Lại “nóng” tình trạng khai thác đất mặt trái phép ở Tây Nam Bộ

Thứ Ba, 07/09/2021, 08:52

Khai thác đất mặt trái phép là vi phạm pháp luật, hủy hoại đất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp, nhưng vì lợi ích cá nhân, tình trạng trên vẫn diễn ra rầm rộ tại các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ…

Chuyện cũ ở Chợ Mới

Nhiều năm qua, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được xem là điểm “nóng” về tình trạng khai thác đất mặt ruộng. Tình trạng trên diễn ra khá lâu nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp phù hợp, xử lý dứt điểm. Rảo quanh các cánh đồng trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông, xe ủi, xe cuốc nằm ngổn ngang, miễn vắng bóng lực lượng chức năng thì các đối tượng lại nổ máy, việc khai thác đất mặt nơi đây diễn ra như một công trường. Những cây cầu dã chiến được bắc qua các con mương nối liền các tuyến đê thủy lợi, để phục vụ cho việc vận chuyển đất được khai khác từ các cánh đồng ra điểm tập kết.

Nói là chuyện cũ nhưng có nhiều cái mới. Cụ thể, nếu như trước đây người dân chỉ bán lớp đất mặt ruộng với độ sâu từ 0,3 - 0,5m với giá vài chục triệu đồng/công (1.000m²) thì nay họ bán đứt luôn với giá trên 100 triệu đồng/công. Các đối tượng mua đất triệt để khai thác đến khi nào đụng đáy lớp đất đen không thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch thì mới dừng lại. Nhiều cánh đồng đã được đào sâu thành ao hầm, phá vỡ quy hoạch canh tác nông nghiệp của địa phương.

lai_nong_1-1630979573424.jpg
Nhiều cánh đồng trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) biến thành ao sâu, sau khi bị khai thác đất.

Phân trần về tình trạng khai thác đất ruộng trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp nhưng không có giải pháp căn cơ, ông Đặng Thiện Đức, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Chợ Mới cho biết: “Cái khó ở đây là trên địa bàn huyện có hơn 103 cơ sở với 129 lò sản xuất gạch, tập trung ở 3 xã: Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Giang. Hiện nhu cầu sử dụng đất để sản xuất gạch rất cao, ước tính khoảng 400.000 m³/năm. Đáng quan ngại là đến nay vẫn chưa tìm được nguyên liệu thay thế cho việc sản xuất gạch, ngói”.

Để tìm giải pháp, chỉ tính trong năm 2020, huyện Chợ Mới đã tổ chức đến 3 hội nghị, 1 cuộc họp nhằm đánh giá tình trạng khai thác đất mặt ruộng và bàn cách quản lý chặt chẽ, ngăn chặn. Nguyên nhân thì đã có, thậm chí còn được phân tích sâu như: huyện chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu, do đó để đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh một vài cơ sở lén lút liên hệ với các hộ dân trong địa phương mua và khai thác lớp đất mặt để làm nguyên liệu sản xuất gạch.

Theo ông Đức, rất khó ngăn chặn triệt để vì khi người dân phản ánh thì chính quyền địa phương xuống kiểm tra nhưng lực lượng cảnh giới liền báo cho các đối tượng dừng ngay các phương tiện đang khai thác và bỏ đi hết, để lại xe trống. Đường vào các cánh đồng thì chỉ có một con đường độc địa. Lực lượng chức năng không thể xử phạt được vì lập biên bản không có đối tượng, còn đưa các phương tiện vi phạm về, thì lại không có phương tiện để vận chuyển do toàn xe cuốc, xe xúc có tải trọng lớn…

Theo Thượng tá Lê Văn Đấu, Trưởng Công an huyện Chợ Mới, từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã tổ chức 16 cuộc tuyên truyền, có trên 1.120 lượt người dân tham dự và cho các chủ doanh nghiệp, phương tiện và đội ngũ lái xe, lơ xe làm cam kết thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng các hành vi vi phạm về chở quá tải, quá khổ, không bạt che đậy, vi phạm về kiểm định xe. Mặc khác, Công an huyện Chợ Mới đã tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra liên quan đến việc khai thác, vận chuyển đất mặt, qua đó phát hiện 20 trường hợp vi phạm, xử lý hành chính với số tiền trên 300 triệu đồng…

“Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục phân công CBCS điều tra cơ bản tuyến, địa bàn trọng điểm, bố trí tổ công tác kết hợp công khai, mật phục bắt quả tang, xử lý trực tiếp hoặc xử lý bằng hình ảnh ghi lại đối với các hành vi vi phạm liên quan khai thác, vận chuyển đất mặt. Đồng thời, tăng cường sự giám sát, hiệu quả công tác từ Công an xã, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác đất trái phép” - Thượng tá Lê Văn Đấu cho biết.

Về lâu dài, Phòng TN&MT huyện Chợ Mới đã phối hợp với ngành nông nghiệp, cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu, khảo sát các khu vực đất trồng lúa kém hiệu quả, đất gò cao, khó khăn điều kiện nước tưới, đề xuất quy hoạch làm vùng nguyên liệu sản xuất gạch, ngói. Đồng thời, vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất gạch nung chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xây không nung, địa phương sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho cơ sở tiếp cận công nghệ mới, cũng như các chính sách ưu đãi…

Bán đất mặt để phục vụ nhu cầu san lắp

Tại tỉnh Bạc Liêu, chỉ tính từ đầu tháng 4/2021 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng đấu tranh, xử lý 10 vụ khai thác đất trái phép.

Lại “nóng” tình trạng khai thác đất mặt trái phép ở Tây Nam Bộ -0

Điển hình, vào chiều 25/6, Tổ công tác Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường bắt quả tang 2 đối tượng Phan Minh Trường (SN 1987), Sơn Nga (SN 1991, cùng ngụ TP Bạc Liêu) đang thực hiện hành vi khai thác đất trái phép tại bãi đất trống trên địa bàn ấp An Trạch Đông (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu). Thời điểm bắt quả tang, các đối tượng đang điều khiển xe cuốc để đào đất đưa lên xe ôtô tải để vận chuyển đi nơi khác. Các đối tượng khai chỉ người làm thuê, hưởng tiền công chứ không biết việc khai thác đất là vi phạm pháp luật.

Thượng tá Mai Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn hết sức phức tạp, các đối tượng ngang nhiên đào đất ruộng lúa, đất nuôi trồng thủy sản để mua bán phục vụ san lấp các công trình ở địa phương.

Khai thác đất mặt không chỉ phục vụ cho nhu cầu san lắp trên địa bàn, mà còn được thương mại hóa với giá đất được đẩy lên cao và vận chuyển đến tỉnh, thành khác. Thời gian chưa thực hiện giãn cách xã hội, hình thành các chốt kiểm soát phòng, chống dịch đường thủy, theo con sông chảy dọc tỉnh lộ 941, không khó bắt gặp ghe tải trọng lớn chở đất nối đuôi nhau xuôi dòng theo hướng từ Tri Tôn về Châu Thành (An Giang). Để tìm hiểu về nơi khởi nguồn của số đất trên, phóng viên ngược dòng về hướng huyện Tri Tôn, đến địa phận xã Vĩnh Phước, thì phát hiện địa điểm khai thác đất với diện tích hơn 10ha. Giáp ranh với xã Vĩnh Phước là xã Bình Giang (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).

Nơi đây tình trạng khai thác đất mặt diễn ra với quy mô lớn hơn rất nhiều. Để tránh bị phát hiện, các ghe chở đất “ẩn mình” ở các nhánh kênh nhỏ hơn, khi xe cuốc khai thác đủ lượng đất sẽ liên lạc để ghe đến bến tập kết nhận đất rồi xuôi dòng kênh T5 đi qua địa phận tỉnh An Giang ra sông Hậu để đến các tỉnh, thành khác, nơi có nhu cầu san lấp để bán lại.

Theo tìm hiểu, địa điểm này từng bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng sau thời gian lại tiếp diễn. Theo Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, kiểm tra thực tế tại 5 huyện, thành phố, phát hiện 30 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Cụ thể, huyện Giang Thành 3 trường hợp, Kiên Lương 9 trường hợp, Hòn Đất 7 trường hợp, TP Hà Tiên 1 trường hợp và TP Phú Quốc 10 trường hợp…

Trần Lĩnh
.
.
.