Làm rõ trách nhiệm sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh

Thứ Bảy, 23/03/2024, 07:51

Là cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch bài bản với mục đích để di dời các cơ sơ sản xuất gốm sứ ra khỏi khu dân cư nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp duy trì, phát huy ngành gốm sứ Biên Hòa vốn đã nổi tiếng cả trăm năm nay. Thế nhưng đến khi tổ chức thực hiện đã phát sinh hàng loạt sai phạm cần phải được làm rõ trách nhiệm.

CCN gốm sứ Tân Hạnh ở phường Tân Hạnh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư từ năm 2009 để di dời các cơ sở sản xuất gốm trong khu dân cư và phát huy giá trị, truyền thống gốm Biên Hòa- Đồng Nai. CCN được xây dựng trên diện tích hơn 32ha với vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 225 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, TP Biên Hòa đã phải di dời giải tỏa hàng chục hộ dân, thậm chí phải cưỡng chế bắt buộc đối với nhiều hộ dân chây ì trong việc bàn giao mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất. Đến năm 2014, một số doanh nghiệp bắt đầu vào xây dựng nhà xưởng di dời cơ sở từ trong các khu dân cư vào CCN này để sản xuất kinh doanh.

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất tại CCN này đã bất ngờ nhận quyết định xử phạt số tiền từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng của do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành về hành vi xây dựng không phép; chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị để thực hiện dự án trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; vi phạm về an toàn PCCC.

Làm rõ trách nhiệm sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh -0
Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.

Ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ cho biết, đã nhận quyết định xử phạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng về hành vi chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và xây dựng sai phép của UBND tỉnh Đồng Nai. Trong quyết định xử phạt có kèm theo nội dung khắc phục hậu quả bằng việc buộc tháo dỡ công trình xây dựng sai phạm. Theo ông Sơn, công ty của ông là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chủ trương kêu gọi của tỉnh Đồng Nai vào CCN gốm sứ Tân Hạnh từ năm 2016 để sản xuất dòng gốm đất trắng với các sản phẩm trang trí để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp sản xuất ổn định, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 thợ gốm. Hiện, công ty đã có 2 nhà xưởng với diện tích hơn 8.000m2 được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận xây dựng và được UBND TP Biên Hòa cấp giấy phép xây dựng. “Vừa bị xử phạt số tiền lớn như vậy, lại còn vừa phải bị buộc tháo dỡ công trình thì xem như công ty của tôi cũng bị khai tử”, ông Sơn than thở.

Doanh nghiệp tư nhân Thành Công trong CCN này cũng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 700 triệu đồng về hành vi thực hiện dự án trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và tổ chức thi công không có giấy phép xây dựng. Đại diện doanh nghiệp cho biết, giữa năm 2016 doanh nghiệp vào CCN gốm sứ Tân Hạnh làm nhà xưởng trên diện tích hơn 4.500m2 đất để chuyển toàn bộ cơ sở ở phường Hóa An vào đây hoạt động. Sau đó UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp thuê hơn 1.300m2 đất để xây dựng các công trình phụ trợ cho sản xuất. Hiện có hàng loạt doanh nghiệp khác đang hoạt động tại CCN gốm sứ Tân Hạnh cũng đang đứng ngồi không yên sau khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của của UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP Biên Hòa ban hành với hành vi tương tự. Trong đó, doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền nhiều nhất lên đến hơn 2,3 tỷ đồng.

Trước sai phạm của các doanh nghiệp, mới đây lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND TP Biên Hòa phối hợp với Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan rà soát tất cả hồ sơ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND tỉnh và UBND TP Biên Hòa ban hành. Đối chiếu với quy định pháp luật liên quan, thực hiện thu hồi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đủ cơ sở pháp lý đã ban hành. Đối với các doanh nghiệp đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, đất đai, PCCC sẽ kiên quyết xử lý vi phạm, cưỡng chế theo thẩm quyền, nhất là những trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề, chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thẩm định giá, tổ chức đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư sản xuất đúng chức năng của CCN, tránh lãnh phí về đất đai đối với diện tích đất chưa sử dụng trong CCN gốm sứ Tân Hạnh. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành và UBND TP Biên Hòa quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nghề gốm đã đi vào hoạt động theo đúng chức năng ngành nghề thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gốm, phát huy truyền thống nghề gốm trên địa bàn.

Việc để xảy ra tồn tại, thiếu sót về đầu tư, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh thời gian qua là do CCN gốm sứ Tân Hạnh chưa có cơ quan quản lý, chưa có quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động theo quy định. Do đó UBND TP Biên Hòa phối hợp với Sở Công thương, Sở Nội vụ thống nhất giải pháp quản lý, tổ chức hoạt động CCN gốm sứ Tân Hạnh.

Theo ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai thì quá trình hoạt động các doanh nghiệp gốm ở CCN gốm sứ Tân Hạnh đã vi phạm quy định pháp luật trong việc tuân thủ mật độ xây dựng, sử dụng đất khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, sử dụng đất. Tuy nhiên, một phần cũng do điều kiện khách quan, sự bức bách trước những khó khăn trong hoạt động mà chưa được hướng dẫn, hỗ trợ đầy đủ và thực tế cũng đã hoạt động ổn định từ hơn 5 năm nay. Vì thế ông Khiềng kiến nghị, việc xử lý những vi phạm này cần được thấu tình đạt lý, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đối với những cố gắng, tâm huyết của các doanh nghiệp gốm trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống, giúp các doanh nghiệp có thêm động lực, tinh thần vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bảo Sơn
.
.
.