Nhiều điều bất thường tại các cảng cá ở Quảng Trị

Thứ Bảy, 11/03/2023, 08:33

Quảng Trị hiện có 3 cảng cá lớn, phục vụ lợi ích kinh tế cho trên 15.000 hộ dân của 14 xã và 2 thị trấn vùng biển (thuộc 4 huyện ven biển của tỉnh) cùng hàng chục cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, do bất cập trong quá trình đầu tư khiến các cảng cá này đang có nguy cơ bị đóng cửa.

Nguy cơ bị buộc “đóng cửa”

Những cảng cá lớn của Quảng Trị nằm trên địa bàn các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Triệu Phong, hoạt động từ 2 đến hơn 20 năm nay. Theo điều tra của PV Báo CAND, hiện những cảng cá này vẫn chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Vì thế, toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh ở đây đều phải xả nguồn nước thải thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

Cảng cá Cửa Tùng nằm về phía Bắc, sát khu vực chân cầu và khu dân cư thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Nơi đây, các hoạt động lao động nghề biển; sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hải sản diễn ra cấp tập suốt ngày đêm. Đặc biệt, bên cạnh hoạt động của ngư dân, thương lái và dịch vụ hậu cần nghề cá, việc chế biến, kinh doanh hải sản của Công ty TNHH Ngọc Tuấn Surimi ở cảng cá này là khá lớn, với trên 500 lao động luân phiên làm việc theo ca mỗi ngày đêm. Điều đáng mừng là vậy, song về đảm bảo môi trường ở đây đang có những “lỗ hổng” lớn. Cụ thể, cảng cá này hoạt động đã hơn 15 năm nay nhưng không hề được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý (BQL) cảng cá Quảng Trị cho biết, qua gần 15 năm thu hút đầu tư cũng như phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của bà con ngư dân trong vùng, cảng cá Cửa Tùng ngày càng có nhiều cơ sở đầu tư chế biến, kinh doanh các mặt hàng hải sản, dịch vụ hầu cần nghề cá và lao động biển. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ở đây đều không xây dựng hệ thống xử lý nước thải nội bộ. Vì thế, 3 năm về trước, toàn bộ nguồn nước xả thải này được thu gom theo cống, rãnh về một chiếc bể chứa chỉ 70m3 và sau khi chúng được chứa, lọc lắng sơ bộ thì được đổ thẳng ra biển. Còn 3 năm nay, bể chứa kể trên đã bị tắc nghẽn và hư hỏng, mặt khác nơi đây trở thành một phần của bãi tập kết cát trong quá trình doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc nạo vét, khơi thông luồng lạch, cửa biển, nên nguồn nước thải không còn chảy tập trung ra khu vực này, mà chúng chảy khắp nơi theo các cống, rãnh có trong khu vực cảng và bên ngoài hoặc chảy tràn ra trên mặt đất, đường giao thông, sau đó chảy ra biển.

Tương tự, suốt hơn 20 năm nay việc xử lý hàng trăm khối nước thải mỗi ngày tại cảng cá Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong cũng chỉ bằng chiếc bể chứa 50m3 trước khi chúng được xả thải ra môi trường.

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc BQL cảng cá Quảng Trị bức xúc cho biết năm 2020, ngay khi sử dụng 180 tỉ đồng (trong số 300 tỉ đồng từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển) để thực hiện các dự án này, Sở NN&PTNT Quảng Trị cùng chủ đầu tư các dự án là BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh đã chủ ý không ưu tiên cho việc đảm bảo môi trường. Tại cảng cá Cửa Tùng chỉ đầu tư sửa chữa, xây dựng các hạng mục cầu cảng, bến liền bờ, đường giao thông, khu neo đậu và tuyến cống thu gom chính dài chỉ 264m. Tại cảng cá Nam Cửa Việt chỉ đầu tư sửa chữa, xây dựng mở rộng các hạng mục tương tự và tuyến cống thu gom chính dài 430m.

“Do đó, chúng tôi rất lo lắng, bởi khi buộc phải thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực pháp luật từ đầu năm 2022) là sẽ phải đóng cửa tất cả các cảng cá trên địa bàn, gây ảnh hưởng không chỉ hàng chục doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong phạm vi các cảng cá này, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hơn 15.000 hộ dân sinh sống bằng nghề biển trong toàn tỉnh”, ông Sơn băn khoăn.

7-2.jpg -0
Nước thải của một cơ sở sản xuất tại cảng cá Cửa Tùng trước khi xả thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

Đâu là câu trả lời thỏa đáng?

Mặc dù các quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án “Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong (DA Cửa Việt)” và “Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (DA Cửa Tùng)” đều chú trọng việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Thế nhưng trên thực tế lại không như vậy…

Cụ thể, Báo cáo số 309/BC-BQLDA ngày 22/2/2023 của Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị (gồm BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Trị, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT thuộc Sở NN&PTNT và BQL dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông thuộc Sở GT-VT tỉnh sáp nhập) gửi UBND tỉnh này, cho rằng với nguồn vốn 300 tỉ đồng từ nguồn kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là chưa đủ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo tiêu chí công bố mở cảng cá loại II và loại I theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cá. Vì vậy, trước mắt ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục thiết yếu; các hạng mục còn lại theo quy hoạch được phê duyệt cần tìm kiếm nguồn vốn khác để thực hiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ, quy mô cảng cá và các khu neo đậu theo quy định để phục vụ neo đậu tàu thuyền, khai thác đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Mặt khác, tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa ban hành nên chưa ưu tiên đầu tư đồng bộ, đã phê duyệt đầu tư các tuyến thu gom nước thải, còn lại trạm xử lý nước thải chưa được đầu tư… Đơn vị này đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ trương chưa thực hiện đầu tư trạm xử lý nước thải từ nguồn kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển để có cơ sở bàn giao, đưa công trình vào vận hành, khai thác sau khi kết thúc dự án.

Qua trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc BQL cảng cá Quảng Trị bức xúc: “Trường hợp UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý để BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh bàn giao các dự án nói trên sẽ gây ra tình trạng làm trái với các quyết định về đảm bảo môi trường của các dự án này do chính UBND tỉnh đã ban hành trước đó. Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ không dám nhận, bởi lẽ tất cả hoạt động tại đây sẽ trái với Luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi đó các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hải sản cũng sẽ không đủ điều kiện để xuất bán ra các nước do không được cấp chứng chỉ đảm bảo môi trường theo quy định”.

Trò chuyện với PV Báo CAND về những bất cập kể trên, ông Lê Vĩnh Phú, Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị thừa nhận hoạt động lao động nghề biển, dịch vụ hậu cần nghề cá và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hải sản ở các cảng cá nói trên là rất lớn. Song, đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nguồn nước thải tập trung. “Đối với 50 tỉ đồng thực hiện DA Cửa Tùng, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, còn DA Cửa Việt 130 tỉ đồng mới xong 35% và đến tháng 8/2023 phải kết thúc dự án. Do thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn lại khá lớn, nên trường hợp có thêm nguồn vốn thi công các nhà máy xử lý nguồn nước thải tập trung tập tại 2 cảng cá nói trên, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023 cũng sẽ không thực hiện được”, ông Phú nói.

Đáng nói, không chỉ BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, sau khi bị Sở TN&MT “tuýt còi” việc làm trái các quyết định của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh này cũng có báo cáo (số 209/SNN-QLCT ngày 27/1/2022) gửi UBND tỉnh, nội dung nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại 2 cảng cá kể trên, nhưng cho rằng việc không đầu tư trước đó là do nguồn vốn hạn hẹp (?!). Nhưng cũng chính báo cáo này lại tự mâu thuẫn, cho rằng BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh cần rà soát, cân đối nguồn vốn được bố trí cho các dự án trên để đề xuất UBND tỉnh chủ trương ưu tiên đầu tư xây dựng một phần của hệ thống xử lý nguồn nước thải tập trung tại 2 cảng cá Cửa Tùng và Nam Cửa Việt.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, ngoài 2 cảng cá này, năm 2021, Quảng Trị còn đầu tư xây dựng thêm khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh. Đáng nói, khi lập dự án, chủ đầu tư cũng đề xuất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung với công suất 320m3/ngày đêm. Song, đến thời điểm hiện tại, hạng mục này vẫn chưa được đầu tư xây dựng, và cũng với lý do vì… khó khăn về nguồn vốn (!).

“Tất cả hoạt động đều cần đầu ra, ai đời xây nhà mà không xây nhà vệ sinh bao giờ?!”, Giám đốc BQL cảng cá Quảng Trị chốt lại câu chuyện bằng câu nói triết lý.

Thanh Bình
.
.
.