Kỳ lạ việc cấp phép xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp
Cơ quan thanh tra xác định, việc cấp phép xây dựng nhà ở cho hộ gia đình trên quy hoạch đất nông nghiệp là không đúng quy định, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Ngày 11/7, thông tin từ UBND phường Chi Lăng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, địa phương đã có báo cáo giải trình theo đề nghị của Thanh tra TP Pleiku tại kết luận thanh tra trước đó.
Trước đó, qua công tác thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn (giai đoạn 2018 - 2021), Thanh tra TP Pleiku phát hiện nhiều sai phạm tại các cơ quan, đơn vị được thanh tra.
Riêng tại phường Chi Lăng, tại khu vực đồi sân bắn (hẻm Lý Chính Thắng, tổ 4, phường Chi Lăng) có 17 căn nhà. Trong đó, 1 căn nhà đã được cấp phép xây dựng năm 2016 với diện tích 100m2, các căn nhà còn lại xây dựng trên đất nông nghiệp không có giấy phép xây dựng.
Thanh tra TP Pleiku xác định: Theo quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 22/1/2014 của UBND tỉnh Gia Lai về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kì đầu (2011 - 2015) TP Pleiku thì vị trí đất trên thuộc quy hoạch đất nông nghiệp lâu năm. Đến năm 2019, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thì khu vực đất trên thuộc quy hoạch đất quốc phòng và đất nông nghiệp lâu năm.
Do đó, Thanh tra TP Pleiku kết luận: Việc Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND TP Pleiku cấp giấy phép xây dựng cho hộ gia đình xây dựng nhà ở trên diện tích 100m2 là không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, vi phạm Luật Xây dựng.
Về phía phường Chi Lăng, địa phương đã buông lỏng quản lý để các hộ dân xây dựng nhà trái phép, hình thành “khu dân cư” trên đất nông nghiệp mà theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất quốc phòng. Trong đó, có trường hợp vi phạm đã bị địa phương lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính nhưng người vi phạm không tiến hành biện pháp khắc phục; một số trường hợp vi phạm nhưng địa phương không phát hiện, lập biên bản vi phạm.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra TP Pleiku đề nghị UBND TP Pleiku chỉ đạo địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, trật tự xây dựng; kịp thời xử lý hoặc đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan…
Ghi nhận thực tế của chúng tôi, “khu dân cư” 17 hộ nằm sát chân núi và ở lưng chưng núi Chi A, phía bên kia núi là sân bắn và khu huấn luyện quân sự của địa phương. Vị trí nhà hộ dân được cấp giấy phép xây dựng đã được người dân xây dựng kiên cố theo kiểu nhà ở 1 tầng, cấp 4, có tường rào bao quanh; 16 hộ dân còn lại xây dựng trên đất nông nghiệp đa phần là nhà tạm khung sắt, tường đóng tôn. Hiện 1/16 hộ đã tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng trái phép theo yêu cầu của địa phương.
Ông V.V.T. (trú tổ 4, phường Chi Lăng - đại diện hộ gia đình có nhà ở được cấp phép xây dựng) cho biết: Tôi nhận chuyển nhượng lại vị trí đất này với diện tích hơn 1.000m2. Sau đó, gia đình đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích 100m2. Hiện gia đình có đầy đủ Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, hồ sơ hoàn công theo quy định.
Theo ông T., gia đình đã xin phép và được cơ quan nhà nước cấp phép, nghĩa là đã được công nhận các quyền lợi chính đáng. Do đó, việc cơ quan nào cấp sai hay không phù hợp là trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
“Đối với thông tin nhà đất của gia đình xây dựng trên đất quốc phòng là không đúng vì chúng tôi xây dựng nhà từ năm 2016 nhưng đến năm 2019, địa phương mới bổ sung quy hoạch diện tích này là đất quốc phòng”, ông T. nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Giang Sơn - Chủ tịch UBND phường Chi Lăng thông tin: Vị trí “khu dân cư” 17 hộ trước đây là đất trồng cà phê của người dân, trên đất người dân có dựng chòi rẫy để ở canh tác. Sau đó, người dân lén lút cơi nới thêm mỗi ngày một ít, kéo dài trong nhiều năm nên công tác kiểm tra, xử lý rất khó khăn; cán bộ công chức lại phải quản lý địa bàn mới sáp nhập rất rộng.
Cũng theo ông Sơn, khu vực này quy hoạch là đất quốc phòng và đất nông nghiệp lâu năm nhưng diện tích đất này đang do người dân quản lý. Đối với hộ được cấp phép xây dựng, địa phương không tham mưu trực tiếp, đối với 16 hộ còn lại xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì địa phương đang vận động người dân tự tháo dỡ, đã có hộ dân tự nguyện tháo dỡ theo yêu cầu của địa phương.
“Địa phương đang làm rất thận trọng vì hầu hết những hộ dân đang sinh sống tại đây có hoàn cảnh rất khó khăn, bệnh tật. Việc làm này phải triển khai từng bước để không gây xáo trộn đời sống người dân, đảm bảo có lý có tình nhằm tạo sự đồng thuận và an dân”, ông Sơn nói thêm.