Khẩn trương gỡ vướng khi hàng loạt thuyền rồng trên sông Hương bị “khai tử”
Thời gian qua, hàng chục chiếc thuyền rồng du lịch trên sông Hương (Thừa Thiên - Huế) phải nằm bờ và đến năm 2024 sẽ có gần 60% thuyền phải dừng hoạt động do hết niên hạn sử dụng. Đến năm 2025, tất cả thuyền rồng sẽ đến niên hạn và phải chấm dứt hoạt động trên sông. Trong khi đó, các hướng dẫn về mẫu thuyền mới, phương án kỹ thuật, địa điểm đóng thuyền đúng tiêu chuẩn vẫn chưa có.
Theo Chi nhánh Chi cục Đăng kiểm số 4 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện toàn tỉnh này có 134 phương tiện thuyền du lịch đang hoạt động trên sông Hương. Các thuyền này chủ yếu chở khách đi tham quan trên sông và chở khách nghe ca Huế trên sông Hương. Cuối năm 2022, đã có hơn 10 phương tiện hết hạn. Đến cuối năm 2023 sẽ có 37 phương tiện và cuối 2024 sẽ thêm 33 thuyền hết hạn…
Trước thực trạng này, nhiều chủ thuyền vốn là người dân sinh sống ở vạn đò bao đời nay đang loay hoay tìm phương án đóng mới nhưng lại gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Hôm chúng tôi tìm hiểu về chiếc thuyền rồng du lịch TTH_0096 neo đậu ở khu vực sông Hương ven đường Trịnh Công Sơn (TP Huế) đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” nhiều tháng nay, ông Trần Tân cho biết, đây là một trong hàng chục chiếc thuyền du lịch trên sông Hương vừa hết hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định số 111/2014/NĐ-CP.
Theo ông Tân, ông có 4 thuyền hoạt động các dịch vụ du lịch trên sông Hương, ngoài thuyền TTH_0096 đã nằm bờ thì cũng có 2 thuyền sắp hết hạn. Nhiều lao động lo lắng, khi thuyền không còn sẽ không biết làm nghề gì để mưu sinh.
Tương tự, ông Võ Văn Rơi trú đường Chi Lăng (TP Huế) có 2 chiếc thuyền đơn và 1 chiếc thuyền đôi hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương. Theo ông Rơi, đến cuối năm nay, 2 chiếc thuyền đơn của ông không thể hoạt động dù vẫn bảo đảm chất lượng. Và 2 năm nữa, chiếc thuyền đôi của ông cũng hết niên hạn sử dụng.
“Hai chiếc thuyền rồng chở khách trên sông Hương của gia đình tôi được Công ty CP Du lịch Hương Giang cho ra mắt cách đây khoảng 30 năm. Thuyền được đóng bằng gỗ, dưới đáy bọc loại nhôm vỏ máy bay từ thời chiến tranh được người dân lùng mua lại. Đó là gia sản mà vợ chồng tôi vay mượn, chắt chiu từng đồng để đóng. Nếu thuyền bị hạ bản thì chúng tôi chẳng biết làm gì để mưu sinh”, ông Rơi cho biết.
Cũng như một số chủ thuyền rồng khác, hiện nay, mỗi chiếc thuyền đơn đóng mới như thuyền của ông Rơi cần đến 60 - 80m2 nhôm, tính ra khoảng 200 - 300 triệu đồng nhưng chưa chắc có loại nhôm này. Ông Rơi mong cơ quan chức năng đánh giá lại tất cả các thuyền rồng, chiếc nào bảo đảm an toàn nên cho gia cố thêm, đáp ứng yêu cầu thì cho tiếp tục hoạt động…
Nhìn nhận về phương diện phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, thời gian qua, thuyền rồng trên sông Hương đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng du khách, trở thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Cố đô Huế. Du khách luôn ấn tượng và đánh giá tích cực những mẫu mã của thuyền rồng. Tuy nhiên, theo quy định khi hết niên hạn sử dụng 30 năm thì phải dừng hoạt động để vừa đảm bảo cho du khách và người dân kinh doanh. Nhiều chủ thuyền sắp hết niên hạn cho biết, hiện tại họ gần như rơi vào bế tắc để có thể duy trì dịch vụ du lịch liên quan đến thuyền trên sông.
Hiện, các hướng dẫn về mẫu thuyền mới, phương án kỹ thuật, các chính sách vay vốn, địa điểm đóng thuyền đúng tiêu chuẩn… trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có. Ông Nguyễn Trung Tuyến, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 cho rằng, bên cạnh mẫu mã, vấn đề bản vẽ thiết kế kỹ thuật của một phương tiện thủy nội địa hoạt động chở khách rất quan trọng. Phía Chi cục chỉ thẩm định và hướng dẫn về kỹ thuật, còn mẫu mã thì thuộc về UBND tỉnh và các ngành liên quan.
Ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu thì thuyền rồng du lịch trên sông Hương làm bằng kim loại (nhôm, kẽm) có niên hạn sử dụng 30 năm kể từ năm đóng mới và đối với thuyền làm bằng gỗ có niên hạn sử dụng 25 năm. Vì vậy, các thuyền rồng hết niên hạn phải hạ bản.
Cũng cần nhắc lại, năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên_Huế ban hành quyết định về việc phê duyệt mẫu thuyền phục vụ ca Huế và du thuyền trên sông Hương do một công ty thiết kế với kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Đăng kiểm số 4 cho rằng đây chỉ là mẫu về kiểu dáng với mục đích lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của Huế, không phải bản thiết kế kỹ thuật cần có để thẩm định cho việc đóng mới.
Theo ông Lê Xuân Sơn, để đóng một phương tiện thủy nội địa, cần có bản thiết kế kỹ thuật đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định. Phương tiện phải được đóng tại cơ sở đủ điều kiện và với sự giám sát của cơ quan kiểm định. Hiện nay, tại Thừa Thiên-Huế chưa có cơ sở đóng, sửa tàu thuyền đáp ứng yêu cầu. Người dân muốn đóng thuyền mới thì phải đến các cơ sở ở địa phương khác.
Theo ông Sơn, ngoài việc gặp khó về cơ sở đóng thuyền thì việc mỗi chủ thuyền rồng du lịch phải tự thuê đơn vị thiết kế bản vẽ kỹ thuật cũng vừa tốn kém thời gian và chi phí. Thế nên, các doanh nghiệp có nguồn lực, hoặc các chủ thuyền có thể thỏa thuận, hợp tác để cùng làm một thiết kế kỹ thuật và đóng đồng loạt thuyền theo thiết kế đó. Hoặc UBND tỉnh thuê đơn vị thiết kế kỹ thuật theo một số mẫu nhất định để thẩm định, làm cơ sở hỗ trợ cho các chủ thuyền có thể căn cứ vào mẫu đó để đóng mới. Việc đóng mới theo kiểu “seri” này cũng thuận lợi cho việc giám sát của cơ quan chuyên môn…
Như vậy, thuyền rồng chở khách du lịch đủ 30 năm trên sông Hương đã, đang và sẽ bị “khai tử” toàn bộ trong 2 năm tới. Thời gian không còn nhiều, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp đề nghị các ban, ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế cần sớm “chốt” phương án đóng mẫu thuyền mới vừa đảm bảo nét văn hóa đặc trưng và quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn cho du khách khi đi lại trên sông Hương.