Nguy cơ mất an toàn giao thông tại dự án thi công Quốc lộ 19
Dù cơ quan chức năng đã ban hành 10 quyết định xử phạt và có nhiều văn bản chấn chỉnh, tuy nhiên đơn vị thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên Quốc lộ 19, đoạn qua tỉnh Gia Lai vẫn vi phạm…
Đường thoát nước kém, gây ngập nhà dân
Thời gian gần đây, tình trạng nhà dân tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai ngập trong biển nước, nhiều tài sản, vật dụng bị thiệt hại, cuốn trôi khi thời tiết có mưa đã diễn ra thường xuyên. Người dân cho biết họ đã sống ổn định tại đây hàng chục năm nhưng không có tình trạng này xảy ra cho đến khi dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên quốc lộ 19 triển khai thi công.
Ông Võ Tấn Tài (trú thôn 1, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa) cho biết: Năm 2007, gia đình có xây dựng bờ kè dọc theo bờ suối với chiều cao 3,5m, chiều dài 25m, đổ dầm móng rộng 1m. Từ trước đến nay, dù thời tiết mưa lớn xảy ra cũng không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, khi thi công cầu tạm trên quốc lộ 19, đơn vị thi công đã nắn tuyến, thu hẹp dòng chảy và dỡ bỏ bờ kè của gia đình với chiều dài 8m. Đến chiều 15/9, trên địa bàn có mưa lớn đã làm sạt lở bờ kè với chiều dài 8m, rộng 3m gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của gia đình.
“Để kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở, tôi đề nghị các cấp can thiệp và hỗ trợ gia đình sớm khắc phục tình trạng sạt lở, ổn định cuộc sống”, ông Tài bức xúc. Tình trạng sạt lở, ngập lụt mỗi khi trời mưa cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại xã Kdang, huyện Đăk Đoa. Ông Phạm Xuân Tươi (trú thôn Cầu Vàng, xã Kdang) chia sẻ: "Họ đào đất làm đường cách đây đã 5-6 tháng nhưng đến nay vẫn để nguyên vậy. Nhà tôi phải đắp đất cao mới vào được nhà. Tuy nhiên, chỉ cần một cơn mưa là đất đắp này trôi sạch, hôm sau phải đắp lại, nước chảy xiết cũng đã làm xói lở tường rào, cổng ngõ của gia đình".
Tương tự, chị Phạm Thị Kim Quyên (trú thôn Cây Điệp, xã Kdang) cho hay: "Khoảng 1 tháng nay, nhà tôi đã bị ngập 3 lần, nước tràn vào nhà ngập cả giường ngủ, tivi, tủ lạnh… Không chỉ hư hại tài sản mà nước bẩn, bùn đất tràn vào nhà khiến chúng tôi dọn dẹp rất vất vả. Từ khi thi công quốc lộ 19 thì tình trạng nước tràn vào nhà, ngập lụt diễn ra liên tục, tôi ở đây lâu rồi mà chưa bao giờ xảy ra tình trạng như vậy".
Theo báo cáo của UBND xã Kdang, tính riêng trong cơn mưa ngày 15/9, trên địa bàn xã có 39 hộ dân có nhà bị ngập nước, đổ tường xây, nhiều vật dụng như máy giặt, tủ lạnh, xe máy bị nước cuốn trôi, hàng trăm gốc cà phê, tiêu, mít, sầu riêng bị lốc gốc; cơn mưa ngày 18/9 đã làm bể 20m mương đất, lúa đang trổ bông bị đất bồi lấp làm mất trắng 1,6ha. Nguyên nhân của tình trạng trên được chính quyền địa phương chỉ ra là do mưa lớn kèm theo đang thi công quốc lộ 19 nên hệ thống thoát nước không thoát nước kịp làm nước, đất đá tràn vào nhà dân.
Đến thời điểm hiện tại, do số lượng bùn đất quá lớn nên nhiều người dân chưa dọn dẹp hết, nhiều nhà vẫn còn ngập bùn đất; nhiều diện tích hoa màu, cây trồng bị hư hỏng, ngã đổ… Để hạn chế tình trạng nước chảy vào nhà, người dân đang dùng các bao tải đựng đất, chất thành đống cao trước nhà.
Nguy cơ mất an toàn giao thông
Không chỉ gây ngập, quá trình thi công dự án còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Tháng 5/2022, Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 2-Bộ GTVT (Ban 2) nêu rõ: Công tác bảo đảm ATGT trong quá trình thi công trên đường đang khai thác chưa đảm bảo; nhiều vị trí thi công nền đường đào sâu chưa được bố trí đầy đủ biển báo, cọc tiêu, rào chắn, các phương tiên lưu thông qua vị trí này rất dễ gây tai nạn, ách tắc giao thông.
Đặc biệt, trên các đoạn đang triển khai thi công đơn vị có cắm biển báo hiệu giới hạn tốc độ 40km/h nhưng không có biển báo hết giới hạn tốc độ, gây khó khăn cho việc lưu thông và ức chế cho người điều khiển phương tiện. Từ đó, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mới đây nhất, ngày 16/9, Cục Quản lý đường bộ III-Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Cục III) đã có văn bản gửi Ban 2 và Chi cục Quản lý đường bộ III.4 về đảm bảo ATGT tại dự án. Theo đó, Cục III đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Gia Lai kiểm tra hiện trường dự án và nhận thấy công tác triển khai thi công trên đoạn tuyến còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục.
Cụ thể, về mặt đường phát sinh nhiều vị trí hư hỏng ổ gà, bong tróc trên mặt đường hiện hữu nhưng không được vá sửa để đảm bảo giao thông, tập trung tại các gói thầu XL-03, gói thầu XL-4A và gói thầu XL-06. Một số đoạn thi công cạp mở rộng nền đường sang hai bên thiếu cọc tiêu dẫn hướng, dây phản quang, rào chắn không đầy đủ, ngã đổ, biển báo đặt không đúng nơi quy định và không có người điều tiết giao thông. Ngoài ra, công tác thi công đào khuôn đường đã lâu nhưng không hoàn trả kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và gây bức xúc dư luận (người dân đang sử dụng tấm ván lát tạm để đi qua khuôn nền đào). Tại các đoạn thi công 1/2 mặt đường (đầu cầu Tân Lạc Km199+791): Thiếu biển báo, cọc tiêu, dây phản quang, không có người điều tiết giao thông nên nguy cơ mất ATGT rất cao, gây ùn tắc giao thông. Các cầu tạm Bailey đảm bảo giao thông để thi công cầu chính (Thầu Dầu Km87+390; Tà Ly Km83+849; Vàng Km144+400): Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, cầu tạm có bề rộng xe chạy 4m, lưu thông 1 làn xe. Sau khi đưa vào khai thác thường xảy ra ùn tắc giao thông nhưng không có người trực điều tiết, phân luồng. Móng mố cầu tạm bằng rọ đá có nguy cơ xảy ra xói lở, mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Hiện tại đường dẫn 2 đầu cầu tạm bị sình lầy, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và phương tiện.
Cũng theo Cục III, các tồn tại trên đã được đơn vị đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần bằng văn bản và đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo của Ban 2 đối với các nhà thầu vẫn không đạt yêu cầu, nguy cơ mất ATGT, ùn tắc giao thông trên tuyến.
Cục III khẳng định: Ban 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông mà nguyên nhân do việc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án. Trường hợp Ban 2 không quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công sửa chữa, khắc phục các tồn tại, Cục III sẽ thu hồi giấy phép thi công đã cấp, đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét trách nhiệm đối với Ban 2.