Lô cốt công trình đang làm gia tăng ùn tắc ở Thủ đô

Người dân vẫn phải sống chung với… ùn tắc (bài cuối)

Thứ Bảy, 12/11/2022, 06:08

Thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho thấy, riêng trên địa bàn Hà Nội đơn vị quản lý khoảng 8 triệu phương tiện giao thông. Cuối năm, phương tiện giao thông từ các tỉnh khác lưu thông về hoặc qua Hà Nội gia tăng thêm từ 2-2,5 lần so với ngày thường.

Điều này cho thấy áp lực gia tăng ùn tắc giao thông là hiện hữu. Vậy lý do gì mà đơn vị cấp phép thi công không nhìn thấy điều này, vẫn để các lô cốt “mọc lên” vào những thời điểm giao thông diễn biễn phức tạp?

5-1.jpg -0
Lô cốt trên đường Vũ Trọng Khánh (Hà Đông).

"Là công trình trọng điểm nên bắt buộc phải rào đường thi công?!"

Tại báo cáo vào tháng 8/2022, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm đó đơn vị này đã xử lý được 3/35 điểm ùn tắc trên địa bàn TP. Cụ thể, các điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Thường Tín trên quốc lộ 1; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh. Cơ quan này cũng đang tập trung xử lý các điểm ùn tắc gồm: Ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Bạch Mai - Trương Định; Đại La - Trần Đại Nghĩa, Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng... Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Phòng CSGT - Công an thành phố theo dõi tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì và tuyến đường Vành đai 3 trên cao để đánh giá và có các phương án đảm bảo ATGT tránh gây ùn tắc giao thông.

Sở này cũng cho biết thêm, đối với công tác tổ chức giao thông phục vụ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư tổ chức giao thông đảm bảo tiến độ của dự án phù hợp với tình hình giao thông thực tế để giảm nguy cơ ùn tắc giao thông tại các dự án như: đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - ngã tư Vọng; đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; dự án hầm chui Lê Văn Lương, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2... Kế hoạch là vậy, nhưng thực tế việc ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển do lô cốt dựng lên để thi công gây ra ùn tắc đã phần nào nói lên việc thiếu chuẩn bị các phương án dự báo của đơn vị cấp phép thi công.

Về vấn đề này, ông Trần Hữu Bảo - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay: Việc quây tôn rào chắn trên đường Nguyễn Xiển là để thi công hạng mục nằm trong Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp làm chủ đầu tư. "Đây là công trình trọng điểm của thành phố nên đơn vị bắt buộc phải rào đường thi công, không có cách nào khác", ông Bảo nói. Vị này cũng nhấn mạnh rằng, Sở GTVT Hà Nội đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên ngành đưa ra các giải pháp khắc phục, giảm bớt ùn tắc hơn trong những ngày tới đây.

Cùng với việc đề nghị chủ đầu tư dự án đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ dự án, huy động thêm công nhân làm việc… cơ quan này đang nghiên cứu một số giải pháp khác nhằm giảm bớt ùn tắc giao thông trên tuyến đường như: Quây rào di động khu vực thi công thay vì rào cứng như hiện nay. Việc thi công dự án cũng chỉ triển khai sau giờ cao điểm. Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ đề nghị CSGT phối hợp phân luồng. Theo đó, xe tải, xe khách, xe hợp đồng… sẽ đi làn trên cao sau đó quay đầu tại khu vực nhánh xuống (tránh các đoạn đang rào chắn thi công).

Ngày 9/11, trao đổi nhanh với phóng viên, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho hay, thực tế việc cấp phép rào chắn thi công trên các tuyến đường là từ phía Sở GTVT Hà Nội. Khi khu vực này xảy ra ùn tắc, lực lượng CSGT đã đề xuất phối hợp với các cơ quan như thanh tra giao thông và lực lượng khác của Sở GTVT rà soát, kiểm tra tại khu vực thi công để đưa ra giải pháp, phương án xử lý. Đồng thời, yêu cầu đội địa bàn bố trí cán bộ chiến sĩ thường xuyên túc trực để phân luồng, hướng dẫn người dân lưu thông, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc kéo dài.

Ai sẽ bồi thường cho người dân vì thiệt hại do ùn tắc gây ra?

Chuyên gia giao thông Nguyễn Thị Thu Thủy nhìn nhận, đã có những quy định yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chấp hành, không thể viện cớ khó khăn để làm ùn tắc, mất ATGT. Lô cốt bủa vây đường phố thì từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng… người dân phải chịu cảnh lưu thông trong khó khăn, chật vật. Ai sẽ bồi thường cho người dân vì thiệt hại do ùn tắc gây ra? Đơn vị cấp phép hoàn toàn có thể thu hồi giấy phép nếu nhà thầu không khẩn trương khắc phục. Để tình trạng này xảy ra chủ đầu tư dự án cũng là đơn vị phải chịu trách nhiệm trước thành phố Hà Nội.

Trong gần 20 năm qua, ngành giao thông Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án thí điểm nhằm giảm ùn tắc. Đó là tách làn, nhập làn, rồi lại tách làn trên các tuyến đường hay bịt ngã tư, không cho phương tiện giao cắt đồng mức rồi lại thông ngã tư. Thậm chí là hạn chế đăng ký xe máy trong 4 quận nội thành, rồi lại cho đăng ký. Mới đây nhất là lộ trình cấm xe máy vào năm 2030 nhưng chưa trả lời được người dân phương tiện thay thế là gì; là đề án thu phí vào nội đô nhưng không vì mục tiêu kinh tế, cũng chưa chắc chắn về mục tiêu giảm ùn tắc.

Qua nhiều cố gắng như vậy nhưng công cuộc chống ùn tắc vẫn có vẻ đang loay hoay. Dư luận có quyền nghi ngờ vào năng lực ngành giao thông Hà Nội, năng lực những nhà tổ chức, quản lý việc đi lại của thành phố có 8 triệu dân, 1 triệu ô tô và gần 7 triệu xe máy. Có một điều dễ nhận thấy, đó là bài toán giảm ùn tắc giao thông đang manh mún, thời vụ, cục bộ, thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các sở, ngành. Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động giao thông khi cấp phép công trình xây dựng đang bị xem nhẹ…

Theo chúng tôi giảm ùn tắc giao thông nên được xem là một tiêu chí để đánh giá chất lượng nhiệm kỳ của lãnh đạo thành phố cũng như sở, ban, ngành có liên quan. Hy vọng hiện trạng ùn tắc, quá tải hạ tầng gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội sẽ được cải thiện.

Đặng Nhật
.
.
.