Lành mạnh hóa thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng (bài cuối)
Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng phát triển tất yếu, vì vậy, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái là một việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Song để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi có các giải pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.
Những rào cản
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, thực phẩm chức năng (TPCN) là mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều nhất và rất nhiều người bị lừa khi mua phải TPCN không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, DN tự công bố chất lượng nộp cho Cục ATTP, tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm nên khi công bố một đằng, sản xuất sản phẩm lại một nẻo. Hiện có hơn 3.000 DN sản xuất, kinh doanh TPCN, lực lượng QLTT phải đi hậu kiểm (hiện chưa có tiền kiểm), trong khi cơ quan này còn quản lý rất nhiều hàng hoá khác.
Ngoài ra, việc giám định, phân biệt thuốc và TPCN giả hay thật rất khó khăn. “Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và TPCN giả trên thị trường”, ông Nguyễn Đức Lê nói.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục QLTT cho rằng, bên cạnh TPCN thì hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT cũng rất nhức nhối, hiện những loại hàng này không bày bán tràn lan như trước đây mà phần lớn được các đối tượng tập kết tại các kho hàng ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, sau đó lợi dụng TMĐT để kinh doanh để lẩn tránh việc quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Ðặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội được tạo ra và đóng lại nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm. Khi lịch sử giao dịch bị xóa, việc khôi phục giao dịch cũng là thách thức với cơ quan quản lý thuế khi có hàng triệu thông tin về giao dịch được truyền tải trong mỗi giây.
Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, thực tiễn còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu về lực lượng, biện pháp và ứng dụng khoa học, công nghệ và quan hệ phối hợp để phát hiện và xử lý các loại vi phạm và tội phạm này. Số vụ việc, vụ án phát hiện hàng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm so với thực tiễn cũng còn hạn chế, đặc biệt là hàng giả, hàng vi phạm SHTT có tỷ lệ phát hiện so với hàng buôn lậu, hàng cấm còn khiêm tốn hơn rất nhiều.
Theo các chuyên gia, quy định đã có, song việc kiểm tra hoạt động TMĐT gặp không ít khó khăn. Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn. Một số người cố tình bán hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng; mức phạt được đánh giá là quá nhẹ so với lợi nhuận thu được...
Ở góc độ DN, ông Đỗ Việt Tùng, Trưởng phòng Đối ngoại của Tập đoàn LEGO tại Việt Nam cho biết, hiện các sản phẩm LEGO bị làm giả, làm nhái trở nên phổ biến. Tính riêng trong quý I/2023, DN đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và tháo gỡ 5.339 đường dẫn sản phẩm xâm phạm SHTT trên 4 sàn TMĐT lớn. Trước thực tế này, ông Đỗ Việt Tùng cho rằng, bản thân các DN phải nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình bằng việc tăng cường giám sát, quản lý hệ thống; theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm, cũng như phản ánh, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Vinapharma-Group cho rằng, các sàn TMÐT, trang mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra và đề ra các quy định để DN kinh doanh hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tuân thủ. Đồng thời, cần tăng cường hình thức giám sát trực tuyến để phát hiện và xử lý các hoạt động trên mạng liên quan đến hàng giả, hàng nhái.
Về phía sàn TMĐT, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, khi TMĐT ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt, việc đảm bảo an toàn khi mua sắm trực tuyến là một trong những mong muốn cơ bản của họ. Do vậy, Shopee nghiêm túc quản lý các loại hàng hóa lưu thông trên sàn, và nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như chính sách đăng bán của sàn. Shopee có các chính sách kiểm soát và quản lý chặt chẽ hoạt động đăng bán trên nền tảng được công bố tại quy định đăng bán sản phẩm. Theo đó, khi đăng bán sản phẩm, người bán có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa của mình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và các chính sách của Shopee.
“Chúng tôi thường xuyên tiến hành các biện pháp sàng lọc chủ động khác nhau để xác định và xử lý các sản phẩm/nhà bán hàng vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm, tùy vào từng mức độ, sẽ tiến hành gỡ bỏ sản phẩm, xử lý từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn đối với người bán, ông Trần Tuấn Anh nói.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống, kiểm tra, xử lý vi phạm trong TMĐT, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục QLTT cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT để tạo lập hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển, ứng dụng và quản lý chặt chẽ hoạt động TMĐT.
Chủ động phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hoá để chào bán hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube...), các đầu mối vận chuyển hàng hoá qua bưu cục, điểm trung chuyển hàng hoá để xác định nguồn cung cấp; rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng TMĐT kinh doanh các nhóm mặt hàng để theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
“Chúng tôi cho rằng muốn quản lý được thì phải nắm được đối tượng. Với cá nhân và pháp nhân kinh doanh online thì Bộ Công Thương đã quy định cụ thể về đăng ký và hoạt động. Tuy nhiên, cần kết nối liên thông dữ liệu liên quan của các bộ, ngành, nắm được từng đối tượng kinh doanh online. Mỗi ngành có chức năng, nhiệm vụ riêng cần thường xuyên trao đổi, nắm bắt sát thực tiễn nhất và phối hợp chặt chẽ hơn trong triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ”, ông Huy nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Nguyễn Quang Huy, việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng trong công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng.
Để giảm thiểu rủi ro trong mua sắm, đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm, như: Nếu giá của sản phẩm quá rẻ so với giá mà nhà sản xuất hàng chính hãng đưa ra thị trường thì cần cân nhắc; yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ thông tin của sản phẩm và xuất hóa đơn, chứng từ cụ thể; nên mua hàng tại các cơ sở bán hàng có uy tín… Trường hợp phát hiện ra mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phải phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng QLTT để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Ông Đỗ Trần Trí, chuyên viên Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và KTS cho biết, đơn vị đã đưa ra giải pháp xác thực hàng chính hãng Qrcode (Truyxuat.gov.vn). Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của giải pháp, việc triển khai và quản lý hệ thống cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và thông suốt, DN và cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tính toàn vẹn và đáng tin cậy của thông tin truy xuất sản phẩm.
Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng nhằm đưa hoạt động kinh doanh trên TMĐT nói chung và mạng xã hội nói riêng về đúng “quỹ đạo” để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam, song để giải quyết hiệu quả và triệt để hàng giả trên TMĐT, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, các cơ quan bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước... cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời, kịp thời đấu tranh phát hiện sớm các hành vi vi phạm liên quan tới các vấn đề gian lận thương mại, trốn thuế… nhằm lành mạnh hoá môi trường TMĐT, bảo vệ chủ quyền an ninh trên không gian mạng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương, đến tháng 4/2023, đơn vị này đã phát hiện 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ trên sàn TMĐT. Để hạn chế tình trạng vi phạm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát, cung cấp, trao đổi giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hoá để chào bán hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, YouTube...), các đầu mối vận chuyển hàng hoá qua bưu cục, điểm trung chuyển hàng hoá, để xác định nguồn cung cấp; rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng TMĐT kinh doanh các nhóm mặt hàng để theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.