Hiệu trưởng không đến trường, giáo viên huyện biên giới... chờ lương

Thứ Tư, 20/11/2024, 12:33

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không đến trường làm việc nên lương tháng 11 của cán bộ, giáo viên nhà trường không thể ký xác nhận, không thể duyệt chi.

Thời gian gần đây, có một số thông tin về việc các cán bộ, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám bị nợ lương, chậm lương tháng 11/2024. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc Hiệu trưởng nhà trường không đi làm nên không có người ký xác nhận các giấy tờ liên quan để thanh toán lương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, Thanh tra huyện Chư Prông ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Trường THCS Lê Văn Tám và phát hiện sai phạm với số tiền hơn 31 triệu đồng nên yêu cầu trường nộp khắc phục. Bên cạnh đó, Thanh tra huyện Chư Prông cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an huyện để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

lg.jpg -0
Trường THCS Lê Văn Tám.

Đến ngày 5/9, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đoàn Hữu Khuê - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám với thời hạn đình chỉ là 15 ngày để phục vụ công tác điều tra. Hết thời gian này, địa phương tiếp tục có quyết định gia hạn đình chỉ công tác thêm 15 ngày đối với Hiệu trưởng nhà trường. Trong thời gian Hiệu trưởng bị đình chỉ công tác, Phó Hiệu trưởng nhà trường được giao phụ trách, xử lý các công việc theo thẩm quyền.

Đáng chú ý, sau khi hết thời gian đình chỉ công tác, ông Khuê không trở lại trường làm việc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng đã hết thời gian được giao quyền. Do vậy, rất nhiều công việc bị ngưng trệ, trong đó, có việc thanh toán lương tháng 11 cho cán bộ, giáo viên nhà trường. Để giải quyết các công việc của đơn vị, nhà trường đã liên lạc qua điện thoại nhưng ông Khuê chỉ báo đang bận, sau đó cũng không đến trường làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Ban - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cho biết, theo quy chế, việc thanh toán lương cho cán bộ, giáo viên nhà trường sẽ được thực hiện từ ngày 5-15 hằng tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (chiều 19/11) cán bộ, giáo viên nhà trường chưa nhận được lương.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, nhà trường có 907 học sinh, chia làm 18 lớp học, toàn trường có 21 cán bộ, giáo viên phụ trách quản lý và giảng dạy. Hiện nhà trường đang thiếu 20 biên chế so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2024.

“Thiếu biên chế nên áp lực công việc của các giáo viên là rất lớn, giờ thêm chậm lương nên giáo viên khá lo lắng. Nhà trường đã báo cáo lên cấp trên và mong muốn được giải quyết lương sớm cho giáo viên”, ông Ban nói.

Liên quan đến việc này, ông Bùi Văn Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr thông tin: Vào tháng 4/2024, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám có đơn xin thôi làm bí thư chi bộ nhà trường để đi chữa bệnh. Sau đó, địa phương đã có ý kiến thống nhất với nội dung đơn và giao cho Phó Hiệu trưởng làm bí thư chi bộ nhà trường.

“Đối với vụ việc sai phạm tại Trường THCS Lê Văn Tám, cơ quan Công an đang thụ lý, Hiệu trưởng cũng không đến trường làm việc nên địa phương chưa nắm được kết quả xử lý cuối cùng”, ông Phụng nói thêm.

Được biết, học sinh tại Trường THCS Lê Văn Tám là con em của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Mơ thuộc huyện biên giới Chư Prông theo học tại trường.

Chí Hào
.
.
.