Mua nhà ở cả chục năm vẫn chưa được sở hữu hợp pháp
Dự án nhà ở biệt thự Thanh Toàn, tại xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng) được xem là một trong những dự án nhà ở cao cấp, hiện đại bậc nhất ở TP Hải Phòng thời điểm cách đây gần 20 năm trước. Thế nhưng người dân mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) và tài sản gắn liền trên đất.
Người mua nhà chờ “dài cổ”
Dự án khu nhà ở biệt thự Thanh Toàn bán theo cơ chế kinh doanh, được UBND TP Hải Phòng phê duyệt từ năm 2003, do Công ty TNHH Thanh Toàn làm chủ đầu tư, tổng diện tích hơn 7,5 ha. Theo thuyết minh của chủ đầu tư, đây là dự án nhà ở cao cấp, hiện đại nên chỉ có 50% trong tổng số diện tích trên là xây dựng biệt thự, còn lại xây dựng trường học, bệnh viện, công viên, cây xanh và hạ tầng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung khác…
Từ dự án nhà ở bao gồm 82 căn biệt thự, đến nay dự án nhà ở Thanh Toàn chỉ có vài chục căn biệt thự, còn lại gần 200 căn nhà ống. Tiếp đến năm 2013, chủ đầu tư định bán nốt gần 2 nghìn m2 đất quy hoạch công viên, cây xanh của dự án nhưng vướng phải sự phản đối, khiếu kiện của các hộ dân. Cơ quan chức năng vào cuộc, phần đất công viên, cây xanh được giữ lại nhưng chủ đầu tư bỏ không cho cỏ dại mọc. Sau này các hộ dân phải tự bỏ tiền làm vỉa hè, trồng hoa trên một phần khu đất làm công viên.
Người mua nhà của dự án, có người xây dựng nhà ở đến nay đã hơn 10 năm, thậm chí 15 năm nhưng chưa ai được giấy CNQSDĐ và tài sản gắn liền trên đất (sổ hồng). Một người dân ở đây là ông Trần Đức Hà cho biết, từ năm 2007, gia đình ông ký hợp đồng mua hai lô đất biệt thự BT53A, diện tích mỗi lô hơn 131m2. Đây vốn là lô biệt thự hơn 262m2, được chủ đầu tư dự án tách ra làm đôi, bán cho ông Hà cùng một người nữa, mỗi người một nửa. Theo hợp đồng, sau khi mua bán đất, giữa chủ đầu tư và người mua sẽ thống nhất về mẫu nhà, thiết kế, tiến độ xây dựng (giai đoạn 2). Nhưng thực tế, chủ đầu chỉ bán nền, việc xây nhà do các hộ dân tự triển khai, không có mẫu thống nhất. Sau đó, ông Hà và người mua chung đã xây dựng 2 căn nhà liền kề từ năm 2008, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Cũng như ông Hà, khoảng 200 hộ dân khác cùng mua đất tại dự án và xây nhà từ vài năm đến hơn 10 năm nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Chủ đầu tư và cơ quan quản lý đổ lỗi cho nhau
Ngày 24/12/2021, trong văn bản trả lời Văn phòng Thường trú miền duyên hải, Báo CAND tại Hải Phòng, Sở TN-MT Hải Phòng nêu: Dự án khu nhà ở biệt thự bán theo cơ chế kinh doanh, do Công ty TNHH Thanh Toàn làm chủ đầu tư chưa đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà vì chủ đầu tư chưa nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách và phá vỡ quy hoạch.
Cụ thể, theo quyết định của UBND TP Hải Phòng từ năm 2003, dự án tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 19,88 tỷ đồng, nhưng Công ty TNHH Thanh Toàn mới nộp hơn 17,67 tỷ đồng vào ngân sách. Công ty TNHH Thanh Toàn đã xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, tự ý chia nhỏ các lô đất để bán không đúng theo quy hoạch được duyệt. Vì các nguyên nhân này mà Công ty TNHH Thanh Toàn chưa được cấp giấy CNQSDĐ nên chưa đủ cơ sở cấp sổ hồng cho các hộ dân mua nhà đất của dự án.
Cũng theo Sở TN-MT Hải Phòng, để có cơ sở cấp sổ hồng cho người mua nhà đất của dự án, Công ty TNHH Thanh Toàn cần thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa DN này cần phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện An Dương thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, quy hoạch xây dựng và đất đai theo đúng quy định. Sau khi hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án, Sở TN-MT sẽ phối hợp với cơ quan đơn vị liên quan hướng dẫn DN này hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP điều chỉnh lại quyết định giao đất, hoàn thiện hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Thanh Toàn. Trên cơ sở giấy chứng nhận cấp cho DN, UBND huyện An Dương mới có thể cấp sổ hồng cho các hộ dân mua nhà đất của dự án.
Trong khi đó, ngày 5/1/2022, làm việc với phóng viên, bà Lưu Thị Yến Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Toàn lại cho rằng, do dự án không GPMB đủ diện tích, mà thực tế ở đây là mới chỉ giải phóng được hơn 71 nghìn m2, trong tổng số hơn 75 nghìn m2. Theo đó số tiền mà Công ty TNHH Thanh Toàn đã nộp tiền sử dụng đất đã đủ cho phần GPMB. “Tính ra thì số tiền chúng tôi nộp vẫn còn nhiều hơn so với diện tích đã thu hồi” – bà Thanh nói.
“Dự án trên đã được cơ quan chức năng của TP Hải Phòng tiến hành thanh tra đến 2 lần. Nếu chủ đầu tư vi phạm thì tại sao cơ quan Thanh tra không chỉ ra và yêu cầu khắc phục, thậm chí có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan Công an để điều tra xử lý” - bà Lưu Thị Yến Thanh cho biết thêm và khẳng định rằng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và dự án đã được cơ quan thẩm quyền đồng ý điều chỉnh quy hoạch. Vậy nên mọi vướng mắc đến thời điểm này là do cơ quan chức năng của TP Hải Phòng chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục nên chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng cho dân.
Sự việc đã kéo dài đến hơn 10 năm nay, giữa cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và chủ đầu tư vẫn cứ đổ lỗi cho nhau, trong khi người dân thì đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn không được sở hữu hợp pháp tài sản của mình. Thiết nghĩ, UBND TP Hải Phòng cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nghiêm sai phạm nếu có, sau đó hướng dẫn DN và người dân hoàn thiện các thủ tục cần để đảm bảo quyền lợi chính đáng.