“Lâm tặc” phá rừng, chủ rừng ở đâu?

Thứ Năm, 19/05/2022, 08:21

Vụ triệt hạ rừng phòng hộ xảy ra ngay tiểu khu 144B, phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến dư luận địa phương bất ngờ, bức xúc, qua đó đặt ra câu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với đơn vị chủ rừng và các cơ quan chức năng.

Hơn 400 cây thông hàng chục năm tuổi, có đường kính từ 20-60cm trên diện tích gần 2ha đã gần như bị cưa trắng, nằm ngổn ngang trên mặt đất. Tất cả vẫn còn tươi, trong đó phần lớn số cây thông bị cưa hạ lá đang xanh, nhựa ứa trắng xóa.

Quan sát bằng mắt thường tại hiện trường có thể nhận thấy, vụ triệt hạ rừng thông này được lâm tặc chia làm nhiều đợt, có tổ chức và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Vị trí rừng bị phá cách cổng Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu khoảng vài cây số, được xem là "vùng lõi", bởi sát khu vực này không có hoạt động sản xuất nông nghiệp, tứ phía đều là rừng thông xanh mướt. Tuy nhiên, nơi đây lại rất gần với địa giới hành chính xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, một điểm "nóng" về phá rừng, san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp từ nhiều năm qua.

pharung.jpg -0
Hiện trường vụ phá gần 2ha rừng ở Đà Lạt.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, những cây thông bị cưa hạ, đầu độc lâu nhất xảy ra cách đây ít nhất cũng khoảng một tháng. Loạt cây thông bị cưa hạ gần đây nhất xảy ra khoảng vài ngày trước khi được lực lượng chức năng phát hiện.

Điều này cho thấy, vụ phá rừng này xảy ra liên tục, trong thời gian dài nhưng đã không được cơ quan chức năng (trực tiếp là Ban Quản lý rừng Lâm Viên và Hạt kiểm lâm Đà Lạt) phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Hậu quả của vụ phá rừng này là đặc biệt nghiêm trọng khi diện tích rừng bị triệt hạ lên tới gần 2ha, với hơn 400 cây thông nằm la liệt, ngổn ngang trên mặt đất.

Đây là vụ phá rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng được phát hiện trong những năm qua. Điều khiến dư luận bất ngờ là nó lại xảy ra ngay TP Đà Lạt, nơi mà lâu nay nhiều người vẫn cho rằng công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn so với các địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng.

Trước những "làn sóng sốt đất" liên tục được doanh nghiệp bất động sản tạo ra, giá trị đất cũng tăng cao, từ nhiều năm qua số phận những cánh rừng ở Lâm Đồng, trong đó có rừng thông TP Đà Lạt đang bị đe dọa dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất là phá rừng dưới dạng "gặm nhấm", lấn chiếm từ từ bằng việc đổ hóa chất đầu độc thông, lâu lâu cưa hạ một vài cây...

Hình thức phá rừng này tưởng chừng "không nguy hiểm" vì diện tích rừng bị phá nhỏ, lâm sản của mỗi vụ thiệt hại ít. Tuy nhiên, kiểu phá rừng trên lại xảy ra phổ biến, liên tục và kéo dài ở nhiều địa phương có rừng của TP Đà Lạt. Hậu quả dễ dàng nhận thấy là rừng thông ngày càng xa dần thành phố. Điều đó càng khiến cho nỗ lực xây dựng Đà Lạt trở thành một kiểu thành phố điển hình có lối kiến trúc "rừng trong thành phố, thành phố trong rừng" của UBND tỉnh Lâm Đồng trở nên xa vời.

Trở lại với vụ phá gần 2ha rừng phòng hộ tại tiểu khu 144B, phường 8, TP Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho giải thích với báo chí: Vị trí rừng bị phá không có đường đi, địa hình trắc trở, đây là khu vực lâu nay không được xem là điểm "nóng" về phá rừng nên khi phát hiện lãnh đạo UBND thành phố rất bất ngờ.

Tuy nhiên, thực tế thì vị trí rừng bị phá có địa hình là đồi đất, độ dốc thoai thoải và có thể di chuyển tới vị trí này từ bất cứ hướng nào bằng xe máy. Xe ôtô loại 2 cầu vẫn dễ dàng vào tới hiện trường. Như vậy, đây không phải là địa hình hiểm trở, khó đi đến mức cả tháng nhân viên quản lý, bảo vệ rừng không thể đặt chân tới. Do đó, để rừng bị phá trên quy mô lớn, trong thời gian dài không thể không nói tới trách nhiệm của cơ quan quản lý mà trực tiếp là Ban Quản lý rừng Lâm Viên và Hạt kiểm lâm TP Đà Lạt.     

Ngày 18/5, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng tiếp tục khám nghiệm hiện trường, thống kê thiệt hại của vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND TP Đà Lạt… khẩn trương phối hợp, điều tra, truy xét các đối tượng đã gây ra vụ phá rừng trên. 

Khắc Lịch
.
.
.