Thất bại từ các dự án giao rừng cho doanh nghiệp ở Tây Nguyên

Hệ lụy từ việc tranh chấp, mua bán đất dự án nông lâm nghiệp

Thứ Bảy, 11/12/2021, 06:43

Có thể nói việc sang nhượng, mua bán trái phép đất rừng tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên là nguyên nhân chính gây ra các vụ tranh chấp, xung đột diễn ra trong thời gian qua. Sự việc không chỉ gây mất an ninh trật tự tại địa phương mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác...

Với diện tích rộng lớn, đất bazan màu mỡ, điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng để trồng các loại cây cho sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao như cà phê, tiêu, mắc ca, khoai lang… nên hàng chục năm qua, huyện Tuy Đức được xem là một trong những huyện “nóng” nhất của tỉnh Đắk Nông về phát triển dự án nông lâm nghiệp kết hợp. Và chính sự phát triển “nóng” này kéo theo việc tranh chấp đất canh tác với người dân bản địa, đồng bào di cư tự do với các doanh nghiệp cũng trở nên khốc liệt không kém.

giao rung (6).jpg -0
Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân với Công ty TNHH Long Sơn, huyện Tuy Đức khiến 3 người chết, 13 người bị thương.

Điển hình là vụ án tranh chấp đất đai giữa Công ty TNHH Long Sơn với người dân vào năm 2016 làm 3 người chết, hàng chục người bị thương, nhiều người dính vào lao lý cho thấy hậu quả của việc giao đất, giao rừng cho doanh nghiệp, trong đó có việc phó thác, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Một cán bộ tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức cho biết, vào năm 2008, Công ty TNHH Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao thực hiện dự án nông lâm kết hợp trên diện tích khoảng 1.000ha đất tại Tiểu khu 1536, thuộc vùng giáp ranh giữa hai xã Đắk Ngo và Quảng Trực của huyện Tuy Đức.

Đây được xem là “vùng đất nóng” vì liên tục xảy ra các vụ người dân lấn chiếm đất rừng canh tác nông nghiệp nên quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án đã không ngừng phát sinh các tranh chấp với các hộ dân có nương rẫy trên diện tích đất mà công ty này được giao. Sau nhiều lần thương thảo không thành, Công ty TNHH Long Sơn phải tự tổ chức cưỡng chế, phá bỏ để thu hồi.

Tuy nhiên, việc cưỡng chế, thu hồi này gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân và hậu quả là 3 người bị bắn chết, 13 người bị thương. Anh Nguyễn Hữu Thành (trú tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn) nhớ lại, vào rạng sáng 19/6/2021, khi anh đang ngủ thì bỗng ngọn lửa xuất hiện ngay cạnh giường.

Tuy nhiên, nhờ phát hiện và hô hoán hàng xóm xung quanh chạy đến hỗ trợ dập lửa kịp thời nên không có thiệt hại về người.  Cách nhà của anh Thành không xa, vườn cao su của anh Phạm Thế Phương cũng đang xảy ra tình trạng tranh chấp.

Theo anh Phương, năm 2018, gia đình anh mua diện tích đất trên của một đồng bào dân tôc tại địa phương, khu đất này rộng hơn 3ha, có khoảng 170m mặt đường dọc tỉnh lộ 6. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, một số đối tượng tự xưng là người của Công ty Đỉnh Nghệ thường xuyên vào khu đất của anh để tranh chấp. Việc phá hoại diễn ra liên tục, kể cả vào ban đêm khiến gia đình anh rất lo lắng.

Theo các hộ dân hiện đang sinh sống tại thôn Quảng Tiến thì việc tranh chấp đất rừng giữa Công ty Đỉnh Nghệ với người dân đã diễn từ nhiều năm nay. Không chỉ thường xuyên tranh chấp với người dân dọc 2 bên đường tỉnh lộ 6, thời gian gần, tại khu vực này còn xảy ra những vụ mất an ninh trật tự bởi một số người lạ đến tự xưng là người của Công ty Đỉnh Nghệ và tham gia tranh chấp đất với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang canh tác tại đây. Theo các hộ dân thì số diện tích đất trên đã được người dân khai hoang và canh tác ổn định từ lâu nhưng thời gian gần đây đã bị các đối tượng lấn chiếm, rào lưới xung quanh và dựng nhà trên đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp, toàn huyện có 14 dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng và đất rừng các đơn vị quản lý là trên 15.000ha. Tại một số dự án, chủ dự án đã buông lỏng quản lý rừng, đất đai, gây ra nhiều hệ lụy.

Trong đó, nhức nhối nhất là về phá rừng, lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng. Việc tranh chấp đất rừng diễn ra thường xuyên, hình thành các điểm “nóng” về an ninh trật tự. Các chủ rừng buông lỏng quản lý dự án khiến địa phương gặp rất nhiều áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý dân cư.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 55 dự án sản xuất nông, lâm nghiệp được UBND tỉnh giao cho 41 doanh nghiệp thuê với tổng diện tích hơn 32.767ha rừng và đất rừng, tập trung ở huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Qua rà soát, Sở nhận thấy hiệu quả triển khai các dự án không cao. Một số dự án để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, có hiện tượng sang nhượng mua bán trái phép dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Tuy nhiên, hiện tỉnh cũng như các địa phương vẫn chưa tìm ra được phương án tối ưu trong việc xử lý dứt điểm tình trạng trên. Chính sự chậm trễ này đã dẫn đến việc tranh chấp và xung đột, gây mất an ninh trật tự tại địa phương suốt thời gian qua.

Có thể thấy hệ lụy của việc tranh chấp đất rừng như phản ánh là rất lớn, thiết nghĩ thời gian tới tỉnh cần có giải pháp quyết liệt, cụ thể trong việc tổng rà soát, chấn chỉnh hoặc thu hồi tránh dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ” trong tranh chấp giữa các bên dẫn đến hậu quả khó lường.

Theo Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho hay, qua rà soát, Công an tỉnh đã xác định một số khu vực có dấu hiệu tội phạm hoạt động theo băng nhóm, có các hành vi hủy hoại rừng, mua bán, tranh chấp đất rừng trái phép.

“Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm tội phạm này. Chúng tôi quyết tâm giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, Đại tá Thanh quyết tâm.

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, tính từ đầu năm 2021 đến nay, ngành chức năng đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh 7 vụ việc liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng tiến hành xử lý hành chính 173 cá nhân và 68 tập thể có sai phạm trong thực hiện các dự án nông lâm nghiệp. Cơ quan điều tra các cấp cũng thụ lý, giải quyết hàng trăm vụ việc gây mất an ninh trật tự liên quan đến việc tranh chấp đất rừng.

Văn Thành
.
.
.