Hà Tĩnh hoang hóa, lãng phí hàng trăm cơ sở nhà đất dôi dư

Thứ Bảy, 20/07/2024, 08:25

Nhiều trụ sở, cơ quan làm việc dư thừa, không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn Hà Tĩnh từ nhiều năm qua đã “phơi sương cùng tuế nguyệt” dẫn đến một số cơ sở hư hỏng, xuống cấp. Địa phương đã nỗ lực tìm cách xử lý nhưng vẫn loay hoay, chưa tìm được giải pháp đồng bộ dẫn đến cử tri liên tiếp có ý kiến tại các kỳ họp HĐND các cấp.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính Hà Tĩnh, việc sắp xếp, xử lý các trụ sở, tài sản công dôi dư trên địa bàn được chia thành hai nhóm, bao gồm nhóm cơ sở nhà đất thuộc đối tượng sắp xếp và xử lý theo pháp luật về tài sản công và nhóm được xử lý theo pháp luật đất đai. Số lượng cơ sở nhà đất thuộc diện phải sắp xếp, xử lý của cả hai nhóm này trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lên đến hàng nghìn cơ sở, trong đó bao gồm cả những trụ sở của các bộ, ngành địa phương đóng trên địa bàn và nhà, đất dôi dư thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương do tỉnh quản lý.

nha-dat1.jpg -0
Khuôn viên trụ sở UBND xã Thạch Hương (huyện Thạch Hà) bỏ hoang từ năm 2020 sau khi sáp nhập xã.

Tính đến ngày 30/6/2024, tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận 49 cơ sở nhà đất không còn nhu cầu sử dụng của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương chuyển về địa phương. Trong đó có 27 cơ sở nhà, đất đã được giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận để quản lý và tham mưu phương án xử lý, gồm: 4 trụ sở của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 5 trụ sở của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, 9 trụ sở của Tổng cục Thuế, 2 trụ sở của Tổng cục Thi hành án dân sự; 4 trụ sở của Viện KSND Tối cao; 1 trụ sở của Tổng cục Hải quan; 2 trụ sở của Tổng cục Thống kê và 2 cơ sở nhà đất khác của Tổng cục Hải quan. Ngoài ra, 20 cơ sở nhà đất của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đang trong quá trình phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, bổ sung hồ sơ để tham mưu xử lý. Đến nay, còn 12 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các bộ, cơ quan trung ương không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh nhưng chưa được chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý. Bao gồm: 7 cơ sở nhà, đất là doanh trại cũ của Bộ Quốc phòng; 3 cơ sở nhà, đất khác của Tập đoàn Cao su Việt Nam; một cơ sở của Tổng cục dự trữ Nhà nước và một cơ sở của Tập đoàn Bảo Việt thuộc Bộ Tài chính.

Nguyên nhân chưa hoàn thành xử lý, theo Sở Tài chính Hà Tĩnh thì quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, nhà, đất thuộc cơ quan trung ương phải được đơn vị trình bộ, cơ quan Trung ương chủ quản và Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp nhà đất. Do vậy việc xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc nhóm này phụ thuộc phần lớn vào tiến độ phê duyệt phương án và xử lý của các cơ quan trung ương, điều này dẫn đến có một số cơ sở nhà đất, mặc dù địa phương đã đôn đốc, phối hợp và có văn bản có ý kiến kịp thời, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Địa phương chỉ đóng vai trò phối hợp, không chủ động được trong việc sắp xếp xử lý các nhà đất thuộc nhóm này.

Đối với nhóm các cơ sở nhà, đất dôi dư thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quản lý, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2.102 cơ sở nhà đất. Trong đó, có 1.673 cơ sở nhà đất thuộc khối địa phương; 125 cơ sở nhà, đất thuộc khối doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý; 304 cơ sở nhà đất thuộc khối các cơ quan cấp tỉnh và đơn vị trực thuộc. Qua rà soát, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành xử lý trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là 245 cơ sở nhà đất, trong đó số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước quản lý là 11 cơ sở. Trong số này, 6 cơ sở được phê duyệt phương án “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” gồm các cơ sở của Sở GD&ĐT; Trường Đại học Hà Tĩnh; Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Hà Tĩnh và 3 cơ sở của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh. 4 cơ sở khác thuộc Sở GD&ĐT và 1 cơ sở của ngành Y tế đang được phê duyệt, đề xuất phương án “chuyển giao về địa phương”.

Trong số 234 cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý, tỉnh Hà Tĩnh thống nhất phương án 134 cơ sở được phê duyệt phương án “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; 51 cơ sở được phê duyệt phương án “điều chuyển”; 41 cơ sở được phê duyệt phương án “chuyển giao về địa phương” và một số còn lại là do địa phương mới rà soát bổ sung thêm và đang trong quá trình xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý. Nhóm các nhà đất này phát sinh dôi dư do việc sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tĩnh làm giảm các trường học, trạm y tế, trụ sở... và do quá trình tái cơ cấu, giải thể một số cơ quan, đơn vị dẫn đến không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng trụ sở, tài sản công.

Trong số này, có 31 cơ sở nhà đất được phê duyệt phương án “điều chuyển” cho Bộ Công an để bố trí cho lực lượng Công an xã tại các địa phương quản lý, sử dụng. Thẩm quyền quyết định xử lý đối với việc “điều chuyển” cơ sở nhà đất từ địa phương sang Bộ Công an là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngày 22/9/2023, tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chuyển 31 cơ sở nhà đất này sang cho Bộ Công an quản lý sử dụng nhưng đến nay Bộ Tài chính đang trong quá trình soát xét để ban hành quyết định điều chuyển. Về thực tế, để tránh lãng phí, xuống cấp đối với tài sản công và tạo điều kiện cho lực lượng Công an xã tại các địa phương đã tạm thời được bố trí để quản lý, sử dụng tại các cơ sở nhà, đất này. Còn lại các nhà đất khác, qua rà soát từ các địa phương, đang trong quá trình làm thủ tục, hoàn thiện đảm bảo hồ sơ để thực hiện.

Bên cạnh các yếu tố khách quan, nguyên nhân dẫn đến chậm xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư xuất phát từ tâm lý chủ quan của các nhà quản lý cũng như chính quyền địa phương. Đối với các tài sản công dôi dư đã được phê duyệt phương án, nhiều địa phương cho rằng bán sẽ không có người mua nên còn chậm trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, việc bán tài sản công theo quy định hiện hoặc phải tiến hành đấu giá, hoặc do Sở Tài chính đứng ra tổ chức. Lo ngại về việc cơ quan có tài sản tổ chức bán sẽ không đủ nhân lực, bộ máy, năng lực để tổ chức thực hiện bán đấu giá, khó đáp ứng được đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan. Trong khi Sở Tài chính tổ chức bán sẽ gây quá tải cho các cán bộ tại địa phương do số cơ sở nhà, đất dôi dư được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyện nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh là rất nhiều nên đến nay vẫn chưa tổ chức thực hiện được bất cứ cơ sở nào.

T.Thảo
.
.
.