Khai thác hợp lý đầm Lập An gắn với bảo vệ môi trường

Chủ Nhật, 17/10/2021, 10:50

Đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) với diện tích mặt nước hơn 1.600ha, là thuỷ vực biệt lập thông ra biển Đông qua cửa Lăng Cô. Phía Đông của đầm là khu đô thị ven bờ vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong các vịnh đẹp thế giới…

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mặt nước xung quanh đầm Lập An đang bị xâm hại, lấn chiếm bởi các hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, nuôi thủy sản tự phát, không theo quy hoạch; dùng lốp xe cũ, cắm cọc bê tông để nuôi hàu...

Ông Phan Công Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho rằng, đầm Lập An có vị thế đặc biệt khi nằm giữa 3 trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới là Cố đô Huế, phố cổ Hội An và khu Thánh địa Mỹ Sơn với bán kính khoảng 70km. Vì vậy, đầm Lập An và vịnh Lăng Cô là nơi kết nối, thu hút khách tham quan đến các trung tâm nói trên. Đầm Lập An còn nằm giữa quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam chạy qua; cách 2 trung tâm du lịch lớn mang tầm quốc gia là TP Đà Nẵng (khoảng 30km) và TP Huế (khoảng 70km), được định hướng phát triển gắn kết lâu dài với cảng nước sâu, khu công nghiệp và thương mại quốc tế Chân Mây, đô thị Chân Mây.

Khai thác hợp lý đầm Lập An gắn với bảo vệ môi trường -0
Đầm Lập An đang bị lấn chiếm bởi các hoạt động kinh doanh.

Với những danh thắng đầm Lập An - vịnh Lăng Cô - đèo Hải Vân - rừng nguyên sinh Bạch Mã nằm ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch phong phú tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng. Đặc biệt, đầm Lập An với diện tích ngập nước thường xuyên khoảng 1.080ha còn là một trong những thủy vực nước lợ khá đa dạng về sinh học và đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế ngư dân địa phương trong khai thác tự nhiên nguồn lợi thủy sản với các loại thủy sản nổi tiếng như: sá sùng (hải sâm đất), hàu, sò huyết, cá, tôm…

Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân cũng phát triển nhanh trong chục năm trở lại đây. Nhận thức được tiềm năng và lợi thế nói trên của đầm Lập An và vùng phụ cận, chính quyền đã định hướng phát triển thành lập Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; quy hoạch tổng thể Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004.

Tuy nhiên cho đến nay, công tác triển khai thực hiện các quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương đặt ra một số thách thức như: mặt nước xung quanh đầm Lập An đang bị xâm hại, lấn chiếm bởi các hoạt động kinh tế diễn ra khá “nóng” trong vài năm trở lại đây, các hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, nuôi thủy sản tự phát, không theo quy hoạch, dùng vỏ xe, lốp ôtô, cắm cọc bê tông để nuôi hàu…

Có mặt tại đầm Lập An vào một ngày giữa tháng 10/2021, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các hộ nuôi hàu đều sử dụng lốp xe cũ làm giá thể cho hàu bám. Ông Hoàng Trọng Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, nghề nuôi hàu là nguồn sinh kế của hơn 250 hộ dân ở địa phương. Kết quả khảo sát năm 2012 của UBND huyện có khoảng 244 hộ nuôi hàu, khoanh nuôi trên diện tích 239ha. Tuy nhiên, đến tháng 10/2021, diện tích khoanh nuôi hàu khoảng 380ha (chiếm khoảng 24% tổng diện tích mặt nước đầm)... Với diện tích nuôi hàu này, người nuôi phải sử dụng khoảng 253.300 cọc tre được đóng xuống đầm và 1.757.500 vỏ xe máy cũ làm giá thể bám cho hàu.

Ông D.Đ.H. (trú tại thị trấn Lăng Cô) hơn 40 năm gắn với nghề nuôi hàu cho biết, do nuôi hàu mang lại giá trị kinh tế cao nên thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi đã bất chấp, ồ ạt mở rộng diện tích nuôi kể cả những khu vực cấm.

Theo lãnh đạo huyện Phú Lộc, quy mô nuôi hàu gia tăng nhanh và qua thực tế cho thấy, sự gia tăng trên không tương ứng với sự gia tăng về sản lượng hàu thịt. Nguyên nhân là do có một số hộ dân đóng nhiều cọc và treo vỏ xe để chiếm dụng mặt nước, nhưng sản lượng hàu rất thấp.

Hiện tại, vùng nuôi hàu mở rộng tự phát khắp mặt nước đầm, điều này gây ra xung đột môi trường và mặt bằng với hoạt động giao thông thủy, tuyến du lịch ngắm cảnh trên đầm, vị trí khai thác thủy sản… Điều đáng lo, lốp xe được sử dụng làm giá thể cho hàu bám là một trong những rác thải nguy hại đã được quy định của Bộ TN&MT, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Cùng với việc nuôi hàu, việc phát triển ồ ạt nhiều hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế khác trên đầm Lập An gần đây khiến diện tích mặt nước, bãi triều ven đầm Lập An bị thu hẹp, diện tích rừng ngập mặn giảm từ 100ha/năm 1990 xuống còn 15ha/năm 2020, kéo theo nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị giảm đáng kể vì mất nơi cư trú. Hiện nay, tổng sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên chỉ từ 56 - 92 tấn/năm, giảm khoảng 65% so với hơn 30 năm trước đây. Ngoài ra, môi trường bị ô nhiễm dẫn đến cá nuôi lồng bè tại cửa đầm chết hàng loạt trong nhiều năm qua…

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, nguyên nhân của các thách thức nói trên từ nhiều mặt, nhưng một nguyên nhân quan trọng là chưa có quy hoạch chi tiết, tích hợp đa ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, bảo tồn mặt nước đầm Lập An…

Trước tình hình đó, UBND huyện Phú Lộc vừa lập đề án khai thác mặt nước đầm Lập An để xây dựng các phương án và giải pháp thực hiện phù hợp nhằm khai thác, sử dụng mặt nước đầm theo hướng hiệu quả, bền vững. Việc khai thác, sử dụng mặt nước đầm Lập An phải gắn với bảo vệ môi trường; giảm thiểu các xung đột môi trường của hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản đến các hoạt động kinh tế khác trong đầm Lập An và toàn vùng bờ thị trấn Lăng Cô.

Bảo vệ môi trường luôn gắn chặt với phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản một cách bền vững, lâu dài và được cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động ở từng cấp chính quyền địa phương, từng nhóm cộng đồng cư dân, nhằm quán triệt tư tưởng “Dân biết, dân bàn, dân làm và kiểm tra”. 

Khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả cao tiềm năng mặt nước đầm Lập An (bao gồm thể tích ngập nước thường xuyên từ mặt đến đáy đầm Lập An). Chú trọng đến bảo vệ tính đa dạng sinh học, thảm rừng ngập mặn, đến bảo tồn cảnh quan tự nhiên và nguồn giống tự nhiên của các thủy sản. Xác định diện tích, đối tượng nuôi trồng và khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng của đầm và nhu cầu thị trường…

Hải Lan
.
.
.