Nhà xây trái phép bít đường hàng nghìn hộ dân chung cư tồn tại kéo dài

Thứ Hai, 23/05/2022, 06:22

Thời gian gần đây nhiều người dân liên tục gửi đơn phản ánh, tố cáo đến các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở hẻm 45, đường số 11, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, nhưng chính quyền địa phương cho tồn tại trong nhiều năm không xử lý.

Có mặt tại khu vực cuối hẻm 45, đường số 11, PV Báo CAND ghi nhận có 4 căn nhà nằm trong khu đất nông nghiệp giáp ranh với nhiều dự án chung cư đã và đang được xây dựng. Trong đó đã có nhiều bloc chung cư với cả nghìn căn hộ được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ phía các căn hộ chung cư này, nhìn ra đường Vành đai 2, khoảng cách chỉ vài trăm mét. Do vậy, đây là hướng đi lại khá thuận lợi cho những hộ dân cũng như hướng để xe của Cảnh sát PCCC, xe xử lý sự cố tiếp cận nhanh nhất tới các chung cư trong khu vực.

trai phep.jpg -0
Những căn nhà xây dựng trái phép.

Nhưng nằm chắn trên tuyến kết nối khu vực để nối ra tuyến đường Vành đai 2 là dãy nhà xây dựng trái phép trên. Ngoài một căn nhà được dựng tôn quây xung quanh và lợp mái bằng tôn, những căn nhà còn lại đều được xây tường gạch 2/3 chiều cao tường nhà, phía trên quây tôn và mái lợp tôn.

Theo thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 4 căn nhà xây dựng trái phép này nẳm trong khu đất nông nghiệp có diện tích 444m2 do bà Phạm Thị Diệu, có địa chỉ tận huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, đứng tên trên sổ đỏ từ tháng 6/2016. Khu đất trên là phần còn lại của các thửa đất số 799, 1599 có diện tích lên tới 1.866m2 trước đây thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông N.V.B.

Năm 2005 hộ ông B đã được UBND quận Thủ Đức cũ cho chuyển đổi 200m2 đất nông nghiệp thành đất ở. Sau đó ông B đã nhiều lần chuyển nhượng một phần diện tích cho các tổ chức, cá nhân nên phần diện tích còn lại chỉ là 444m2 là đất nông nghiệp. Khi ông N.V.B qua đời để thừa kế lại cho con là Nguyễn Văn Hoài vào tháng 4/2016 và đến tháng 6/2016, khu đất này được sang tên cho bà Phạm Thị Diệu.     

Thông tin về vụ việc này, ông Lê Hữu Hảo, Chủ tịch UBND phường Tam Bình cho biết, 4 căn nhà trên do ông N.V.B và vợ tự xây năm vào khoảng năm 2010 - 2011. Tại thời điểm đó, UBND phường Tam Bình đã lập biên bản và chuyển cho Thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn cũng như Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức (cũ) để xử lý. Tháng 11/2011 UBND quận Thủ Đức đã ra quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế đối với 4 căn nhà xây dựng không phép trên. Tuy vậy, ngày 24/4/2012 UBND quận Thủ Đức đã đột ngột thu hồi, hủy bỏ quyết định trên nên những căn nhà xây dựng trái phép này được tồn tại cho đến nay.

Những thông tin do Chủ tịch UBND phường Tam Bình cung cấp cho thấy, lãnh đạo phường Tam Bình đã nắm rất chắc nguồn gốc khu đất, quá trình chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân và thời điểm 4 căn nhà được xây cất trái phép. Nhưng sau khi những căn nhà xây dựng trái phép trên được hoàn thành, ít nhất cũng đã có 2 lần phần diện tích đất nông nghiệp này được chuyển nhượng quyền quản lý, sử dụng cho người khác trong năm 2016. Dù vậy, cả phường Tam Bình và quận Thủ Đức cũ đã không đếm xỉa gì đến những căn nhà hình thành trên thửa đất này để mặc nhiên cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Đến nay, đoạn 3 của đường Vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa trên địa bàn TP Thủ Đức đã được triển khai thi công trong 5 năm và được TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ hoàn thành đoạn này vào cuối năm nay để giải tỏa áp lực giao thông cho tuyến đường Tô Ngọc Vân, một số tuyến đường trục khác trong khu vực này. Do đó, người dân các khu dân cư cũ và một loạt các dự án mới ở phường Tam Bình, Tam Phú vẫn đang trông chờ việc chính quyền mở các hướng kết nối vào tuyến Vành đai 2 này để tạo hướng thoát cho họ. Vì vậy, chính quyền TP Thủ Đức cần kiên quyết xử lý vụ việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bít đường giao thông như trên. Việc này cũng là nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 ngày 25/7/2019 của Thành ủy TP Hồ Chí minh về đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn.

Đ.Thắng
.
.
.