Nhà máy Ethanol Bình Phước hơn 84 triệu USD “đắp chiếu”

Thứ Hai, 15/07/2024, 07:46

Nhà máy sản xuất cồn Ethanol Bình Phước (thôn 8, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) do Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 84 triệu USD, công suất 100 triệu lít/năm với kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bình Phước và khu vực Nam Tây Nguyên.

Nhưng nhà máy chỉ  chạy thử một thời gian ngắn rồi đóng cửa cho đến nay, mỗi năm lỗ hàng trăm tỷ đồng vì các khoản chi phí bảo trì máy móc, hoạt động công ty và khấu hao vật tư.

Dự án ngàn tỷ phơi mưa nắng

Nhà máy sản xuất cồn Ethanol Bình Phước rộng 42ha. Vào đầu tháng 7/2024, chúng tôi thấy nhà máy đóng cửa im lìm, cỏ rác um tùm. Ông Nguyễn Văn Ẩn (bảo vệ nhà máy) cho biết, doanh nghiệp ngừng hoạt động hơn 10 năm nay, hiện có 10 bảo vệ trông coi và 2 lãnh đạo công công ty, 2 thợ bảo trì máy móc. Ông Ân nói: “Khi nhà máy đi vào hoạt động, bà con rất vui vì bán được mì nhưng chỉ được vài tháng, nhà máy ngừng hoạt động, hàng trăm lao động phải nghỉ việc”.

Nhà máy Ethanol Bình Phước hơn 84 triệu USD “đắp chiếu” -0
Thiết bị, máy móc Nhà máy sản xuất cồn Ethanol Bình Phước do Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 84 triệu USD bị “đắp chiếu” nhiều năm qua.

Nhà máy khởi công xây dựng tháng 10/2010 và đến tháng 4/2012 bắt đầu chạy thử cho ra những lít xăng sinh học đầu tiên để tiến hành nghiệm thu chứ chưa đi vào vận hành thương mại. Nguyên nhân là vì còn chờ lộ trình áp dụng đưa xăng nhiên liệu sinh học vào sử dụng của Chính phủ. Đến năm 2015, nhà máy vận hành lại được khoảng 1 tháng rồi lại ngừng. Năm 2018, sau thời gian duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống máy móc ngốn khoảng 25 tỷ đồng, nhà máy cố gắng vận hành trở lại nhưng vẫn không được do giá sắn cao, xăng sinh học không tiêu thụ được.

Nhà máy Ethanol Bình Phước là kết quả hợp tác giữa Tổng Công ty Dầu khí VN (PV OIL) và Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản), theo thỏa thuận ban đầu, PV OIL chiếm 51% vốn, Itochu chiếm 49%. Đầu năm 2010, PV OIL chuyển giao 22% cho Công ty Licogi 16 và khi thấy hoạt động kinh doanh thua lỗ, Tập đoàn ITOCHU đã rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp.

Theo kiểm toán Nhà nước, Nhà máy ethanol Bình Phước sẽ trả hết nợ gốc và lãi vay vào năm 2020, sau 9 năm vận hành sản xuất. Nhưng việc dừng hoạt động nhà máy này từ năm 2013 đến nay khiến Công ty OBF thua lỗ nặng. Ước tính mỗi năm Công ty OBF - chủ dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước - lỗ khoảng 262 tỷ đồng, trong đó lãi vay 120 tỉ đồng, 90 tỉ đồng khấu hao, và 52 tỉ chi phí duy trì nhà máy. Tính đến cuối năm 2018, Nhà máy Ethanol Bình Phước thua lỗ khoảng 1.280 tỷ đồng và Công ty OBF đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỉ đồng. Trong đó PVOIL mất 198 tỷ đồng, ITOCHU mất 339 tỷ đồng và LICOGI 16 mất 122 tỷ  đồng. Tính năm 2020, Công ty OBF không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.

Hàng chục triệu USD đưa vào tổng vốn xây dựng nhà máy thiếu cơ sở là chi phí thiết bị tạm thời 1,1 triệu USD, mua sắm thiết bị 36 triệu USD không có báo giá nhà cung cấp, không có cơ sở xác định giá; các chi phí tư vấn, chi phí khác trong tổng vốn đầu tư cũng được tính tăng lên khoảng 2,6 triệu USD. Giá gói thầu EPC Nhà máy Ethanol Bình Phước được ký kết giữa Công ty OBF và nhà thầu TTCL-PVE là 58,3 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC, nhà thầu TTCL-PVE lại đề xuất và được Công ty OBF chấp thuận trả thêm khoản chi phí phát sinh 4,12 triệu USD.

Nhà thầu TTCL-PVE không tính đủ thuế nhà thầu nước ngoài khoảng 815.000 USD, chi phí thiết bị dự án 724.000 USD nhưng chủ đầu tư không làm rõ, không xác định lại giá trần, dẫn tới ký hợp đồng cao hơn giá trần thiết bị 1,4 triệu USD, làm tăng chi phí đầu tư dự án. Khi xây dựng Nhà máy Ethanol Bình Phước, nhà thầu TTCL-PVE đã điều chỉnh thiết kế, giảm một số thiết bị, giảm công suất thiết bị nhưng không thương thảo lại hợp đồng với chủ đầu tư. Công ty OBF và liên danh nhà thầu TTCL-PVE đều không tuân thủ một số điều khoản hợp đồng EPC đã ký kết.

Rất khó gỡ khó

Theo lãnh đạo Nhà máy Ethanol Bình Phước, nhà máy đóng cửa do giá sắn quá cao. Để huề vốn giá sắn phải ở mức 4.100 đồng/kg, trong khi hiện nay từ 6.500-7.000 đồng/kg. Nguồn nguyên liệu khan hiếm, nhà máy hoạt động không gắn với vùng nguyên liệu. Dù có công suất lên tới 9 triệu lít/tháng nhưng sau khi đi vào vận hành được 3 tháng (kể từ tháng 4-2012), Nhà máy Ethanol Bình Phước mới sản xuất được 14 triệu lít xăng sinh học (tương đương 1,4 triệu lít/tháng). Việc tiêu thụ cũng khá chật vật khi thị trường trong nước gần như đóng băng, các địa điểm bán xăng sinh học tại các cây xăng cũng hoạt động cho có.

Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông tìm lối thoát nhờ việc xuất khẩu tới các thị trường Philippines, Trung Quốc với giá khoảng 650-700USD/m3. Để sản xuất một lít xăng sinh học, chỉ tính riêng biến phí (nguyên liệu, nhân công) phải mất tới 14.000 đồng nên giá xăng sinh học bán ra ít nhất phải có giá từ 14.000đồng/lít trở lên thì nhà máy mới có thể vận hành. Hiện đang “trùm mền”, Nhà máy Ethanol Bình Phước vẫn phải trả từ 8-10 tỷ đồng lãi ngân hàng mỗi tháng, hơn 150 lao động trực tiếp của nhà máy đã được giải quyết chế độ, cho nghỉ.

Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông, nhà máy sản xuất xăng sinh học gặp khó khăn ngoài những lý do khách quan còn do bất cập trong chính sách. Năm 2007, Thủ tướng ký quyết định 177 ban hành Đề án Phát triển Nhiên liệu sinh học. Sau đó, hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đã mọc lên và chỉ tính đến hết năm 2011 có khoảng 500 triệu USD đầu tư vào 7 nhà máy chế biến ethanol với tổng công suất 640 triệu lít. Tuy nhiên đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn không tiêu thụ được. 

Để giải quyết khó khăn, tháng 9-2014, UBND tỉnh Bình Phước đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông, cam kết sẽ hỗ trợ về mặt thủ tục, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới là Công ty Toyo Thai New Energy Pte. Ltđ trở thành cổ đông của Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông thay thế cổ đông ITOCHU (Nhật Bản) xin rút vốn. Sau khi giải quyết được khó khăn về vốn, Nhà máy Ethanol Bình Phước sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2014 khi cả nước sử dụng xăng nhiên liệu sinh học theo đề án của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp cho nhà máy hoạt động trở lại, mà chỉ có thể đóng cửa nhà máy, phong tỏa, xử lý tài sản và tiến tới quy trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan.

Đức Trí
.
.
.