Ngăn chặn tội phạm lập dự án “ma” để lừa đảo

Chủ Nhật, 05/03/2023, 06:02

Sáng 3/3/2023, hàng chục người dân mua đất nền tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc, buộc chủ đầu tư bàn giao nền đất. Dự án này ban đầu có tên là Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp, sau được đổi thành Khu nhà ở Suối Giữa, có diện tích khoảng hơn 30ha, nằm trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Người mua chuyển nhượng nền đất thông qua hình thức hợp đồng góp vốn nhưng khi đến hạn thỏa thuận thì không được chủ đầu tư giao đất. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết dự án này chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nên chưa được phép mở bán.

Hiện nay Thanh tra tỉnh Bình Dương đang tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án này nên người dân cần chờ kết luận của Thanh tra để có hướng xử lý tiếp theo. Bình Dương cũng là nơi có số lượng nhiều dự án “ma”, được kẻ gian dựng lên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

du an.jpg -0
Một góc dự án “ma” ở thị xã Bến Cát, Bình Dương.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đã tạo động lực phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại và đã thu hút ngày càng nhiều người ngoài tỉnh (1,3 triệu người) đến làm ăn, sinh sống. Tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo nhu cầu về nhà ở cũng bức thiết đặt ra. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp bất động sản khắp nơi đổ xô về Bình Dương để hoạt động kinh doanh mua bán bất động sản.

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước và sự nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 1.000 dự án khu dân cư (KDC) các loại, trong đó hơn phân nửa là KDC tự phát. Trong giai đoạn từ năm 2013-2020, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố, điều tra 46 vụ (92 đối tượng) lừa đảo liên quan đến đất đai.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: thủ đoạn của tội phạm rất đa dạng, tinh vi như vẽ, in bản vẽ các dự án, sơ đồ phân lô bán nền trên đất của người khác hoặc không có thật. Sau đó quảng cáo trên mạng internet để bán hoặc làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước để huy động vốn trái phép bằng các hình thức thu tiền giữ chỗ, ưu tiên vị trí, đặt cọc, mua nhà ở hình thành trong tương lai. Một số đối tượng lập công ty “ma” thuê người làm chủ đầu tư dự án, tự vẽ ra dự án “ảo” trên đất của người khác hoặc đất đã được quy hoạch công viên, trường học...và rao bán. “Những thửa đất này không đủ điều kiện để cấp giấy CNQSDĐ nên bị hạn chế các quyền về tài sản và các quyền khác về an sinh xã hội, lao động, học tập... dẫn đến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp khiếu kiện tập thể, kéo dài”- Đại tá Trần Văn Chính nhấn mạnh.

Thượng tá Bùi Phạm Hải, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, công tác điều tra các vụ án lừa đảo liên quan đến dự án “ma” thường rất mất thời gian và gặp nhiều khó khăn. Đối tượng lừa đảo lập dự án “ma” ở nhiều địa phương nên cần nhiều thời gian để xác minh. Đặc biệt còn có nhiều trường hợp bị hại còn từ chối khai báo do sợ vụ việc đổ bể sẽ “tiền mất tật mang”, chi bằng im lặng để tìm cách lừa người khác bán lại  rồi “cao chạy xa bay”.

Vụ án Trần Thị Thuý Liễu (SN 1985; ngụ phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) lừa hơn 60 tỷ đồng là một ví dụ điển hình. Liễu là một “cò” đất hoạt động ở khu vực huyện Dầu Tiếng, trong tay chẳng có giấy tờ gì để chứng minh tính hợp pháp của các dự án nhà đất đang rao bán. Nhưng với tài ăn nói, Liễu đã lừa được 20 người đặt cọc mua những 1.347 nền đất tại các dự án trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Sau khi nhận tiền cọc hơn 60 tỷ đồng thì Liễu tắt máy điện thoại, “ôm” tiền bỏ trốn…Tính ra, bình quân mỗi nạn nhân đặt cọc mua của Liễu đến gần 70 nền. Người nhiều tiền như vậy, kinh doanh quy mô lớn như vậy thì khó có thể cho rằng họ thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin?!

Thời gian qua, Công an tỉnh đã tổ chức rà soát, lập hồ sơ đối với các doanh nghiệp môi giới bất động sản trên địa bàn, đặc biệt chú ý các doanh nghiệp núp bóng do các chủ đầu tư hoặc một nhóm người trong gia đình, đồng hương, bạn bè thân thích... lập ra để gây ra thị trường “ảo” đẩy giá đất lên cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các đối tượng là đầu nậu, môi giới bất động sản móc nối với các đối tượng xấu (đối tượng giang hồ, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”...) để kịp thời phát hiện các dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có quy định rõ ràng hơn về khung pháp lý thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai; việc tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của Nhà nước trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...Thông tin càng minh bạch, rõ ràng thì sẽ giảm thiểu được các vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đây là một trong những giải pháp hay cần được các địa phương cấp huyện thông tin chi tiết, rộng rãi hơn đến với người dân để ngăn chặn hiệu quả các dự án “ma”.

Mã Hải
.
.
.