Nan giải xử lý rác thải trên cao nguyên Langbiang

Thứ Năm, 02/06/2022, 08:05

Là địa phương tiếp giáp với TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như Langbiang, Làng Cù Lần, Đà Lạt Tiên Cảnh, Quỷ Núi Suối Ma… Những đồi thông thoai thoải, các tuyến đường uốn lượn xuyên rừng đã trở thành điểm dã ngoại hấp dẫn khách du lịch.

Cùng với sự phát triển của địa phương, huyện Lạc Dương đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, du lịch và nông nghiệp.

Thực tế, lượng chất thải trên vùng đất Langbiang liên tục tăng mạnh theo từng năm, nhất là chất thải do hoạt động của khách du lịch, sinh hoạt. Dọc tuyến quốc lộ 27C, nối liền phố biển Nha Trang với phố núi Đà Lạt và các quả đồi thông tại xã Đạ Sar, Đa Nhim, xã Lát, thị trấn Lạc Dương… tình trạng khách du lịch dừng chân nghỉ ngơi, hoặc tổ chức cắm trại qua đêm rồi bỏ lại chất thải tại chỗ ngày càng nhiều.

Do địa bàn quá lớn, phân tán, lại không đủ lực lượng và phương tiện để kịp thời thu gom, chuyển đi xử lý, khi gặp trời mưa, các loại chất thải này thường theo dòng nước đổ dồn về những khu vực trũng, thấp, chảy ra ao hồ, trong đó có hồ Suối Vàng, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính cho TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương.

racthai_2-1654131975695.jpg
Rác thải tại khu vực giáp ranh giữa huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) và huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).

Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Lạc Dương thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Lạc Dương tiến hành ra quân thu gom, vận chuyển rác thải đi tiêu hủy. Cùng với đó, các cấp chính quyền huyện Lạc Dương cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, du khách bỏ chất thải đúng nơi quy định để lực lượng chức năng thu gom, tránh tình trạng chất thải ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường.

Bà Trịnh Thị Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Lạc Dương cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn là lực lượng, phương tiện vận chuyển chất thải còn rất hạn chế trong khi địa bàn thu gom rác trải dài 5/6 xã, thị trấn của huyện Lạc Dương. Không chỉ chất thải liên quan tới hoạt động du lịch, các khu dân cư trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đông đúc hơn nên lượng chất thải sinh hoạt phải thu gom đang tăng mạnh theo từng năm.

Bên cạnh đó, với đặc thù là vùng sản xuất nông nghiệp lớn bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương đang phải đối mặt với các loại chất thải độc hại liên quan tới vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nếu không được thu gom, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và cuộc sống lành mạnh của người dân, du khách.

Hiện nay, toàn địa bàn huyện Lạc Dương chỉ có 10 công nhân thuộc bộ phận thu gom rác, trong đó mất 2 lái xe, 3 công nhân quét rác và 5 công nhân đi thu gom rác theo xe. "Các anh chị em trong bộ phận thu gom rác đang phải cố gắng làm việc để đảm bảo thu gom, xử lý hết số chất thải hằng ngày ở các khu dân cư. Có những anh chị thậm chí ốm đau nhưng vẫn phải gồng mình làm việc để đảm bảo lượng rác thải không bị tồn đọng!..", bà Thái cho biết. Một khó khăn khác đó là trên địa bàn huyện Lạc Dương đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý hoặc lò đốt rác thải. Những năm qua, toàn bộ chất thải sinh hoạt của huyện Lạc Dương đều phải chuyển tới Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt tại xã Xuân Trường.

Điểm thu gom rác xa nhất của huyện Lạc Dương là đỉnh Hòn Giao, nơi tiếp giáp với huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa trên quốc lộ 27C. Từ đây, rác được chở vượt hơn 70km về TP Đà Lạt để đốt. Điểm thu gom rác gần nhất là thị trấn Lạc Dương cũng cách Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt tới 30km. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động thu gom và giá thành để xử lý rác thải nông thôn của huyện Lạc Dương.

Theo bà Trịnh Thị Thái, mong muốn lớn nhất lúc này là huyện Lạc Dương được đầu tư xây dựng lò đốt rác để đơn vị chủ động nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý kịp thời các loại rác thải, không để chất thải của người dân, du khách bị tồn đọng, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan. Trước nhu cầu cấp bách trên, đầu tháng 5/2022, UBND huyện Lạc Dương đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar trên diện tích 2,2ha, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng và vận hành. Lò đốt rác có công suất thiết kế xử lý 50 tấn rác/ngày với kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng.

"Nếu lò đốt rác được triển khai, khi đi vào hoạt động sẽ nâng cao hiệu quả, công suất thu gom, xử lý rác thải, giảm được chi phí vận chuyển xa như hiện nay!..", bà Trịnh Thị Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Lạc Dương, đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải cho biết.

Khắc Lịch
.
.
.