợp, dịch vụ nông nghiệp và cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng và dịch vụ vận tải.
Mặc dù vậy, theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, chủ trang trại đã ồ ạt cho xây dựng hệ thống chuồng trại trên diện tích hàng chục ha, tổ chức chăn nuôi hàng nghìn con lợn và hằng ngày xả thải ra môi trường, khiến người dân sinh sống xung quanh hết sức bức xúc nhưng vẫn tồn tại, không bị chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt.
Nhiều năm nay, người dân xã Ân Phú, huyện Vũ Quang phải sống chung với ô nhiễm khi trang trại chăn nuôi lợn này ngang nhiên xả nước thải theo suối chảy vào ruộng, vườn của người dân. Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo huyện Vũ Quang cho rằng, khi có kiến nghị của người dân, chính quyền cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra, song đúng vào thời điểm dịch bệnh nên “chia sẻ với doanh nghiệp”.
Trong khi đó, ông Phạm Hữu Tình, Trưởng Phòng Môi trường, Sở TN&MT Hà Tĩnh khẳng định: Năm 2015, Công ty TNHH Phú Sơn TC có gửi hồ sơ lên Sở TNMT đề nghị thẩm định và cấp đất nhưng xem xét hồ sơ chưa đủ thủ tục nên đã trả về. Cũng theo ông Tình, trang trại này chưa có hồ sơ đánh giá tác động môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt.
Số liệu của Sở NN&PTNN Hà Tĩnh cho thấy, giai đoạn 2015 – 2020 để khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn, Hà Tĩnh đã quy hoạch 493 vùng chăn nuôi tập trung, với 506 trang trại. Đến thời điểm này, dù chỉ mới có 221 trang trại chăn nuôi lợn tập trung đi vào hoạt động song theo kết quả kiểm tra thì từ năm 2016 đến nay, đã có 111 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường buộc phải xử lý, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng tỉ đồng.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Tĩnh, thì trách nhiệm liên đới trước hết phải là chính quyền cơ sở cấp xã, cấp huyện khi không sâu sát, nắm bắt kịp thời tình hình để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cũng không sâu sát, chỉ đến khi bị người dân phản ánh, qua kiểm tra thì một số cơ sở đã vi phạm đến mức nghiêm trọng, buộc phải đình chỉ hoạt động.