Nhà máy xử lý rác trị giá gần 12 tỷ "chết yểu"

Thứ Hai, 25/03/2024, 07:20

Một nhà máy xử lý rác thải được xây dựng tại địa bàn xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay, nhà máy này gần như chưa hoạt động được ngày nào. Hiện tại, nhà máy bỏ không, hư hỏng, hoang phế gây lãng phí ngân sách.

Theo tìm hiểu, Dự án nhà máy xử lý rác thải do UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng tại xã Xuân Bình vào năm 2018. Dự án có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng (gồm các hạng mục, đường dây điện, đường vào bãi rác, nhà điều hàng, tường bao, lò đốt rác…), dự kiến đưa vào vận hành sau một năm xây dựng. Theo thiết kế, nhà máy có công suất xử lý 7-9 tấn rác/ngày. Khi đi vào hoạt động, công trình sẽ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, xã Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.

Người dân địa phương cho biết, từ khi làm lễ khánh thành, công trình được giao cho UBND xã Xuân Bình trông coi, quản lý để tìm đơn vị khai thác, vận hành. Tuy nhiên, cũng kể từ đó tới nay, nhà máy gần như không hoạt động được ngày nào mà bỏ không, hoang phí và đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Nhà máy xử lý rác trị giá gần 12 tỷ
Sau nhiều năm không sử dụng, lò đốt rác đã hư hỏng.

Một ngày cuối tháng 3/2024, chúng tôi có dịp "mục sở thị" nhà máy xử rác tại xã Xuân Bình. Từ đường mòn Hồ Chí Minh vào khu vực xây dựng nhà máy xử lý rác khoảng hơn 3km, tuyến đường này một phần là đường dân sinh có từ lâu, khoảng hơn 1km là đường dự án xây dựng nhà máy rác mở sau này, được lu lèn cấp phối đá.

Tuy nhiên, do nhà máy xử lý rác không hoạt động nên đường vào bị cây dại hai bên chen lối, nhiều đoạn đường đã hư hỏng nặng do xe tải vào khu vực này chở keo. Thời điểm chúng tôi có mặt, nhà máy xử lý rác đã hoang tàn, đáng chú ý: Lò đốt rác, nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể xử lý rác thải, bể nước, hố chôn lấp rác thải tạm thời, san nền, cổng tường rào, sân bê tông, rãnh thoát nước, bồn hoa… bị hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt, ống khói tại lò đốt rác đã bị gãy đổ đè xuống tường rào.

Qua trao đổi, ông Trịnh Xuân Sơn - Chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết, sau khi hoàn thành, nhà máy xử lý rác thải được giao cho xã quản lý, tìm kiếm doanh nghiệp vận hành. Năm 2021, một doanh nghiệp tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân đã nhận thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của người dân tại 2 xã Xuân Bình và Bãi Tranh đưa vào nhà máy xử lý bằng phương pháp đốt.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, mật độ dân cư thưa, nhiều gia đình có hố rác sinh hoạt và tự xử lý nên số lượng hộ đăng ký xử lý tập trung rất thấp. Qua vài tháng hoạt động, doanh nghiệp thu gom, vận chuyển vào bãi rác thua lỗ nên đã bỏ giữa chừng. Theo ông Sơn, nguyên nhân chính dẫn tới việc đơn vị vận hành thu không đủ chi, thua lỗ là do mức giá dịch vụ mà UBND tỉnh Thanh Hóa quy định đối với khu vực miền núi 4.000 đồng/ nhân khẩu/ tháng là quá thấp.

Cạnh đó, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân đã về đích Nông thôn mới từ năm 2015. Hiện tại, địa phương này đang phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Tuy nhiên, việc nhà máy xử lý rác thải của huyện Như Xuân không hoạt động khiến việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân địa phương gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Tất Hùng - Chủ tịch UBND xã Bãi Trành cho biết, toàn xã có 400/5.200 hộ sống gần các trục đường chính đăng ký thu gom, xử lý rác thải tập trung. Để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, xã đã mời một đơn vị ở tỉnh Nghệ An (giáp ranh xã Bãi Trành) qua thu gom, vận chuyển rác thải về xử lý. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian thì đơn vị này cũng ngừng hợp tác, không còn thu gom. Hiện tại, người dân địa phương phải tự thu gom, xử lý rác thải của gia đình bằng phương pháp chôn lấp, đốt thủ công.

Thời gian tới, xã đang liên hệ với đơn vị tại thị trấn Yên Cát cách đó 30km để thu gom, vận chuyển đi xử lý, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành Đỗ Tất Hùng cho biết thêm. Về phía UBND huyện Như Xuân, ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Lãnh đạo huyện và các phòng, ngành đã nhiều lần trực tiếp về kiểm tra, làm việc với chính quyền và người dân hai xã Bãi Trành và Xuân Bình để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tái khởi động lại hoạt động của nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi vận hành nhà máy là mức thu phí 4.000 đồng/khẩu/tháng không đủ chi phí thu gom, vận chuyển xử lý nên chính quyền chưa tìm được đơn vị vận hành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Nguyễn Hữu Tuất nêu quan điểm: "Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định về mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với khu vực miền núi 4.000 đồng/người/tháng là thấp. Trong khi mức phí tối đa tại khu vực nông thôn vùng đồng bằng, trung du, ven biển lại là 6.000 đồng".

Ông Tuất lý giải, miền núi có địa hình không bằng phẳng, diện tích rộng, dân cư thưa thớt, chi phí để thu gom, vận chuyển, xử lý một tấn rác thải cũng bằng hoặc thậm chí lớn hơn đồng bằng. Trong khi đó, mức thu phí tại miền núi thấp hơn khiến doanh nghiệp vận hành thua lỗ, nhà máy phải dừng hoạt động. Do vậy, để tái khởi động được hoạt động nhà máy xử lý rác thải Như Xuân, tránh gây lãng phí tiền đầu tư ông Tuất đề nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ hoặc điều chỉnh theo hướng tăng mức thu phí cho khu vực miền núi. Đến nay, sau hơn 6 năm xây dựng, nhà máy xử lý tác tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân không khác nào là "đống sắt vụn". Trong khi đó, nhu cầu về xử lý rác thải trong quá trình xây dựng Nông thôn mới của xã Bãi Trành và xã Xuân Bình là hết sức cần thiết.

Trần Thắng
.
.
.