Lãnh đạo quận Ninh Kiều nói gì về việc giá thuê mặt bằng tăng gần 20 lần?

Thứ Tư, 29/05/2024, 14:14

Liên quan các vấn đề bất cập trong triển khai khai thác tuyến Phố đi bộ quận Ninh Kiều thuộc Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ, ngày 28/5, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều.

Rà soát lại giá cho thuê mặt bằng ở Phố hàng rong

Ông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, sau khi Báo CAND phản ánh về việc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Me Kong (gọi tắt là Công ty Me Kong) cho thu tiền thuê mặt bằng ở Phố hàng rong ở mức cao, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính rà soát các quy định pháp luật về giá, xem xét lại mức giá cho thuê mặt bằng của Công ty Me Kong đưa ra.

Lãnh đạo quận Ninh Kiều nói gì về việc giá thuê mặt bằng tăng gần 20 lần -0
UBND quận Ninh Kiều cho tiến hành rà soát, kiểm tra lại mức thu giá cho thuê mặt bằng của Công ty Me Kong đối với tiểu thương ở Phố hàng rong.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, trước đây, các hộ bán hàng rong theo dọc tuyến Hai Bà Trưng gây mất ổn định và mỹ quan đô thị. Quận chỉ đạo phường Tân An quy hoạch điểm tạm thời để tiểu thương buôn bán có nơi, có chỗ, ổn định trật tự đô thị. Khi tiểu thương về chợ Hàng Dừa (Phố hàng rong - PV), UBND phường Tân An thu phí hoa chi, mỗi tháng đóng tối đa khoảng 200.000 đồng/lô. Sau này, cho đấu giá thì có mức giá và thời gian thu, đơn vị trúng đấu giá được quyền khai thác.

“Việc đơn vị trúng đấu giá thu tiền cho thuê mặt bằng là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Nhưng vấn đề ở mức thu…”, ông Ánh nói.

Về việc Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ninh Kiều và Công ty Me Kong ký hợp đồng khai thác tài sản đấu giá không đúng về thời gian quy định trong quy chế đấu giá đã ban hành, ông Ánh vẫn khẳng định: “Về thời gian thật ra chậm nhưng vẫn đảm bảo các quy định pháp luật”.

Liên hệ với ông Trần Quốc Thành, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận để nắm thêm nội dung, ông Thành cho biết: “Quy chế đấu giá là mình đưa ra. Nhưng khi người ta (Công ty Me Kong – PV) đi khảo sát thực tế, thì mặt bằng vẫn còn một số tiểu thương đang kinh doanh, người ta đề nghị bàn giao mặt bằng thì mới ký, chứ ký rồi người ta khai thác chỗ nào”.

Qua thông tin của ông Ánh và ông Thành cung cấp, có thể thấy, UBND quận Ninh Kiều chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần và đủ để thực hiện việc đấu giá khai thác quyền khai thác Tuyến phố đi bộ quận Ninh Kiều; chưa thực hiện đúng quy chế đấu giá đã ban hành; chưa thực hiện đúng mục tiêu mà Đề án…

Ông Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều và  ông Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận luôn cho rằng, Công ty Me Kong trúng đấu giá trên 8,7 tỷ đồng là cao, đồng thời việc Công ty Me Kong vận hành phố đi bộ là nhiệm vụ hết sức nặng nề… (?).

Chưa hài hòa giữa các bên liên quan

Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tại Cần Thơ tiếp tục nhận đơn thư trình bày, phản ánh của tiểu thương Chợ đêm Ninh Kiều về việc UBND quận Ninh Kiều đưa chợ đêm là khu vực có sẵn cơ sở hạ tầng, hoạt động kinh doanh ổn định của hàng chục tiểu thương, tổ chức đấu giá mà không thực hiện lấy ý kiến, cũng như chưa hài hòa về quyền, lợi ích liên quan là chưa phù hợp với chủ trương của đề án và với quy định pháp luật.

Các tiểu thương trình bày là đã kinh doanh tại Chợ đêm Ninh Kiều từ năm 2009, lúc chợ mới hình thành và đi vào hoạt động. Nếu nay có thay đổi về phương thức quản lý, kinh doanh hoặc giá thuê mặt bằng thì phải thông báo trước. Thế nhưng, tiểu thương chỉ biết được thông tin khi UBND quận Ninh Kiều đã tổ chức đấu giá thành công. Các tiểu thương ở Chợ đêm Ninh Kiều lo lắng việc thay đổi nhà đầu tư sẽ dẫn đến việc tăng giá thuê mặt bằng giống như ở Phố hàng rong.

Ông Đoàn Minh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chợ đêm Ninh Kiều cho biết, cách nay khoảng 15 năm, TP Cần Thơ mời gọi nhà đầu tư để triển khai mô hình chợ đêm. Sau khi nghiên cứu, Công ty Chợ đêm Ninh Kiều tiên phong thực hiện, đây là chợ đêm đầu tiên của TP Cần Thơ. Năm 2014, khi chợ hoạt động ổn định, Công ty Chợ đêm Ninh Kiều ký hợp đồng khai thác với UBND quận Ninh Kiều, thời hạn hợp đồng 2 năm gia hạn 1 lần. Gần đây nhất là vào tháng 7/2022, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký thông báo về việc tiếp tục gia hạn cho Công ty Chợ đêm Ninh Kiều tiếp tục kinh doanh khai thác cho đến khi có nhà đầu tư mới.

“15 năm qua, công ty chúng tôi đầu tư, gắn bó, chia sẻ với tiểu thương cùng nhau xây dựng nên thương hiệu Chợ đêm Ninh Kiều thì nay UBND quận Ninh Kiều đem chợ đêm đang hoạt động ổn định ghép vào các hạng mục khác để đấu giá quyền khai thác tuyến phố đi bộ Ninh Kiều mà không có bất kỳ thông báo hay trao đổi gì cả”, ông Cường bức xúc.

Lãnh đạo quận Ninh Kiều nói gì về việc giá thuê mặt bằng tăng gần 20 lần -0
Một góc Chợ đêm Ninh Kiều.

Đại diện Công ty TNHH MTV Chợ đêm Ninh Kiều chia sẻ, ngoài tài sản là những hạng mục đã đầu tư thì tài sản lớn nhất là thương hiệu Chợ đêm Ninh Kiều đã được xây dựng, hình thành và phát triển suốt 15 năm qua. Thế nhưng, khi đưa ra đấu giá, UBND quận Ninh Kiều chưa quan tâm, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận cho rằng tài sản là khai thác trên lòng đường, vỉa hè. Đây là tài sản Nhà nước, không phải tài sản của tiểu thương, chỉ có khung sắt, bạt che, không có tài sản... Phóng viên chuyển phản ánh của bà con tiểu thương Chợ đêm Ninh Kiều đến UBND quận Ninh Kiều là đã 4 lần gửi đơn nhưng không nhận được phản hồi, giải quyết từ cơ quan chức năng quận. Ông Ánh cho biết: “Công ty Chợ đêm Ninh Kiều đã hết hạn khai thác tài sản, đã kết thúc vai trò, không có cơ sở để khiếu nại, kiến nghị đối với quyền lợi gì hết”.

Luật sư Huỳnh Thanh Xuân, Công ty Luật TNHH MTV Xuân Huỳnh (tỉnh Bình Dương) cho biết: Hợp đồng thuê mặt bằng có thể là: Nhà phố, nhà hẻm, căn hộ, kiot, khu vực kinh doanh đặc thù,…  được xem là một loại hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472, Bộ luật Dân sự 2015. Liên quan đến hợp đồng thuê tài sản gồm: thời hạn thuê, giá thuê, giao tài sản, quyền và nghĩa vụ các bên, cho thuê lại,… được quy định từ Điều 472 đến Điều 482 Bộ luật Dân sự 2015.

Riêng, đối với thời hạn thuê được quy định tại Điều 474, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: “Thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê.  Trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn thuê và thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì mỗi bên có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia trước một thời gian hợp lý”.

Trần Lĩnh
.
.
.