Hiệu quả từ mô hình “5+1"

Chủ Nhật, 10/04/2022, 08:39

Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” (gọi tắt là mô hình “5 + 1”) trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã và đang phát huy vai trò, hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực đối với các tầng lớp nhân dân trong tiếp xúc, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; từng bước xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện để họ có cơ hội ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, trở thành người có ích, hạn chế tối đa các trường hợp tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Năm 2013, ông Hoàng Văn B ở xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và bị Tòa án nhân dân huyện Krông Nô tuyên phạt 7 năm tù. Sau hơn 6 năm tích cực cải tạo, trả giá cho những lỗi lầm do mình gây ra, năm 2019, ông B chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương. Thời gian đầu mới trở về địa phương, ông B cảm thấy tự ti, mặc cảm, tự xa lánh người thân và hàng xóm, chuyển ra sinh sống ẩn mình ở khu vực nương rẫy, ít khi về nhà. Sau khi được các thành viên trong mô hình “5+1” đến gặp gỡ, vận động, tuyên truyền, ông đã trở về nhà sinh sống và tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định với thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng/năm, tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương.

Ông Hoàng Văn B chia sẻ: “Khi mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương bản thân tôi thấy mặc cảm, sợ mọi người để ý về những việc làm sai phạm trước đây. Sau khi có mô hình “5 +1”, chính quyền địa phương, lực lượng Công an, các thành viên trong mô hình “5+1” và bà con lối xóm thường xuyên đến gặp gỡ, tuyên truyền, động viên giúp tôi xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện vay vốn làm ăn phát triển kinh tế.

Đến nay, bản thân tôi và gia đình đã có cuộc sống và thu nhập ổn định. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực và mong muốn tiếp tục được duy trì, nhân rộng để những người chấp hành xong án phạt tù như tôi được hỗ trợ, tạo mọi điều kiện vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống, vươn lên làm ăn phát triển kinh tế”.

7-3.jpg -0
Các thành viên mô hình “5+1” thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các trường hợp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Hà Văn Nhàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nam Tân, xã Nam Đà cho biết: “Trước khi chưa có lực lượng Công an xã chính quy, tình hình an ninh trật tự tại địa phương khá phức tạp. Từ ngày có lực lượng Công an xã chính quy về, tình hình an ninh, trật tự tại địa phương đã được bảo đảm, tội phạm và tệ nạn xã hội giảm mạnh. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh với nhiều mô hình đã phát huy được hiệu quả. Nhất là mô hình “5 + 1” với việc những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được quan tâm, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng với thu nhập ổn định, góp phần hạn chế tối đa các trường hợp tái phạm”.

Đại úy Lê Thành An – Trưởng Công an xã Nam Đà, huyện Krông Nô chia sẻ: “Xuất phát từ tình hình thực tế số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đời sống còn nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định và có nguy cơ tái phạm cao. Đầu năm 2019, Công an xã Nam Đà phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu các cấp triển khai mô hình: “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”.

Mô hình có sự tham gia của 5 thành viên là đại diện của các ban, ngành, đoàn thể chính quyền ở cấp xã, gồm: Công an, ủy ban MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, trong đó Công an xã giữ vai trò nòng cốt, chủ công. Với những cách làm cụ thể, thiết thực, từ khi triển khai đến nay, mô hình “5+1" đã giới thiệu việc làm, giúp học nghề và hỗ trợ tư vấn tâm lý, giáo dục, giúp đỡ động viên hàng chục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống; phối hợp với Ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho 11 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay với số tiền gần 400 triệu đồng để làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu...”.

Theo Thượng tá Trần Thanh Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Nô, từ hiệu quả bước đầu của mô hình “5+1” tại xã Nam Đà, đến nay Công an huyện Krông Nô đã tham mưu nhân rộng và triển khai mô hình tại 12/12 xã, thị trấn và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ đánh giá cao của chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện quy trình, quy chế thành lập Quỹ hỗ trợ hoàn lương làm đầu mối vận động, kêu gọi sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lầm lỗi không những trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, phòng ngừa tội phạm mà còn là những tấm gương để người khác có quá khứ lầm lỗi phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng...”.

Minh Quỳnh – Văn Chung
.
.
.