Nguy cơ nhiều khu “đất vàng” tại Cố đô tiếp tục bị bỏ hoang

Thứ Ba, 11/07/2023, 07:50

Sau khi chuyển về khu hành chính tập trung tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước tọa lạc tại những khu “đất vàng” nằm giữa trung tâm TP Huế bị bỏ hoang. Trong thời gian chờ đợi nhà đầu tư, những trụ sở này dần xuống cấp, trở nên nhếch nhác và mất mỹ quan.

Từ đầu năm 2022, nơi làm việc của Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế được chuyển về địa chỉ mới. Nơi làm việc trước đó nằm sát bên bờ sông Hương - số 22 đường Lê Lợi, TP Huế được chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng khu thương mại, dịch vụ. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Báo CAND, khu “đất vàng” này đang bị bỏ hoang. Cổng chính và cổng phụ đều cửa đóng then cài. Bên trong cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng, khuôn viên trụ sở có nhiều lá cây và rác do lâu ngày không được quét dọn.

Nguy cơ nhiều khu “đất vàng” tại Cố đô tiếp tục bị bỏ hoang -0
Trụ sở cũ của Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế ở khu “đất vàng” TP Huế xuống cấp do bỏ hoang lâu ngày.

Tương tự, vào cuối tháng 4/2022, địa chỉ trụ sở của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế được chuyển về tòa nhà khu hành chính tập trung tỉnh Thừa Thiên-Huế ở đường Võ Nguyễn Giáp (phường Xuân Phú, TP Huế). Các đơn vị trực thuộc cạnh địa chỉ trụ sở cũ của Sở này (số 28 Lê Lợi, TP Huế) như Phòng khám chuyên khoa kế hoạch hóa gia đình (số 28B Lê Lợi); Chi cục dân số và kế hoạch hóa gia đình (số 30 Lê Lợi) cũng chuyển trụ sở làm việc. Từ đó, các trụ sở các địa chỉ vừa kể rơi vào cảnh bỏ hoang, không có người trông coi, dọn dẹp dẫn đến nhếch nhác, rác bủa vây, các khung cửa sổ, cửa chính đều bị tháo dỡ mất mỹ quan.

Nằm sát trụ sở cũ của Sở Y tế là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thừa Thiên-Huế (số 26 Lê Lợi, TP Huế). Trụ sở này là ngôi biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp độc đáo được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và đến nay đã hơn 100 năm tuổi. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Hạ tầng và dịch vụ truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26, 28 Lê Lợi, TP Huế. Vì thế từ đầu năm 2022, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên-Huế tại số 26 Lê Lợi được di dời về số 1 Phan Bội Châu, TP Huế. Thế là cũng như nhiều trụ sở cũ khác, tòa nhà biệt thự kiểu Pháp này bị bỏ hoang, xuống cấp trong sự nuối tiếc của nhiều người.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư các dự án tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch cao cấp trên các khu “đất vàng” từ số 22 đến 30A Lê Lợi, TP Huế. Trong đó, khu đất số 22-24 Lê Lợi với diện tích hơn 4.830m2, tỉnh Thừa Thiên-Huế kêu gọi đầu tư với tổng mức hơn 600 tỷ đồng để xây dựng khách sạn đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500m2 trở lên cùng khu nhà hàng và các dịch vụ du lịch.

Khu đất từ 26-28-30 Lê Lợi có diện tích hơn 6.230m2 kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn khoảng 250-300 phòng với tổng mức hơn 700 tỷ đồng, trong đó 4 mặt tiền đường bố trí khu vực thương mại dịch vụ, tạo không gian thoáng để kết nối với trục không gian văn hóa nghệ thuật dọc đường Lê Lợi và bờ sông Hương. Tuy nhiên nhiều năm qua, có một số doanh nghiệp đến khảo sát tại các vị trí “đất vàng” trên nhưng vẫn chưa thể quyết định đầu tư do vướng cơ chế về bán tài sản công và các quy định, chính sách pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, vị trí những trụ sở trên được tỉnh quy hoạch làm khu thương mại, dịch vụ để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên hiện các công trình này còn sử dụng được nên theo quy định phải tổ chức bán đấu giá theo cơ chế tài sản công. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư sau khi trúng đấu thầu phải trả một lần tiền đấu giá các trụ sở cũ, rồi tiến hành đập bỏ các trụ sở này để xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp, dẫn đến tốn thêm khoản chi phí khá cao.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khu vực hiện có các trụ sở cũ được quy hoạch khu thương mại, dịch vụ thì đáng lẽ phải cho phép thanh lý tài sản trên đất, xong rồi cho thuê đất, đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai, khi đó nhà đầu tư mới có điều kiện tiếp cận được. Theo ước tính của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, dãy trụ sở cũ nằm dọc trục đường Lê Lợi, TP Huế khoảng 20 tỷ đồng, nếu doanh nghiệp bỏ số tiền này mua xong lại còn phải mất thêm chi phí để phá bỏ. “Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT để đề xuất xem xét lại các trường hợp trên, bởi nếu áp dụng bán theo tài sản công thì rất khó kêu gọi đầu tư tại những khu đất này”, ông Phan Quý Phương cho hay.

Ngoài những trụ sở cũ dọc tuyến đường Lê Lợi, TP Huế, hiện có một số vị trí “đất vàng” khác nằm ở trung tâm TP Huế được doanh nghiệp đầu tư dự án nhưng lại triển khai ì ạch, chậm tiến độ nhiều năm, dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Trong đó phải kể đến các dự án như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế tọa lạc trên khu “đất vàng” (số 2 Nguyễn Tri Phương, phường Phú Nhuận, TP Huế) do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng khoảng 400 tỷ đồng; dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu đất 14-20 Lý Thường Kiệt, TP Huế do Công ty CP ĐTXD du lịch và phát triển Đất Vàng làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 1.200 tỷ đồng; dự án tổ hợp tòa nhà làm việc được đầu tư xây dựng tại khu đất số 4 đường Hà Nội, TP Huế…

Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 79 dự án chậm tiến độ, cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi 35 dự án, các dự án còn lại được đưa vào diện rà soát, giám sát, kiểm tra. “Ngoài đưa các dự án xây dựng tại những khu đất vàng ở trung tâm TP Huế bị chậm tiến độ vào diện giám sát đặc biệt, hiện UBND tỉnh còn thành lập nhiều tổ công tác để tăng cường giám sát, đôn đốc, kiểm tra, quản lý các dự án đầu tư. Qua đó nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án”, ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay.

Anh Khoa
.
.
.