Nhiều dự án du lịch ven biển ở Phú Yên chậm tiến độ, vì sao?
Với tiềm năng lợi thế bờ biển dài 189km, nhiều năm qua, tỉnh Phú Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch. Hàng chục doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhiều dự án, trong đó có một số dự án nước ngoài, kỳ vọng góp phần đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thế nhưng tiến độ thực hiện nhiều dự án du lịch vẫn còn ì ạch, thậm chí có nơi kéo dài nhiều năm.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, tính đến cuối năm 2024 có 38 dự án đầu tư ven biển ở địa phương này với tổng nguồn vốn đăng ký 49.967 tỷ đồng. Trong số đó có 33 dự án được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT), với tổng nguồn vốn 43.348 tỷ đồng và 5 dự án doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng đất, với tổng nguồn vốn 6.619 tỷ đồng. Dự án có quy mô đầu tư lớn nhất là Khu Du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên của Công ty TNHH New City Việt Nam, dự án nhỏ nhất là Điểm nghỉ dưỡng sinh thái Hoa Lan của Công ty TNHH Du lịch Trung Kỳ.
Trong số 38 dự án nêu trên, cho đến nay chỉ mới có 9 dự án đã hoạt động toàn bộ hoặc một phần, đó là Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch Việt Beach; Spot Light Resort; Tổ hợp khách sạn - resort Việt Mỹ A&V; Khu phức hợp Sala - Sala Complex; Khu du lịch Hòa Lợi; Khu du lịch vui chơi nghỉ dưỡng Seaside Resorts; Khu du lịch Long Hải; Điểm nghỉ dưỡng sinh thái Hoa Lan; Khu du lịch sinh thái Hòn Ngọc Bãi Tràm.
Hai dự án ì ạch kéo dài nhiều năm buộc phải chấm dứt hoạt động và thu hồi đất là Trường đua ngựa Phú Yên và Khu Resort Thuận Thảo. Dự án Trường đua ngựa Phú Yên được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư giữa tháng 12/2016 trên diện tích 82ha đất và 13ha mặt nước ở xã An Chấn, huyện Tuy An với nguồn vốn 2.250 tỷ đồng. Thế nhưng 8 năm sau đó, Công ty TNHH MTV Trường đua ngựa Phú Yên không thực hiện nghĩa vụ ký quỹ, nên giữa tháng 11/2024 Sở KH&ĐT Phú Yên quyết định chấm dứt hoạt động dự án.
Còn Khu Resort Thuận Thảo được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương giữa tháng 5/2008 với tổng nguồn vốn 7,9 tỷ đồng, đầu tư trên 9,3ha “đất vàng” ven biển TP Tuy Hòa. 9 năm sau đó Công ty CP Thuận Thảo không triển khai dự án, nên cuối tháng 2/2017 UBND tỉnh Phú Yên quyết định thu hồi hơn 7,9ha, nhưng chủ đầu tư bất chấp nên phải cưỡng chế thu hồi đất, dẫn đến vụ kiện hành chính. Tại quyết định giám đốc thẩm ngày 9/7/2024, TAND Tối cao đã bác yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Thuận Thảo.
Cũng theo Sở KH&ĐT Phú Yên, trong số 12 dự án ì ạch kéo dài, phải kể đến Khu Du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên của Công ty TNHH New City Việt Nam, được coi là dự án “khủng” bởi nguồn vốn đầu tư 4,3 tỷ USD trên diện tích 565ha. Dù đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy CNĐT đầu tháng 7/2008, nhưng 6 năm sau nhà đầu tư không triển khai được hạng mục nào trên thực địa, mà phải đề nghị điều chỉnh giảm xuống 1 tỷ USD trên diện tích hơn 357ha, tiến độ thực hiện đến năm 2021. Tiếc rằng cho tới nay dự án vẫn chưa triển khai, nhà đầu tư tiếp tục đề nghị điều chỉnh tiến độ, thời gian hoạt động của dự án và tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc.
Từ kết quả đối thoại với nhà đầu tư và ý kiến thẩm định của các ngành, địa phương liên quan, ngày 8 và 13/11/2024, Sở KH&ĐT Phú Yên đã có văn bản cho biết, tiến độ thực hiện dự án theo giấy CNĐT đã hết nhưng nhà đầu tư chưa xây dựng hạng mục nào; nguồn vốn của doanh nghiệp không đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu phải có đối với dự án sử dụng đất từ 20ha trở lên theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, hơn nữa dự án chưa đảm bảo hình thức sử dụng đất theo quy định pháp luật… nên chưa có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh tiến độ thực hiện và thời gian hoạt động.
11 dự án ven biển còn lại thuộc diện chậm tiến độ đầu tư đã được “điểm danh” là: Dự án nâng cấp mở rộng Khu du lịch sinh thái Bãi Bầu 280 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bellavista 72 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng Golden Leaf Resort 332 tỷ đồng; The Fisher village hotel & resort 84 tỷ đồng; Fleur De Lys Resort Phu Yen 250 tỷ đồng; Rerock Water Bay Phú Yên 14 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Bãi Ôm 179 tỷ đồng; Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái An Moon Walk Resort 150 tỷ đồng; Khu du lịch và nghỉ dưỡng Hải Quân 163 tỷ đồng; Khu du lịch biển đảo cao cấp Sunrise Phú Yên 1.470 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch Việt Beach 240 tỷ đồng…
Nói về nguyên nhân khiến cho nhiều dự án chậm tiến độ, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên cho biết, những dự án nêu trên không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và cho thuê đất, mà nhà đầu tư phải tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân trong vùng dự án nên vấp phải không ít khó khăn. Mặt khác, theo quy định pháp luật hiện hành, Nhà nước phải lập đầy đủ quy hoạch xây dựng theo từng cấp độ, nên các nhà đầu tư phải chờ đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở địa phương mới có đủ cơ sở để lập và trình hồ sơ thiết kế cho cơ quan thẩm định. Ngoài ra, còn có một số dự án chưa đảm bảo thủ tục theo quy định, nên phải tạm dừng triển khai để tiến hành rà soát thủ tục có liên quan và xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
“Để góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên về xây dựng, đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, Sở KH&ĐT cùng với các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp rút ngắn thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc… đẩy mạnh tiến độ đầu tư tại các dự án, đồng thời thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, để Phú Yên thật sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Võ Đình Tiến cho biết thêm.