Người dân và chính quyền đều khổ vì dự án… “treo” [Kỳ 1]
Tại một số tỉnh, thành miền Trung, những năm qua có nhiều dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực được triển khai rầm rộ trên diện tích khá rộng lớn có vị trí đắc địa. Song, bên cạnh các dự án hoàn thành đúng tiến độ, góp phần tích cực vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có không ít dự án chây ì, cù cưa kéo dài hàng chục năm trời. Thực tế các dự án “làm hoài không xong” đã phát sinh nhiều hệ lụy đáng lo ngại, không phải chỉ là chuyện lãng phí đất đai, gây ô nhiễm môi trường,… mà nhiều người dân bỗng trở thành nạn nhân nhất là cuộc sống của bà con bị xáo trộn; tình hình ANTT tại địa phương cũng bị ảnh hưởng tiêu cực,… Chính quyền và ngành chức năng thật sự “đau đầu” khi tìm, thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Dài cổ chờ đợi vì… sân golf “đắp chiếu”
Một ngày đầu tháng 7/2024, PV Báo CAND về xã Vĩnh Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) – nơi có dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô. Rất hợp lý khi từ đầu năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án này bởi đó thuộc vị trí đắc địa, trung tâm của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Thông tin mà chúng tôi có được trước chuyến công tác, đó là dự án có tổng vốn đăng ký 5.230 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 292ha; được khởi công vào năm 2008 với các hạng mục: khu resort ven biển, phố ẩm thực hải sản và công viên, quảng trường...
Thực tế sau nhiều năm khởi động và sau nhiều lần điều chỉnh từ phía chủ đầu tư, đến nay dự án vẫn tiếp tục “đắp chiếu” và trước mắt chúng tôi là một khu vực đất bỏ hoang. Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh Lê Công Minh cho biết, để bàn giao mặt bằng cho dự án này, hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Hải nằm trong diện di dời. Tuy nhiên, hơn 16 năm nay, nhiều hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa được bồi thường để di dời đến nơi ở mới.
Là một trong số hộ dân phải nhường đất cho dự án, anh Hồ Trọng Thắng xót xa cho biết, nhiều năm qua, gia đình anh cũng như nhiều hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án mong muốn chính quyền sớm làm việc với nhà đầu tư về việc dự án có tiếp tục triển khai hay không? “Nếu triển khai thì lúc nào triển khai, nếu không thì chính quyền nên thu hồi dự án hay thế nào đó, cần công bố cho người dân biết để còn ổn định cuộc sống. Chứ cứ kéo dài năm này qua năm khác khiến người dân chúng tôi trong vùng dự án luôn sống trong cảnh thấp thỏm khổ sở, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng vẫn không được xây dựng nên luôn đối mặt với hiểm nguy mỗi khi mùa mưa bão về”, ông Thắng nói.
Theo ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc, liên quan đến dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô, có khoảng 250 hộ dân bị ảnh hưởng (bao gồm đất đai, nhà ở, lăng mộ).Tổng số hộ bố trí tái định cư khoảng 160 hộ; tổng số lăng, mộ di dời khoảng 876 cái. Điều đáng nói, để cấp đất cho dự án, đã có 64ha rừng dẻ phòng hộ ở ven biển thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) cũng được được điều chỉnh quy hoạch từ rừng phòng hộ thành rừng sản xuất từ gần chục năm trước. Dự án được cấp thẩm quyền quan tâm như thế nhưng theo Trưởng thôn Phú Hải Phan Văn Nam, đến nay vẫn không thấy triển khai gì ngoài việc bồi thường cho một số hộ dân, chủ yếu là di dời các lăng mộ…
Nhiều người mất sinh kế
Hôm đến thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), chúng tôi được nghe người dân kể hàng chục năm về trước, khu vực Suối Voi vẫn còn là núi rừng rậm rạp, hoang sơ, bà con đã tự bỏ tiền ra để mở đường, dựng quán xá để phục vụ nhu cầu người dân khắp nơi đến tắm suối. Chẳng bao lâu sau, Suối Voi trở nên nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, kể khách quốc tế. Cũng từ đó, số hộ đến đây kinh doanh cũng tăng lên theo thời gian.
“Lúc đó, các hộ kinh doanh, bán buôn ở Suối Voi gia nhập hợp tác xã và việc kinh doanh hoạt động được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền địa phương. Bà con đóng các loại thuế, phí đầy đủ cho chính quyền. Việc kinh doanh, bán hàng ăn (chủ yếu là các món ăn đặc sản của vùng quê), nước giải khát với giá bình dân tại Suối Voi trở thành nghề chính của nhiều hộ dân và nuôi sống hàng trăm con người”, ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến nhớ lại và cho biết.
Ông Trần Tuất, Trưởng thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến kể thêm, từ năm 2000 đến năm 2017, du khách đến Suối Voi rất đông. “Tuy chỉ kinh doanh trong vài tháng mùa hè, sau khi trừ tất cả chi phí, hàng quán nào thấp nhất cũng lãi khoảng 100 triệu đồng, còn quán đông khách lãi từ 200-300 triệu đồng/năm”, ông Tuất nói và giọng tiếc rẻ cho biết, kể từ khi có dự án “ăn theo” Suối Voi này, nhiều bà con bỗng mất đi nguồn thu nhập khá ổn định.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, dự án mà bà con đề cập chính là dự án Khu du lịch Suối Voi do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư-Huế (viết tắt là Công ty Hoa Lư-Huế) thực hiện. Tìm hiểu thêm về dự án này, chúng tôi được biết năm 2017, dự án được cấp thẩm quyền tại Thừa Thiên Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Hoa Lư-Huế. Dự án có diện tích 51,79ha, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.020 tỷ đồng. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc cho biết có 108 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này, trong đó có 57 hộ bị ảnh hưởng về đất, 25 hộ kinh doanh chính, 16 hộ kinh doanh phụ, 1 hộ xây dựng nhà quán, 7 hộ kinh doanh nhà nghỉ... Theo kế hoạch, dự án chính thức được khởi công (giai đoạn 1) vào cuối tháng 3/2019 và dự kiến hoạt động vào năm 2021. Tuy nhiên, sau thời gian dài được giao đất, Công ty Hoa Lư-Huế chậm trễ triển khai dự án, trong khi người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này bị đẩy vào cảnh khó khăn do mất sinh kế; không ít người do không có công ăn việc làm đã phải rời quê để đi nơi khác mưu sinh.
Ông Trần Sữu (62 tuổi, trú tại thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến), một hộ dân từng kinh doanh ở Suối Voi cho biết, trước đây gia đình ông bán buôn ở đây, ngoài những người làm trong nhà thì ông còn thuê thêm 6 lao động địa phương với mức nhân công từ 4,5 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng/người. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm hộ ông thu nhập hơn 200 triệu đồng. Thế nhưng, hơn 4 năm nay, từ khi nhường địa điểm kinh doanh cho dự án thì gia đình ông chẳng có công ăn việc làm...
Cảnh quan nhếch nhác, môi trường ô nhiễm
Cũng tại Thừa Thiên Huế, còn nhiều dự án du lịch với mức đầu tư từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng đang “đắp chiếu” nhiều năm nay gây lãng phí tài nguyên, gây xáo trộn đến đời sống của người dân. Điển hình là dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế tọa lạc gần bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) do Công ty CP Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (Vinconstec) làm chủ đầu tư.
Dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, quy mô thực hiện trên diện tích rộng hơn 70ha; tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã gặp một số vướng mắc nên đã có đơn trình Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 1 vào tháng 6/2012. Và sau khi xây xong phần sườn, dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu” từ đó cho đến nay.
Có mặt tại dự án này, PV Báo CAND ghi nhận, các công trình, biệt thự xây thô nằm trơ trọi tựa như những căn nhà trong phim… “ma”; những khung sườn bê tông rêu mốc, hoang tàn, cỏ dại mọc khắp nơi gây nhếch nhác, phản cảm. Nơi đây còn bị “biến” thành bãi rác và là nơi chăn thả gia súc, gia cầm của người dân. Một lãnh đạo xã Phú Thuận cho biết dự án thi công dang dở, bỏ hoang nhiều năm khiến môi trường ô nhiễm. Thời gian qua, chính quyền địa phương, lực lượng đoàn viên, thanh niên xã phải thường xuyên ra quân dọn vệ sinh tại khu vực này.
Lãnh đạo UBND huyện Phú Vang cho biết, việc dự án chậm tiến độ đã khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, qua nhiều lần điều chỉnh dự án thì huyện đã xử phạt hành chính chủ đầu tư do quá trình sử dụng đất không đảm bảo. “Huyện kiến nghị lên cấp trên nhiều lần về dự án này nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiến triển gì. Hiện nay vẫn đang đợi hoàn thiện quy hoạch phân khu Phú Thuận. Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy nhanh thủ tục để dự án được triển khai, đi vào hoạt động, còn nếu không thì chấm dứt hẳn đối với chủ đầu tư này và mời các nhà đầu tư khác có năng lực hơn”, vị lãnh đạo này nói.
Thông tin thêm về dự án này, Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chủ đầu tư đã thực hiện một phần hạ tầng kỹ thuật và triển khai 10 công trình mẫu đang dở dang, chưa tô trát và hoàn thiện. Đến nay, dự án vẫn chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Dự án chậm tiến độ do một số nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chưa quyết liệt trong việc thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch...