Hết phép khai thác, doanh nghiệp chây ỳ đóng cửa mỏ

Thứ Sáu, 06/09/2024, 07:21

Sau nhiều năm được cấp phép, hiện có không ít mỏ khoáng sản ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã hết thời hạn khai thác. Thay vì cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định thì một số đơn vị doanh nghiệp là chủ mỏ lại chây ỳ, không chấp hành việc đóng cửa mỏ và có các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tại nhiều vùng đồi núi ở các huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp tiến hành khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp với trữ lượng lớn. Trong đó có một số mỏ khoáng sản được cấp phép từ nhiều năm về trước, đến nay đã hết hạn khai thác.

Đơn cử như vào năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định cấp mỏ đất làm vật liệu san lấp cho Công ty TNHH Phú Bài tại vùng núi Gích Dương 1, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. Mỏ đất này được cấp phép khai thác với trữ lượng hơn 234.000m3, thời hạn khai thác đến cuối năm 2021. Tuy nhiên sau gần 3 năm giấy phép khai thác hết hiệu lực nhưng Công ty TNHH Phú Bài vẫn chưa hoàn tất hồ sơ và thủ tục liên quan về việc đề nghị cơ quan Nhà nước đóng cửa mỏ. Do vượt quá thời gian 6 tháng trở lên kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng doanh nghiệp không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ nên vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Phú Bài số tiền 140 triệu đồng.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (gọi tắt Công ty Việt Long, có trụ sở tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Kiền Kiền (xã Phong Thu, huyện Phong Điền) với thời hạn 5 năm, kể từ đầu tháng 3/2015. Tuy nhiên đến nay, dù giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời hạn hơn 4 năm nhưng Công ty Việt Long cũng không thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực khai thác mỏ.

Hết phép khai thác, doanh nghiệp chây ỳ đóng cửa mỏ -0
Hết hạn khai thác nhưng nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế chưa đóng mỏ khoáng sản để cải tạo, phục hồi môi trường.

Trước hành vi chây ỳ của doanh nghiệp này, vào đầu tháng 7/2024, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định yêu cầu Công ty Việt Long thực hiện các biện pháp đóng cửa mỏ đất làm vật liệu san lấp và khẩn trương cải tạo phục hồi môi trường. Đồng thời tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành thu hồi diện tích hơn 23.000m2 đất của Công ty Việt Long đang sử dụng tại xã Phong Thu (huyện Phong Điền) để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phong Điền quản lý.

Ngoài ra, còn yêu cầu công ty này thực hiện nộp tiền thuê đất theo đúng quy định và khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, Công ty Việt Long đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt hành chính 575 triệu đồng do vi phạm trong khai thác khoáng sản.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên Huế, Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định rõ, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn, chủ mỏ phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo và phục hồi môi trường, đất đai. Đồng thời phải di chuyển máy móc, phương tiện ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp được cấp mỏ đất ở địa bàn tỉnh vẫn chây ỳ đóng cửa mỏ dù giấy phép đã hết hạn và bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần, thậm chí có quyết định xử phạt hành chính. Vì thế, trong trường hợp các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ năng lực thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác.

Mới đây, trong quá trình thanh tra chấp hành quy định về cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đối với các mỏ trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp chậm đóng cửa mỏ dù hết giấy phép khai thác khoáng sản. Như Công ty TNHH MTV Sơn Đình Thu; Công ty TNHH Xây dựng vận tải Minh Nhật; Công ty TNHH Quý Hưng; Công ty TNHH MTV Hải Quốc Toàn; Công ty TNHH MTV Tuấn Nhân; Công ty TNHH Lộc Lợi; Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm… Cơ quan chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp này sớm hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài các doanh nghiệp kể trên, qua công tác kiểm tra, rà soát, đơn vị còn phát hiện nhiều chủ mỏ có dấu hiệu vi phạm trong khai thác khoáng sản khi chưa lắp đặt trạm cân theo đúng quy định tại mỏ. Trong đó phải kể đến các mỏ như mỏ đất tại núi Mỏ Diều, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) của Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm; mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực bãi bồi đội 4 Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) của Công ty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng Tấn Hoàng; mỏ vật liệu san lấp tại khu vực Động Đá, xã Phong Thu (huyện Phong Điền) của Công ty CP Đầu tư Thuận Hóa; mỏ vật liệu san lấp và đá sét sản xuất xi măng tại khu vực đồi Vũng Nhựa, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) của Công ty TNHH Trường Thịnh…

Hiện Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản, yêu cầu các doanh nghiệp trên phải tạm dừng khai thác mỏ cho đến khi hoàn thành việc lắp đặt trạm cân theo quy định.

Anh Khoa
.
.
.