Nhiều bất ngờ từ vụ phá rừng ở Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk

Chủ Nhật, 24/10/2021, 11:00

Liên quan đến vụ hơn 27m3 gỗ lậu được trà trộn vào gỗ hợp pháp tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk mà Báo CAND đã thông tin, qua tìm hiểu của phóng viên đã phát hiện thêm nhiều bất ngờ về vụ việc.

Cuối tháng 9/2021, nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện một bãi gỗ bất hợp pháp được tập kết tại Tiểu khu 462 thuộc lâm phần quản lý của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk. Vào cuộc tìm hiểu, phóng viên đã ghi nhận tại đây có hơn 27m3 gỗ các loại như dầu, căm xe, cà chít… được chặt phá từ nơi khác rồi tập kết nằm trà trộn với hơn 10m3 gỗ hợp pháp (chưa vận chuyển đi hết) được các cơ quan chức năng liên quan khai thác để xây dựng dự án làm chuồng nuôi voi. Ngày 18/10, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để điều tra, xử lý.

go-1635048144626.jpg
Hiện trường một vụ chặt phá rừng khác ngay trong lâm phần quản lý của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk.

Bà Hlan Niê Buôn Dap, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn khẳng định: “Số gỗ là do chính lực lượng kiểm lâm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm của huyện tuần tra, kiểm soát phát hiện chứ không phải do Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk phát hiện”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, vụ phá rừng này là do một người dân trú trên địa bàn huyện Buôn Đôn phát hiện, sau đó trình báo lên các cơ quan chức năng chứ không phải như lời bà Hlan Niê Buôn Dap khẳng định.

Để kiểm chứng, phóng viên đã liên lạc với bà Lê Thị Tuyến Vân (57 tuổi, trú tại buôn Êa Rông B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), người phát hiện vụ việc này khẳng định, chính bà là người trực tiếp đi điều tra, ghi hình, sau đó trình báo vụ việc lên các cơ quan chức năng. Theo bà Vân, vào khoảng cuối tháng 5/2021, bà phát hiện tại Tiểu khu 462 có một nhóm người lén lút vào chặt phá rừng nơi đây nên đã bí mật theo dõi và ghi hình lại.

“Sau một thời gian bí mật điều tra, ghi hình thì tôi bị nhóm người khai thác gỗ này phát hiện. Lo sợ nhóm người này tẩu tán số gỗ, tôi đã trực tiếp lên trình báo với Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện và Trưởng Công an huyện. Ngay sau khi tiếp nhận trình báo, cả 3 đồng chí ấy cùng với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện vào ngay hiện trường để chứng kiến, ghi nhận lại vụ việc”, bà Vân khẳng định.

Cũng theo lời bà Vân, sau một thời gian dài phát hiện vụ việc nhưng không thấy chính quyền địa phương xử lý gì nên đầu tháng 7/2021, bà đã làm đơn kiến nghị, tố cáo vụ việc lên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương cũng như các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk. Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan vào cuộc xác minh thì vụ việc mới được làm sáng tỏ.

Chia sẻ thêm với phóng viên, bà Vân cho hay, “sau một thời gian bí mật ghi hình, quay phim lại vụ phá rừng này, nhóm người khai thác gỗ trái phép phát hiện nên đến nhà tôi mua chuộc nhưng tôi không đồng ý. Khi không mua chuộc được, nhóm người này quay sang đe dọa”. Bà Vân cho biết, hơn 2 năm trước, đứa con trai của bà đã phải đánh đổi cả mạng sống vì nhiệm vụ bảo vệ rừng.

“Trước những hành vi sai trái này mình không thể làm ngơ nên tôi quyết tâm tố cáo vụ việc lên cơ quan chức năng để xử lý đến cùng”, bà Vân nói. Ngoài vụ việc nêu trên, trong quá trình thu thập tài liệu, phóng viên đã phát hiện tại Tiểu khu 462 này còn có 2 vụ phá rừng với quy mô lớn khác và vụ việc cũng được chính những người dân sinh sống trên địa bàn huyện phát hiện, tố cáo.

Cụ thể như vào đầu tháng 7/2021, qua tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra tại các lô 5, 13, 16, khoảnh 7, Tiểu khu 462 thuộc lâm phần quản lý của Công ty CP Ánh Dương (đóng trên địa bàn xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) có 24 cây gỗ tròn bị khai thác trái phép với khối lượng hơn 10m3. Tiếp tục mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại khoảnh 4, Tiểu khu 462 thuộc lâm phần quản lý của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk có 113 lóng gỗ tròn các loại từ nhóm I đến nhóm VIII, với tổng khối lượng hơn 15m3 khai thác trái phép.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk khẳng định, cả hai vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép trên địa phận quản lý của Công ty CP Ánh Dương và Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nêu trên có tính chất, mức độ vi phạm lâm luật nghiêm trọng.

“Hiện cả 2 vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn khởi tố vụ án hình sự, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Sau khi có kết luận điều tra của cơ quan Công an, Sở sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Ai sai phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó chứ không có bao che, dung túng bất kỳ một ai”, lãnh đạo Sở này khẳng định.          

  Văn Thành
.
.
.