Kiểm tra những cây xăng treo biển "hết hàng" và 30.000đ/lần bơm
Hiện nay trên địa bàn TPHồ Chí Minh có 548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu, 57 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 21 đại lý bán lẻ xăng dầu.
Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội QLTT rà soát, nắm chắc danh sách, địa điểm các cửa hàng, thương nhân, địa điểm lưu kho, bồn chứa, địa điểm tồn trữ xăng trên địa bàn, phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ghi nhận trong ngày 23/2, các trạm xăng dầu trên địa bàn thành phố vẫn mở cửa hoạt động bình thường, không còn cảnh chen lấn đổ xăng như trước thời điểm xăng tăng giá vào chiều hôm trước. Theo Tổng cục QLTT, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 5 cây xăng đang tạm ngưng hoạt động: Trạm xăng dầu 178 – DNTN Thừa Phúc (178 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh); Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bùi Công Trừng (số 57/5 Bùi Công Trừng, khu phố 2, phường Thạnh Lộc, quận 12), ngưng kinh doanh 30 ngày từ ngày 16/2 với lý do sửa chữa cửa hàng để hợp tác kinh doanh với Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu – Công ty Xăng dầu khu vực II TNHH MTV (Petrolimex) – công ty đã có văn bản gửi Sở Công Thương; cửa hàng xăng dầu Tam Bình (165B quốc lộ 1A, khu phố 3, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) đang ngưng kinh doanh để sửa chữa. Đơn vị đã có công văn gửi Sở Công thương; cửa hàng xăng Chi nhánh Công ty Thanh Bình (số 1474 Tỉnh lộ 10, Tân Tạo, Bình Tân) đã hết xăng, phía Công ty đã gửi công văn xin ngưng kinh doanh 1 tháng vào ngày 16/2 nhưng chưa được Sở Công Thương duyệt.
Tổ công tác đã chứng kiến phía công ty đo các bồn chứa xăng và hiện không còn xăng; Đại lý bán lẻ xăng dầu Công ty TNHH SX TM DV Đồng Tiến Phát (560A Thoại Ngọc Hầu, phường 10, quận Tân Bình) cửa hàng hiện đã được bán cho Công ty Hồng Đức (tỉnh Tiền Giang) từ tháng 6/2021, hai bên chưa thực hiện việc bàn giao cửa hàng.
Riêng 10 cửa hàng ở quận 10, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, những ngày trước đó hết xăng Ron 95, nhưng đến ngày 20/2 đã nhập xăng về và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Ngoài việc thường xuyên giám sát địa bàn, các Đội QLTT cũng tổ chức tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố do Sở Công thương làm Trưởng đoàn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, từ kỳ điều chỉnh giá ngày 11/2 đến nay, Thanh tra Sở Công thương đã trực tiếp kiểm tra 11 cửa hàng, chủ yếu qua thông tin của người dân phản ánh việc thiếu xăng dầu hoặc bán hàng hạn chế cho người dân.
Thực tế kiểm tra các điểm bị phản ánh, đa số cửa hàng hết xăng. Sở Công Thương đã làm việc với thương nhân phân phối, đề nghị cung ứng đủ hàng. Các địa điểm này sau hoạt động trở lại bình thường. Với các cửa hàng bán hạn chế 30.000 – 50.000 đồng/lần, Sở Công Thương cũng đã lập biên bản, ghi nhận, nhắc nhở, cảnh báo việc hạn chế bán là vi phạm quy định, nếu tái phạm sẽ kiên quyết xử lý. Sau khi kiểm tra, nhắc nhở, các cửa hàng đều đã khắc phục.
Ngoài ra, qua kiểm tra cũng nhận thấy, đa số cửa hàng là tư nhân và họ lấy hàng từ thương nhân phân phối nhỏ lẻ. Họ gặp khó khăn vì một số lấy nguồn hàng từ nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn - nhà máy đang giảm công suất còn 43%. Do đó, lượng hàng thiếu hụt so với bình thường, các đơn vị này không có đối tác, khách hàng quen ở nước ngoài nên việc nhập khẩu khá khó khăn.
Cũng theo đại diện Sở Công thương, qua nửa đầu tháng 2 tổng lượng nhập khẩu xăng dầu hiện nay là 800.000m³, trong khi bình thường nhập khẩu 500.000m³/tháng. Như vậy, lượng xăng dầu đang nhập rất lớn nên người dân có thể yên tâm.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục phối hợp thường xuyên với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến tổ chức, cá nhân việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Áp dụng mức xử phạt cao nhất với cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo trong công điện khẩn ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã tiến hành giám sát, kiểm tra hơn 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu ở thị trường trong nước. Qua kiểm tra, bước đầu, lực lượng phát hiện có trường hợp các cây xăng đóng cửa, treo biển không bán hàng, như trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Quảng Bình…
Lực lượng QLTT kiên quyết kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vì sao không bán. Đồng thời, kiểm tra tận bồn chứa, đo mực xăng, nếu còn bán được mà không bán, lập biên bản, xử lý ngay, lực lượng QLTT đã kiến nghị chính quyền địa phương các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng rút giấy phép kinh doanh của một số cửa hàng xăng dầu không bán hàng vì lý do không chính đáng. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên cả nước chủ yếu xảy ra tại khu vực miền Nam. Ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh. (Trân Trân)