Hàng loạt cơ sở tái chế bao bì đang “bức tử” sông Nhơm
Sông Nhơm, đoạn chảy qua xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi các cơ sở giặt và tái chế bao bì xả thải... Dù đã bị UBND huyện Triệu Sơn ra văn bản yêu cầu ngừng hoạt động sản xuất, tháo dỡ các công trình vi phạm, song đến nay mọi việc vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.
Có dịp chứng kiến quy trình giặt và tái chế bao bì tại cơ sở của ông Phùng Viết Thành (thôn Thái Yên, xã Thái Hóa), chúng tôi không khỏi rùng mình về công tác vệ sinh an toàn lao động và quy trình xử lý môi trường.
Thời điểm phóng viên có mặt, tại đây có hàng chục công nhân đang làm việc liên tục trong tiếng máy nghiền rền vang. Dù công nhân làm việc với nhiều loại máy móc, song trang bị bảo hộ lao động hết sức sơ sài (không có đồng phục, không có mũ bảo hộ lao động, găng tay...). Tại đây, các loại bao bì xi măng, bao bì xác rắn đã qua sử dụng được thu gom từ nhiều nơi mang về, tập kết thành từng bãi rất lớn. Đối với bao bì xi măng đã qua sử dụng, sau khi gỡ bỏ dây đóng gói, các công nhân ở đây dùng tay không ôm từng đống cho vào băng chuyền, kết hợp nước thau rửa, nghiền sàng để tái chế giấy bìa thô... Đối với bao bì xác rắn, được công nhân cho vào máy giặt sạch rồi vớt ra xếp thành từng lô ngay ngắn, chờ xuất bán. Đáng chú ý, nước dùng cho hoạt động sản xuất được lấy từ nguồn nước mặt sông Nhơm, sau quy trình sản xuất nước thải được xử lý qua những hồ lắng sơ sài rồi đổ thẳng ra sông Nhơm...
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc các thôn Thái Yên, Thái Phong, xã Thái Hòa hiện có hàng chục cơ sở tái chế bao bì hoạt động rầm rộ mỗi ngày. Bờ sông Nhơm còn được các cơ sở tận dùng làm nơi phơi khô giấy thành phẩm chờ đóng gói.
Một người dân xã Thái Hòa cho biết: Hoạt động thu gom, tái chế bao bì được du nhập từ các tỉnh phía Bắc về địa phương, bắt đầu xuất hiện từ những năm 2000. Thời điểm bấy giờ mới chỉ có 4 - 5 cơ sở, đến nay số lượng các cơ sở giặt, tái chế bao bì tại xã đã lên tới hàng chục cơ sở lớn nhỏ.
Theo người dân địa phương, việc tái chế bao bì tại các cơ sở trên địa bàn xã là hoạt động tự phát. Phần lớn các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, số còn lại nằm dọc chân đê sông Nhơm. Các cơ sở hoạt động gây bụi bặm, đặc biệt vào mùa nắng nóng, vào mùa mưa thì tình trạng tập kết gây nhếch nhác, hôi thối. Người dân địa phương cũng đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng tình hình vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn có 33 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu, hoạt động với quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, mỗi cơ sở thường có 1-2 máy giặt, công suất giặt khoảng 5.000 bao bì/máy giặt/ngày và 1 máy xeo giấy (thu hồi khoảng 3-4 tạ bột giấy/máy giặt/ngày); trong đó, có 5 cơ sở ngoài giặt bao bì thu hồi bột giấy còn sản xuất thêm hạt nhựa (khoảng 1-1,2 tấn nhựa hạt/ngày), có 1 cơ sở dệt bao bì (công suất 1.000 bao bì/tháng); các cơ sở sử dụng nước khoảng 100-200m3 nước/ngày, cá biệt có cơ sở dùng trên 1.000m3 nước/ngày, nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước mặt lấy từ Sông Nhơm; nguyên liệu sản xuất là các loại vỏ bao bì xi măng, lưới nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa thải được thu mua từ các đại lý trong và ngoài tỉnh.
Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Triệu Sơn đã tiến hành đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở giặt và tái chế bao bì; qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát, sản xuất ngay trên phần diện tích đất của hộ gia đình, đất nông nghiệp, đất lấn chiếm hành lang đê sông Nhơm; ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở chưa cao, không có hồ sơ, thủ tục về môi trường, tài nguyên nước, sử dụng đất sai mục đích, chưa đầu tư hoàn chỉnh các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo quy định, nước thải hầu hết chưa xử lý đảm bảo quy định, đang xả trực tiếp ra môi trường; đổ chất thải rắn ra bờ sông Nhơm trái quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kết luận kiểm tra số 710/KL-STNMT yêu cầu giải quyết dứt điểm các tồn tại, sai phạm về sử dụng đất, môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn. Theo đó, đã có 27 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 27 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 792 triệu đồng.
Ngày 17/5/2022, UBND huyện Triệu Sơn đã ban hành Thông báo Kết luận số 6370/TB-UBND; theo đó, đối với các cơ sở hoạt động trái phép trên đất do UBND xã Thái Hòa quản lý, yêu cầu UBND xã Thái Hòa nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại nêu trên; đối với các cơ sở có vi phạm, yêu cầu dừng hoàn toàn các hoạt động sản xuất và di dời máy móc, tháo dỡ công trình vi phạm; đề nghị Điện lực Triệu Sơn rà soát lại toàn bộ các hợp đồng cung ứng điện và chấm dứt các hợp đồng cung ứng điện đối với các cơ sở do không đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường, thời gian xong trước ngày 30/5/2022. Bên cạnh đó, UBND huyện đã quy hoạch khu vực sản xuất tập trung tại xã Thái Hòa với quy mô 15ha để di chuyển các cơ sở vào vị trí phù hợp, đảm bảo các yêu cầu quy định về sử dụng đất, công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, cho biết: Năm 2019, xã và huyện cũng đã mời đơn vị tư vấn về kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở xây dựng các bể lắng, lọc nước thải trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, kinh phí hoàn thiện hệ thống xử lý phải chi phí hàng trăm triệu đồng nên đến nay các cơ sở chưa đáp ứng được. Theo ông Sỹ, ở thời kỳ cao điểm có trên 30 hộ giặt, tái chế bao bì, hiện tại chỉ còn khoảng hơn 10 hộ đang theo nghề, số còn lại đã chuyển sang làm công việc khác mưu sinh. Khi được hỏi, vì sao có nhiều hộ thuê đất 5% của xã sử dụng sai mục đích nhưng không bị thu hồi? Ông Sỹ nói rằng, trước đây xã cho thuê đất, thu tiền một lần, các hộ xin thêm thời gian để chuyển cơ sở sản xuất vào vùng quy hoạch rồi trả đất?!
Cho dù đã bị các cơ quan chức năng xử phạt, UBND huyện Triệu Sơn ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở tái chế nói trên dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất, di dời máy móc, tháo dỡ công trình vi phạm, thế nhưng, đến nay các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật”. Đặc biệt, cơ sở của ông Trần Văn Thới còn ngang nhiên hoạt động bên cạnh Trụ sở UBND xã Thái Hòa?!