Nhiều sai phạm trong quy hoạch, cấp phép xây dựng các đô thị

Thứ Tư, 13/10/2021, 08:11

Đó là một trong những nội dung quan trọng của báo cáo chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới các đại biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.

KTNN nêu rõ, việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 ở một số địa phương đã lộ nhiều sai phạm. Cụ thể, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định sai phạm việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng còn chưa bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

1.jpg -0
Khu du lịch đảo Hòn Tằm (Khánh Hoà) được Kiểm toán Nhà nước điểm rõ là một trong những dự án thực hiện chưa đúng quy định Luật Đất đai.

Tại TP Hồ Chí Minh, thành phố chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở bao gồm loại hình văn phòng có nhân viên lưu trú (officetel) chưa đủ căn cứ pháp lý như Đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B; Đồ án QHPK tỷ lệ 1/2000 dự án Sài Gòn Sports City; Đồ án QHPK tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư phường Tân Định, quận 1; Đồ án QHPK 1/2000 Khu dân cư phía Bắc đại lộ Võ Văn Kiệt quận Bình Tân không bố trí diện tích đất dành cho nhà ở xã hội theo quy định.

Ngoài ra, kiểm toán cũng nêu, một số giấy phép xây dựng được cấp chưa đáp ứng điều kiện cấp phép, cấp phép 9/41 giấy có tầng hầm, hoặc có số lượng tầng hầm chưa phù hợp quy hoạch được duyệt; cấp phép mật độ xây dựng lớn hơn mật độ xây dựng tối đa theo quy hoạch được duyệt; có dự án đã có quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm xác định tiền sử dụng đất; có dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng làm phát sinh nghĩa vụ tài chính nhưng chưa xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung. Vi phạm này xảy ra ở cả 4 dự án như Dự án Khu thương mại dịch và căn hộ số 29B đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa kao, quận 1; Dự án Khu dân cư (La Casa) tại phường Phú Thuận, quận 7; Khu căn hộ thương mại dịch vụ Trước Sông...

Tương tự, tại tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trên phần diện tích đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đối với các khu đất kinh doanh, dịch vụ thành đất ở không hình thành đơn vị ở chưa đúng quy định Luật Đất đai như ở khu du lịch đảo Hòn Tằm; đồng ý chủ trương giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án không đúng quy hoạch sử dụng đất, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai như ở Dự án Tổ hợp khách sạn du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở để bán và cho thuê Trimet Nha Trang (Bay View Park)...

Ngoài vấn đề liên quan đến đất đai, báo cáo của KTNN lần này cũng nhắc đến vấn đề hoàn thuế, miễn giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020.  Theo đó, KTNN chỉ rõ một số Cục Thuế chưa đôn đốc kịp thời số truy thu, truy hoàn, tiền phạt, tiền chậm nộp, thu hồi qua công tác thanh tra, kiểm tra để nộp ngân sách Nhà nước số tiền 7.188 tỷ đồng, chưa thu hồi khoản tiền thuế đã hết thời gian gia hạn 3.112 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác lập dự toán hoàn thuế chưa sát thực tế, chưa đánh giá tác động của cơ chế chính sách đến số hoàn thuế GTGT; giải quyết hồ sơ hoàn thuế chưa kịp thời; công tác quản lý miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế còn nhiều sai sót; chưa xác định lại đơn giá thuê đất đối với các thời kỳ ổn định đơn giá thuê; thủ tục giải quyết, xử lý hồ sơ còn chậm, chưa chặt chẽ. Một số cơ chế chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá còn bất cập, chưa rõ ràng, cụ thể, chậm được sửa đổi và chưa sát thực tế, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; hiệu quả chính sách chưa cao, mới mang tính chất giải quyết khó khăn theo từng thời điểm, chưa mang tính ổn định, liên tục; công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn nhiều người nộp thuế chưa tiếp cận được với chính sách ưu đãi thuế

Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2021, KTNN đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, KTNN đã cung cấp 160 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Năm 2022, dự kiến thực hiện 168 cuộc kiểm toán

Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh cũng vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022. Theo đó, cơ quannày dự kiến thực hiện 168 cuộc kiểm toán trong năm tới, giảm số lượng so với kế hoạch năm nay. Riêng trong lĩnh vực doanh nghiệp và tài chính ngân hàng, KTNN dự kiến có 17 cuộc kiểm toán tại: Ngân hàng Nhà nước, 9 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, 7 ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác.

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Chính sách xã hội.

KTNN cũng dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó có 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng, như: Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 tại Quảng Bình, Cà Mau, Lào Cai, Đồng Nai, Bắc Ninh…

Phạm Huyền
.
.
.