Hải Phòng kiên quyết xóa bỏ tình trạng nuôi ngao tự phát
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có hàng nghìn ha mặt nước nuôi ngao không phép. Thực trạng này tồn tại trong thời gian dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Hoạt động nuôi ngao tự phát còn chồng lấn lên các quy hoạch đã được duyệt như quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch khoáng sản…
“Cuộc chiến” dai dẳng giữa "ngao và cát"...
Những năm gần đây, diện tích nuôi ngao tại các vùng cửa biển của Hải Phòng tăng nhanh đến chóng mặt. Theo báo cáo của UBND huyện Kiến Thụy, nếu như năm 2011, UBND xã Đại Hợp rà soát có 32 hộ nuôi ngao với diện tích hơn 147 ha, đến nay số hộ nuôi tăng lên tới 89 hộ, với diện tích hơn 2.557 ha.
Còn huyện Tiên Lãng, hiện tại khu vực bãi triều ngoài khơi xã Vinh Quang có 26 hộ nuôi với tổng diện tích gần 3.000ha. Trên khu vực biển thuộc quận Hải An có 79 hộ và cá nhân đang nuôi thả ngao trên diện tích hơn 1.200 ha.
Trong khi đó, công việc nuôi ngao hết sức đơn giản, chỉ cần thả giống xuống bãi, dựng chòi thuê người trông coi, sau hơn 2 năm đến kỳ thu hoạch. Duy chỉ có vốn đầu tư từ ban đầu rất lớn. Mỗi ha số tiền mua giống khoảng 140- 160 triệu đồng, thêm tiền thuê nhân công trông coi bãi, từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng khi thu hoạch, số tiền bán ngao thu được ít nhất gấp đôi so với mọi chi phí đã bỏ ra.
Với lợi nhuận cao như vậy nên chuyện những chủ bãi ngao rộng vài chục, thậm chí hơn 100 ha thu lãi hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng mỗi năm là “chuyện thường ngày” ở các vùng nuôi ngao ngoài khơi huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng và quận Hải An. Cũng chính vì lãi “khủng”, những năm qua, nhiều người từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định… cũng đổ về Hải Phòng, cả mua lại lẫn “nhảy dù” xuống các bãi triều tự ý cắm cọc xí phần… Đáng chú ý, tất cả các hộ nuôi ngao và diện tích nuôi ngao đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Bắt nguồn từ việc nuôi ngao tự phát nên đã có hàng loạt tranh chấp giữa những người nuôi ngao với nhau, giữa người nuôi ngao và ngư dân. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa doanh nghiệp (DN) được cấp phép khai thác cát và người nuôi ngao không phép đã xảy ra.
Cụ thể, tại quận Hải An, hoạt động nuôi ngao tự phát diễn ra từ khoảng năm 2016, cũng khoảng thời gian đó, UBND TP Hải Phòng cấp phép cho 4 DN tham gia khai thác cát. Mâu thuẫn giữa các hộ nuôi ngao và DN khai thác cát âm ỉ rồi rộ lên từ năm 2020 đến nay vì không có mốc giới xác định khu vực hoạt động. Trong khi người nuôi ngao “tố” DN cho phương tiện vào khai thác cát, gầu múc cả vào bãi ngao, ảnh hưởng đến nuôi trồng. Ngược lại phía DN “tố” người dân cố tình thả ngao vào khu vực đã được cấp phép khai thác cát. Tranh chấp không được giải quyết dứt điểm, người nuôi ngao thường xuyên ngăn cản khiến hoạt động khai thác cát gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể tổ chức khai thác. Hay như tại huyện Tiên Lãng, dù thành phố không cấp phép khai thác cát cho DN nào nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa người nuôi ngao và đơn vị khai thác cát.
Theo báo cáo của Công an huyện Tiên Lãng, từ năm năm 2018 đến nay thường xuyên xảy ra các vụ việc tranh chấp dẫn đến mất an ninh trật tự giữa DN khai thác cát với người nuôi ngao. Đáng chú ý tại huyện Kiến Thụy, từ năm 2013 đến nay, thời điểm thành phố bắt đầu cấp phép khai thác cát cho DN đã xảy ra hàng chục vụ tranh chấp lớn nhỏ. Trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng, người nuôi ngao đổ xăng, chất vật liệu dễ cháy lên tàu khai thác cát đe dọa đốt tàu.
Theo đó, chính quyền huyện Kiến Thụy, quận Hải An nhiều lần yêu cầu lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng liên quan tuyên truyền, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người và phương tiện trong khu vực biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, trước lợi ích quá lớn, và vì số tiền bỏ ra mua bãi, thả giống, thuê nhân công lên tớinhiều tỷ đồng nên người nuôi ngao không từ bất cứ thủ đoạn nào, sẵn sang “đối đầu” với các DN khai thác cát…
Kiên quyết xử lý dứt điểm
Lý giải cho tình trạng chính quyền càng cấm thì diện tích nuôi ngao càng mở rộng, theo các địa phương cũng như cơ quan chức năng, chủ yếu do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện tuần tra, kiểm soát, nhất là ca nô, tàu, thuyền dẫn đến hiệu quả quản lý thấp. Cùng với đó, theo như báo cáo của UBND quận Hải An, ngoài việc quản lý địa bàn chưa tốt của chính quyền địa phương còn có một phần lỗi của các DN được cấp phép sử dụng đất và mặt nước. Đó là không cómốc giới xác định chính xác diện tích được cấp phép, không quản lý tốt mốc giới. Do đó, các hộ nuôi thả ngao vào diện tích mỏ đã được cấp phép là nguyên nhân gây ra những bất ổn kéodài nhiều năm qua trên vùng biển quận Hải An. Điển hình như chủ đầu tư Khu công nghiệp DEEP C2A, tuy được cấp phép đất và mặt nước, cũng không quản nổi, để hàng loạt hộ dân lấn chiếm, dựng chòi canh, quây bãi nuôi ngao.
Để lập lại trật tự, kỷ cương tại khu vực hộ nuôi ngao không phép chồng lấn với các quy hoạch phát triển cảng biển, quy hoạch khai thác khoáng sản, đặc biệt là khu vực thành phố đã cấp phép cho DN khai thác cát, từ tháng 9/2021 đến nay, UBND TP Hải Phòng đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa hoạt động nuôi ngao và khai thác cát. Trong đó, Thông báo số 232 ngày 10/5/2022 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo rõ: Khoanh vùng 2 khu vực để thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép giai đoạn 1 gồm: Tại quận Hải An có diện tích 1.200 ha liên quan đến 4 mỏ cát của Công ty CP thương mại, xây dựng Tân Vũ, Công ty CP khai thác cát phục vụ khu kinh tế, Công ty TNHH MTV kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ, Công ty CP đầu tư thương mại và vận tải Thành Trang và Dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ; tại huyện Kiến Thụy với diện tích hơn 1.000 ha, liên quan đến 5 mỏ cát của Công ty CP Đầu tư thương mại và vận tải Thành Trang, Công ty TNHH Hoàng Sơn, Công ty CP Đầu tư Thương mại Đông Kinh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Quý và Công ty CP Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.
Chủ tịch UBND quận Hải An Dương Đình Ổn cho biết, đến ngày 27/6 vừa qua, địa phương đã hoàn thành cắm phao tiêu, dựng chòi bảo vệ xác định ranh giới, mốc giới các mỏ cát đã cấp phép cho DN được phép khai thác trên vùng biển thuộc phường Đông Hải 2 và Tràng Cát. Và đến ngày 10/8, còn 13 trong tổng số 28 trường hợp nuôi ngao trái phép chồng lấn mỏ cát không tự tháo dỡ chòi canh và thu hoạch ngao nuôi. Để bảo đảm thực hiện quy định pháp luật và giữ kỷ cương, quận Hải An đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế, tổ chức lực lượng, phương tiện di dời, tháo dỡ các công trình nuôi ngao ra khỏi diện tích mặt biển vi phạm.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn, trong số 8 DN được cấp phép khai thác cát tại bãi triều ngoài khơi xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy thực hiện di dời, giải tỏa giai đoạn 1 những hộ có diện tích nuôi ngao tự phát chồng lấn đối với 4 DN. Đến nay, huyện Kiến Thụy chuẩn bị sẵn sàng cho việc cắm phao tiêu, dựng chòi bảo vệ xác định ranh giới, mốc giới các mỏ cát đã cấp phép cho DN. Để việc di dời, giải tỏa diễn ra thuận lợi, huyện Kiến Thụy thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường đối thoại cũng như tuyên truyền, vận động các hộ tự nguyện di dời, tháo dỡ chòi canh, vật kiến trúc; sẵn sàng phương án, nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cưỡng chế, tiến hành cưỡng chế theo chỉ đạo của thành phố…