Lợi dụng được cấp vật liệu cho cao tốc Bắc – Nam để làm trái quy định

Thứ Ba, 06/08/2024, 08:01

Doanh nghiệp không đủ năng lực nhưng vẫn trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản rồi chuyển nhượng lại dự án; được cấp phép khai thác làm vật liệu thi công cao tốc nhưng phớt lờ việc hoàn thiện các quy định, ngang nhiên khai thác, sử dụng hàng nghìn mét khối đất trước sự làm ngơ của chính quyền địa phương... là những bất cập, tồn tại đang xảy ra tại các mỏ vật liệu san lấp dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh.

Nghịch lý chưa được thuê đất đã ồ ạt khai thác mỏ

Ngày 10/4/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 920/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung mỏ đất san lấp tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để phục vụ thi công Gói thầu 11-XL, Dự án thành phần cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng.

Cùng ngày, tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp có các quyết định phê duyệt khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường cũng như tạm phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp xã Cẩm Quan cho doanh nghiệp thực hiện việc khai thác là Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (trụ sở tại thị trấn Cẩm Xuyên), mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 49.020 đồng/m3. Với trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 801.974m3, doanh nghiệp này phải nộp số tiền 1 lần tương đương 1,08 tỷ đồng; số tiền cải tạo, phục hồi môi trường được xác định là hơn 950,5 triệu đồng.

Lợi dụng được cấp vật liệu cho cao tốc Bắc – Nam để làm trái quy định -0
Mỏ đất Động Mòi chưa bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2024; chưa được thuê đất nhưng doanh nghiệp đã ngang nhiên khai thác.

Tiếp đó, ngày 16/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có tờ trình số 345 gửi Hội đồng nhân dân tỉnh về việc xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang khai thác đất san lấp tại mỏ đất xã Cẩm Quan. Ngày 18/7, tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII, việc chuyển đổi này mới được thông qua. Mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục quy định nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy đã huy động hàng trăm lượt phương tiện, máy móc ngang nghiên tiến hành khai thác với trữ lượng lên đến hàng trăm m3 đất để phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam. Việc khai thác này diễn ra ngay phía sau UBND xã Cẩm Quan và cách Quốc lộ 1A khoảng 3km, từ vị trí của trụ sở UBND huyện Cẩm Xuyên cũng dễ dàng quan sát được hoạt động khai thác mỏ diễn ra hằng ngày.

Tương tự, mỏ đất làm vật liệu san lấp núi Động Mòi tại xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên để phục vụ thi công xây dựng đoạn K514+300 – Km544+300 dự án thành phần Hàm Nghi – Vũng Áng được UBND tỉnh Hà Tĩnh xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường tại Bản xác nhận số 1066/XN-UBND ngày 12/5/2023.

Mỏ đất này chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, chưa được giao đất nhưng từ năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã tiến hành khai thác, với trữ lượng lên đến hàng nghìn m3 đất đã được đào để phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam. Đến ngày 5/3/2024, huyện Cẩm Xuyên mới ban hành quyết định lập đoàn thanh tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đối với các mỏ vật liệu phục vụ cao tốc trên địa bàn, qua đó mới có công văn đề nghị các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đất đai đối với hai mỏ đất tại núi Động Mòi và mỏ đất Cẩm Quan.

Liên quan đến các mỏ đất này, ngày 31/5/2024, UBND huyện Cẩm Xuyên có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vào ngày 25/4/2024, huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành kiểm tra thực địa và hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cho thuê đất theo đúng quy định. Qua kiểm tra, mặc dù nhận thấy các khu vực nêu trên chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thuê đất nhưng đã tiến hành khai thác thực địa.

Huyện Cẩm Xuyên đã lập biên bản, yêu cầu BQL Dự án Thăng Long, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy và Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường tạm dừng mọi hoạt động khai thác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Sở TN&MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu khâu nối làm việc với chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương để hoàn thiện các hồ sơ, pháp lý theo quy định của pháp luật.

Tại mỏ đất san lấp Động Mòi ở xã Cẩm Lạc, BQL Dự án Thăng Long đã phối hợp với chính quyền địa phương, làm việc với các hộ dân tháo gỡ vướng mắc về hồ sơ. Ngày 22/5/2024, huyện Cẩm Xuyên mới có công văn về việc đề nghị cho thuê đất để thực hiện khai thác cung cấp vật liệu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Tại mỏ đất san lấp xã Cẩm Quan, đến ngày 25/4/2024, huyện Cẩm Xuyên cũng đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, hỗ trợ tháo gỡ thỏa thuận và chi trả kinh phí bồi thường cho các hộ dân. Đồng thời, hoàn thiện các hồ sơ liên quan, có tờ trình đề nghị bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình thẩm định điều chỉnh quy mô, diện tích và loại đất sử dụng một số công trình, dự án trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Cẩm Xuyên.

Về việc xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp này, theo Công văn số 2089 ngày 31/5/2024 do ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh, thì trước sai phạm của doanh nghiệp, huyện đã lập đoàn kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp ngừng khai thác để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đảm bảo quy định của pháp luật. “Do đây là dự án trọng điểm quốc gia lần đầu tiên thực hiện trên địa bàn nên việc tiến hành xử lý vi phạm hành chính, UBND huyện Cẩm Xuyên xét thấy cần phải soát xét kỹ và xin ý kiến chỉ đạo hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên nên chưa thể thực hiện được”, công văn cho biết.

Cũng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tháng 7/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phê duyệt bổ sung khu vực khai thác vật liệu xây dựng thông thường vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh đối với mỏ cát thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ phục vụ thi công Gói thầu số 11-XL, Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng.

Quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, doanh nghiệp thực hiện là Công ty CP Tập đoàn Thành Huy chưa thỏa thuận được phần việc đền bù, thuê đất của người dân nhưng đã đưa máy móc tiến hành bóc phong hóa, khai thác dưới chân đường điện cao thế. Quá trình đó, doanh nghiệp này ngang nhiên mở đường, tự ý đấu nối trái phép vào Quốc lộ 8C tại Km23+670 trái tuyến để vận chuyển vật liệu nên bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Hệ quả là đến nay, dự án này vẫn chưa thể đưa vào khai thác đúng theo lộ trình.

Tham gia đấu giá mỏ đất để bán trao tay

Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi do BQL Dự án Thăng Long lập và được thẩm định ngày 21/4/2022, thì Mỏ đất Thung Bằng tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc được đưa vào là 1 trong 8 mỏ đất quy hoạch làm nguồn cung cấp đất điều phối cho dự án. Mỏ đất này do DNTN Sỹ Hà (trụ sở tại huyện Hương Sơn) trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản vào tháng 1/2021.

Tuy nhiên, sau khi được chấp thuận, doanh nghiệp này đã án binh bất động, không thực hiện các thủ tục để tiến hành khai thác và bằng cách nào đó, đã “đón đầu” cao tốc để thực hiện việc trao tay cho doanh nghiệp khác một cách dễ dàng. Theo đó, đến ngày 2/2/2024, tức là sau 3 năm kể từ ngày trúng đấu giá, doanh nghiệp này mới được phê duyệt giá trị tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, với số tiền phải nộp một lần là hơn 12,7 tỷ đồng. Ngày 7/3, tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 559 cho DNTN Sỹ Hà để khai thác đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi.

Thay vì tiến hành các hoạt động khai thác theo quy định, ngày 9/5/2024, DNTN Sỹ Hà đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản với Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng, nhượng lại toàn bộ mỏ đất này. Trên cơ sở đơn đề nghị của DNTN Sỹ Hà, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có văn bản tham mưu để ngày 26/6/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công văn cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1572, Cho phép Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng thay thế DNTN Sỹ Hà được tiếp tục khai thác đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực mỏ đất san lấp đồi Thung Bằng, khai thác đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Việc tham mưu để chuyển nhượng này, đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng, đã nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, và do DNTN Sỹ Hà không có năng lực nên phải chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc mua bán trao tay này đã dấy lên làn sóng dư luận trong các doanh nghiệp khai thác vật liệu san lấp trên địa bàn, bởi để được tham gia và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Hà Tĩnh hiện nay rất khó khăn, song DNTN Sỹ Hà dễ dàng trúng đấu giá rồi bán trao tay sẽ tạo ra tiền lệ không tốt trong lĩnh vực vốn dĩ nhạy cảm này.

Thiên Thảo
.
.
.