Nhiều bất cập trong điều động giáo viên ở Quảng Trị
Mỗi năm, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Trị điều động hàng trăm giáo viên. Riêng huyện Gio Linh năm học 2022-2023 điều động và dự kiến điều động 45 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của 3 cấp học là Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS). Đáng nói, việc điều động này đã gây ra những khó khăn cho giáo viên; nhiều trường hợp bị bất ngờ và hoang mang, lo lắng khi bị điều động.
Qua trình bày của giáo viên, PV Báo CAND xác minh cho thấy, các trường hợp bị điều động là bất ngờ, các đơn vị chức năng liên quan và UBND huyện Gio Linh thực hiện không đảm bảo quy định hành chính, gây ra sự xáo trộn không đáng có và nhiều khó khăn khác cho giáo viên.
Tuy nhiên, khi PV thắc mắc việc điều động giáo viên không đảm bảo quy định hành chính nói trên, như không thông báo, không làm công tác tư tưởng cho giáo viên thì ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho rằng, việc điều động căn cứ vào thực tế thiếu và thừa về vị trí việc làm của các giáo viên giữa các trường nên không phải thông báo và làm công tác tư tưởng(?). Khi PV tiếp tục nhắc lại “việc làm này có đúng quy định nhà nước?” thì ông Hạnh nói thêm rằng, trước đây huyện có làm nhưng năm nay TP Đông Hà và huyện Vĩnh Linh cũng không làm(?).
Sau hơn 1 tuần lãnh đạo Phòng Giáo dục &Đào tạo (GD&ĐT) huyện Gio Linh cho lịch hẹn làm việc, sáng 23/8, PV phải nhiều lần liên hệ gọi điện, nhắn tin thì lãnh đạo đơn vị này miễn cưỡng đồng ý.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nghệ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gio Linh cho biết, trên địa bàn huyện có 43 trường học thuộc quyền quản lý của đơn vị, trong đó 21 trường mầm non (20 trường công lập và 1 trường tư thục); 8 trường tiểu học; 11 trường tiểu học-THCS; 3 trường THCS (1 trường phổ thông Dân tộc nội trú), với 1.247 giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý biên chế, 139 giáo viên, nhân viên và cô nuôi hợp đồng. Hàng năm, Phòng GD&ĐT Gio Linh đều có điều động giáo viên và cán bộ quản lý giữa các trường theo 2 hình thức là nguyện vọng và yêu cầu công tác. Trong đó, đối với hình thức nguyện vọng là nhằm giải quyết khó khăn cho giáo viên và cán bộ quản lý; hình thức còn lại là căn cứ vào sự thiếu và thừa về vị trí việc làm của giáo viên, cán bộ quản lý giữa các trường để cân đối, điều chỉnh kịp thời và phù hợp.
Tuy nhiên, ông Nghệ cho rằng, do đặc thù của giáo dục, khi điều động theo nguyện vọng của một người sẽ ảnh hưởng dây chuyền 3-4 người khác. Đó cũng là lý do số lượng giáo viên, cán bộ quản lý phải điều động nhiều hàng năm.
PV đưa ra câu hỏi, như vậy để đem lại quyền lợi cho một người sẽ gây ra sự xáo trộn đối với nhiều người khác; chưa kể việc phải điều động nhiều giáo viên, cán bộ quản lý hàng năm, Phòng GD&ĐT Gio Linh có xem xét đến quyền lợi của những người bị điều động? Hoặc đơn vị chọn giải pháp tốt hơn, là luân chuyển theo hình thức 1-1; cụ thể giáo viên công tác lâu năm ở vùng khó khăn, vị trí không thuận lợi với gia đình sẽ được chuyển đến nơi thuận lợi; giáo viên công tác lâu năm nơi thuận lợi này sẽ đến đó thay thế, đổi chỗ cho họ? Nhưng ông Nghệ bảo: “Việc đó là không ảnh hưởng, chỉ có thời gian mới đến thì phải làm quen nên không bằng nơi ở cũ thôi”. “Nhìn chung những năm qua, việc điều động đều đem lại kết quả tốt cho giáo viên. Còn ở huyện thì không thực hiện việc luân chuyển giáo viên như ở cấp Sở”, ông Nghệ nói thêm.
Ngoài ra, việc điều động giáo viên, cán bộ quản lý theo hình thức yêu cầu công tác như ông Nghệ nêu, cũng có dấu hiệu cá nhân. Bởi lẽ nhiều trường hợp bị điều động không theo nguyên tắc hành chính. Cụ thể, hàng năm, Hiệu trưởng các trường học được hướng dẫn lập danh sách báo cáo lên Phòng GD&ĐT huyện những trường hợp không nằm trong diện bị điều động. Các giáo viên còn lại không được thông báo thông tin, kế hoạch điều động, nhà trường cũng không tổ chức họp hội đồng để bàn bạc, thống nhất việc điều động này.
Đơn cử, trường hợp của cô giáo L.T.L.T., Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Gio Linh. Trước khi về đây, cô giáo này đã có hơn 10 năm công tác tại một trường học thuộc vùng miền núi huyện Vĩnh Linh. Theo trình bày của cô giáo L.T.L.T., khi bản thân cùng với chồng con vừa ổn định cuộc sống, bệnh trầm cảm sau sinh vẫn chưa được chữa khỏi hoàn toàn, thì giữa tháng 8/2022, cô bất ngờ được thông báo có quyết định điều chuyển đến trường khác xa nhà hơn.
Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Nghệ về trường hợp cụ thể này, ông Nghệ thừa nhận Phòng GD&ĐT huyện đã có những sai sót. Ông Nghệ cũng cho biết, sau khi có đơn của cô L.T.L.T. gửi Thường trực Huyện ủy Gio Linh và ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa, giáo dục của huyện, UBND huyện đã chỉ đạo phòng kiểm tra, báo cáo sự việc. Theo đó, đơn vị cùng Phòng Nội vụ huyện đã có buổi gặp làm việc với bản thân cô giáo và chồng của cô này. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện thẳng thắn nhìn nhận sự việc, xin lỗi vợ chồng cô giáo về những sai sót kể trên.
Ông Trần Văn Quảng, Bí thư Huyện ủy Gio Linh cho hay, công tác nhân sự về giáo dục là thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành và quyết định của các Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ huyện và UBND huyện. Tuy nhiên, do có đơn đến Thường trực Huyện ủy nên đơn vị đã chỉ đạo UBND huyện kiểm tra, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.