Nhiều chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 bị khởi kiện đòi nợ

Thứ Bảy, 26/03/2022, 09:01

Thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Phú Yên được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ nhưng hoạt động không hiệu quả. Đáng chú ý, có không ít trường hợp lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề, trong đó có 10 chủ tàu mất khả năng trả nợ kéo dài nên bị các tổ chức tín dụng khởi kiện ra Tòa...

Điển hình như ông Đỗ Ngọc Tín (SN 1970, trú khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa). Khi chúng tôi đến tìm hiểu về hiệu quả hoạt động của tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, ông Tín đưa chúng tôi đến cảng cá Phú Lạc gần cửa biển Đà Nông, chỉ tay về phía tàu cá PY-99993TS cho chúng tôi biết, năm 2017, ông được Chi nhánh Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Phú Yên cho vay 18,5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép này. Tàu có chiều dài 27,8m, công suất 800CV. Có được tàu vỏ thép với nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại hỗ trợ khai thác thủy sản, gia đình ông cùng nhiều người thân thật sự vui mừng khi có cơ hội thuận lợi phát triển kinh tế từ biển. Tuy nhiên, sau nhiều chuyến vươn khơi, tàu cá vỏ thép PY-99993TS không mang lại hiệu quả kinh tế mà thua lỗ liên tục.

Sau 5 năm vận hành khai thác, ông phải đối mặt với khoản nợ lãi vay tăng dần đến mức mất khả năng thanh toán dẫn đến kết cục ngân hàng khởi kiện ra Tòa. Theo Quyết định số 04/2021/QĐST-KDTM ngày 7/6/2021 của TAND TP Tuy Hòa, tính đến cuối tháng 5/2021, vợ chồng ông Tín phải trả cho BIDV hơn 19 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Do vợ chồng ông Tín không trả được nợ trước ngày 25/12/2021 như đã thỏa thuận nên ngày 24/3 Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Tuy Hòa tiến hành xác minh để xử lý tài sản thế chấp là tàu cá PY-99993 TS và thửa đất 151m2.

Nhiều chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 bị khởi kiện đòi nợ -0
Sau 5 năm đóng mới, chủ tàu cá vỏ thép PY-99993TS mất khả năng trả nợ gốc và lãi hơn 19 tỷ đồng.

Ông Tín buồn bã cho biết thêm, bình quân mỗi chuyến vươn khơi 20 ngày, tàu vỏ thép PY-99993TS do ông làm chủ “ngốn” mất gần 400 triệu đồng tiền nhiên liệu, đó là chưa kể các khoản chi phí đá lạnh ướp cá, lương thực, thực phẩm cho 12 ngư dân hành nghề trên tàu. Trước thực trạng thua lỗ kéo dài nên ông phải tính đến giải pháp chuyển đổi nghề khai thác nhưng không thực hiện được, vì các điều khoản cam kết trong hợp đồng vay vốn tín dụng không cho phép…  

Trao đổi về vụ việc trên, chiều 25/3, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Tuy Hòa cho biết, cơ quan này đang thụ lý giải quyết yêu cầu THADS 101,2 tỷ đồng đối với 4 đương sự nợ ngân hàng tiền vay và lãi đóng mới 8 tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Chi nhánh Vietinbank, BIDV, Agribank đã giải ngân cho vay đóng mới 19 tàu cá và nâng cấp 5 tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.  Đến cuối năm 2021 có 13 tàu cá đóng mới hoạt động không hiệu quả, “treo nợ” tiền gốc và lãi hơn 156,7 tỷ đồng và được các ngân hàng xác định là nợ xấu, chiếm 63% tổng số dư nợ cho vay đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Trong số đó có 10 trường hợp bị khởi kiện đã được tòa án giải quyết với tổng số tiền phải trả gần 105,6 tỷ đồng tính đến thời điểm xét xử hoặc các bên thỏa thuận tại Tòa.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Phú Yên đánh giá nguyên nhân dẫn đến khoản nợ xấu nêu trên là do ngư trường khai thác không thuận lợi, nguồn thủy sản giảm sút, dịch bệnh COVID-19 khiến cho thị trường tiêu thụ thủy sản giảm sút, giá cả biến động, trong khi năng lực khai thác của các chủ tàu yếu kém nên nguồn thu không đủ bù chi, một số chủ tàu cá thiếu trách nhiệm trả nợ vay, cố tình dây dưa treo nợ…

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, 19 tàu cá đóng mới và 5 tàu cá nâng cấp theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã được giải ngân gần 281,7 tỷ đồng, tạo điều kiện để ngư dân làm chủ tàu cá công suất cao, thiết bị hiện đại, đủ năng lực vươn khơi khai thác thủy sản dài ngày trên biển. Tuy nhiên, sản lượng thủy sản những năm gần đây suy giảm, trong khi các khoản chi phí đối với tàu có công suất lớn tăng cao, sau những chuyến vươn khơi thua lỗ, nhiều chủ tàu cá mất khả năng trả nợ.

UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều văn bản kiến nghị các ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ vay, thế nhưng muốn tháo gỡ khó khăn cho tàu cá đóng mới và nâng cấp theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cần phải có những giải pháp cụ thể hơn, bám sát thực tế hơn để chính sách phát triển thủy sản thật sự ổn định và bền vững.

Hữu Toàn
.
.
.