Hàng loạt thắng cảnh đang bị… bỏ hoang
Nằm cách trung tâm TP Gia Nghĩa chưa đầy 15km, thác Liêng Nung (buôn NJriêng, xã Đắk Nia) được xem là một trong những thắng cảnh có rất nhiều tiềm năng để khai thác du lịch. Ngoài thác có độ cao khoảng 30m, nước chảy quanh năm, thượng nguồn là hồ Đắk Nia rộng chừng 12ha thì danh thắng còn được bao bọc xung quanh là những buôn làng mang đậm bản chất văn hoá của đồng bào dân tộc bản địa Mnông và Mạ.
Để khai thác tiềm năng, vẻ đẹp vốn có của thắng cảnh này, cuối năm 2015, một tuyến đường giao thông dài khoảng 2,5km từ quốc lộ 28 dẫn vào Khu du lịch thác Liêng Nung được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư gần 27 tỉ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất TP Gia Nghĩa được giao làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Tiến Quang thi công.
Thế nhưng, liên tiếp vào tháng 7 và tháng 8/2018, công trình này đã 2 lần xảy ra sự cố sụt trượt nghiêm trọng. Việc sụt lún đã làm hư hỏng toàn bộ phần nền, móng, mặt đường, tường chắn và hệ thống thoát nước, ước tính thiệt hại trên 6 tỉ đồng. Từ khi xảy ra sự cố sụt lún đến nay, các cơ quan chức năng địa phương vẫn đang loay hoay và chưa có biện pháp khắc phục.
“Khu vực thác Liêng Nung là một trong những địa điểm nằm trong tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được UNESCO công nhận. Nhưng đã hơn 4 năm trôi qua, danh thắng thác Liêng Nung buộc phải “đắp chiếu” vì chưa có đường vào và không biết đến bao giờ mới có thể được vận hành, khai thác”, ông KTiêng, một nghệ nhân sinh sống tại xã Đắk Nia buồn bã nói.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 13 di tích, danh thắng, trong đó có 4 di tích cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 8 di tích danh thắng cấp quốc gia. Đây chính là nguồn lực quan trọng đối với ngành Du lịch của địa phương. Vậy nhưng, ngoài một số danh thắng được bảo vệ, đầu tư, khai thác khá hiệu quả thì không ít danh thắng đang xuống cấp, hoang phế...
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Đa số các dự án được giao cho các doanh nghiệp đều chậm tiến độ do vướng mắc thủ tục pháp lý hoặc tiềm lực tài chính của doanh nghiệp yếu kém. Đắk Nông vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, chuyên sâu về du lịch để đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ và quy mô còn nhỏ”.
Cũng theo bà Hạnh, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với 3 tuyến du lịch, 44 điểm đến, hội tụ đầy đủ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm khu vực và quốc tế. Trong đó, có hệ thống hơn 50 hang động núi lửa, được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, là di sản độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm…
“Đắk Nông còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi giao thoa, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử đặc sắc của 40 dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, những di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm tinh xảo… Chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ môi trường thật tốt để các nhà đầu tư tìm đến, đầu tư phát triển du lịch Đắk Nông đầy tiềm năng để khi du khách đến tham quan sẽ có những điểm đến thật tốt trong tương lai”, bà Hạnh nói.