Hàng loạt tài sản công ở Tây Nguyên bị bỏ hoang, vì đâu nên nỗi?

Loay hoay xử lý (bài 2)

Thứ Tư, 04/12/2024, 08:18

Chủ trương sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp được tỉnh Đắk Lắk triển khai từ nhiều năm nay. Việc sắp xếp này không chỉ giúp tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, việc dồn nhiều đơn vị thành một đã dẫn đến tình trạng dôi dư trụ sở, không được sử dụng dẫn đến bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Tháng 7/2019, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc sáp nhập Bệnh viện Đa khoa cấp huyện, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện và Trung tâm Y tế huyện thành một, huyện Lắk đã sáp nhập 3 đơn vị này thành Trung tâm Y tế huyện, trụ sở được đặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Và cũng từ đây, trụ sở của Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chưa được chuyển đổi công năng, bị bỏ hoang thời gian dài dẫn đến hư hỏng, xuống cấp.

Loay hoay xử lý (bài 2) -0
Trụ sở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông được xây dựng hoành tráng nhưng đành bỏ hoang.

Sau khi hợp nhất 3 đơn vị y tế thành một, trụ sở Trung tâm Y tế cũ bị bỏ hoang, không sử dụng đến dẫn đến bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. “Trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19, trụ sở này được sử dụng làm nơi cách ly, điều trị bệnh nhân. Sau khi dịch lắng xuống, trụ sở lại tiếp tục bỏ không, không sử dụng đến”, vị lãnh đạo này thông tin.

Theo ghi nhận của phóng viên, trụ sở Trung tân Y tế huyện Lắk phía ngoài mặt sân cỏ mọc um tùm, rêu xanh bám thành mảng, nhiều cửa chính, cửa sổ của các phòng chuyên môn kính vỡ toang. Phía trong, trần nhà và tường ẩm mốc, nhiều giấy tờ, tài liệu không sử dụng đến và vật dụng nằm ngổn ngang.

Tương tự, tại huyện Cư Kuin, vào tháng 6/2017, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Theo đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cư Kuin hình thành trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện.

Sau sáp nhập, trụ sở Trung tâm Dạy nghề huyện (cũ) chưa được chuyển đổi công năng, không được sử dụng nên xuống cấp trầm trọng. Với diện tích gần 10.000m2, gồm nhiều dãy nhà, hiện hầu hết tài sản trên đất đã bị hư hỏng nặng. Trong đó, một số phòng ốc khi mưa, nước lênh láng khắp sàn, trần và tường nhà bong tróc từng mảng lớn, thanh sắt ở cửa chính, cửa sổ hoen gỉ, mặt sàn trơn trượt do nước mưa và rêu bám…

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 4.646 cơ sở nhà, đất. Trong đó, phương án giữ lại tiếp tục sử dụng gồm 4.534 cơ sở, thu hồi 21 cơ sở, điều chuyển 54 cơ sở và bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 37 cơ sở. Vấn đề giải quyết tình trạng trụ sở dôi dư sau sáp nhập, chuyển địa điểm mới đang là bài toán khó, lúng túng đối với địa phương.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, hiện nay việc xử lý khối tài sản công dôi dư sau sáp nhập gặp rất nhiều khó khăn. Không có người sử dụng, các khối nhà công sản đang xuống cấp nghiêm trọng. Có nhiều nhà công sản, địa phương muốn thực hiện phương án bán tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng đất nhưng cũng không dễ dàng gì vì không ai có nhu cầu mua.

“Việc tổ chức đấu giá các trụ sở dôi dư sau sáp nhập gặp khó do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến người mua không “mặn mà” là do cách định giá để bán đấu giá bao gồm cả diện tích đất và tài sản trên đất. Trên thực tế, người mua chỉ có nhu cầu với phần diện tích đất, còn nhà lại không phù hợp với công năng sử dụng song vẫn phải cấu thành vào giá. Điển hình là trụ sở của Bệnh viện Đa khoa cũ, tài sản được định giá lên đến hàng chục tỷ đồng”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, một khó khăn hiện nay đối với nhiều lô đất bán đấu giá có diện tích tương đối lớn, sau khi đấu giá phải thực hiện dự án thương mại, dịch vụ chứ không thể “xé nhỏ” để phân lô nên mãi vẫn không bán được dù những trụ sở này nằm ở những vị trí đắc địa và có lợi thế về hoạt động thương mại.

“Chẳng hạn như trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Rạp chiếu phim Kim Đồng có diện tích gần 1.000 m2. Do quy mô lớn nên việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu có thể “xé nhỏ” phân lô thì dễ bán hơn, nhưng theo quy định lại buộc phải bán đấu giá cả mặt bằng và tất cả tài sản gắn liền trên đất nên không dễ thực hiện. Ngoài ra, một số nhà, đất vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc liên quan đến các ngành, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất hằng năm nên rất khó có thể xử lý theo quy định...”, ông Thắng nêu.

Trong khi đó, hơn 10 năm qua, công trình Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông vẫn loay hoay với phương án xử lý. Công trình do được xây dựng từ nguồn vốn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam nên mọi quyết định đều do Trung ương Hội. Tuy nhiên, vào năm 2019, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã sáp nhập Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông vào trực thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nên từ đó đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh đành bỏ hoang do đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tại trung tâm đã được điều động, bố trí vào công tác khác.

“Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông do Trung ương Hội LHPN đầu tư trên đất được UBND tỉnh giao. Toàn bộ đất và tài sản trên đất của trung tâm thuộc quản lý của Trung ương Hội LHPN. Để bàn giao được đất và tài sản công, đơn vị quản lý cần lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 67 năm 2021 của Chính phủ. Do đó, Sở Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương Hội LHPN lập phương án báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của trung tâm. Nhưng sau nhiều lần làm việc, việc bàn giao đất và tài sản của Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông vẫn bị vướng bởi cơ chế, chính sách nên chưa thực hiện được khiến công trình vẫn bỏ hoang lãng phí”, vị lãnh đạo này cho hay.

Tương tự, trụ sở của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông cũng đang loay hoay với bài toán xử lý. Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, trước đây khi còn Đề án 1956 (Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020-PV) thì trung tâm được dùng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là hội viên Hội Nông dân. Tuy nhiên, đề án đã thực hiện xong nên hiện nay cũng không có kinh phí để đào tạo nghề tiếp.

“Hằng năm, kinh phí để đào tạo nghề đều được cấp về cho các huyện nhưng không cấp cho Hội Nông dân nên trong nhiều năm nay, đơn vị cũng chưa có kế hoạch mở các lớp đào tạo tại trung tâm dạy nghề này nên trung tâm đành bỏ không, không sử dụng đến”, ông Hồ Gấm nói.

Văn Thành
.
.
.